Tiêu tiền đô la thế nào cho đúng luật?

Khi thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế bắt buộc phải sử dụng những công cụ tài chính phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Hình minh họa.

Hỏi: Trong các giao dịch liên quan đến tài chính quốc tế, tôi thường thấy có yêu cầu bắt buộc sử dụng các công cụ tài chính là ngoại tệ, ngoại hối. Xin hỏi hai khái niệm tài chính này có phải là một? Cách phân biệt hai loại công cụ tài chính này như thế nào? (Bạn Lan Anh, sinh viên Học viện Ngân hàng).

Trả lời: Khi thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế bắt buộc phải sử dụng những công cụ tài chính phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Các công cụ tài chính tồn tại dưới các dạng như vàng, ngoại tệ, séc, hối phiếu, các giấy tờ có giá khác.

Khi tiếp cận các công cụ tài chính quốc tế, cần phân biệt ngoại tệ và ngoại hối. Ngoại tệ là khái niệm chỉ đồng tiền của nước khác trên lãnh thổ mà bạn đang sinh sống; ngoại tệ có thể được chi trả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đồng tiền thứ ba trong thanh toán quốc tế.

Mỗi quốc gia sẽ có một đồng tiền riêng, do chính ngân hàng trung ương nước đó phát hành và lưu thông dựa trên luật pháp của nước đó, đồng tiền này được gọi là ngoại tệ. Còn khái niệm ngoại hối được hiểu là ngoại tệ và các phương tiện có giá trị dùng chi trả trong thanh toán quốc tế.

Tùy theo tập quán kinh doanh của mỗi nước, phạm vi các phương tiện giao dịch ngoại hối có thể không giống nhau. Ngoại hối bao gồm các loại: ngoại tệ, các chứng khoán có giá ghi bằng ngoại tệ, trái phiếu kho bạc, vàng tiêu chuẩn quốc tế, các thanh toán quốc tế ghi bằng ngoại tệ…

Như vậy, ngoại tệ là một loại ngoại hối nhưng thông thường nó chiếm tỷ trọng lớn nên hiện nay ở nước ta một số người đồng nhất khái niệm ngoại tệ là ngoại hối. Theo luật sư, điều này không có gì sai nhưng xét về bản chất thì chưa đầy đủ.

Hỏi: Một người bạn là Việt kiều Mỹ muốn mua lại cửa hàng của vợ chồng tôi để kinh doanh và thỏa thuận thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Tôi xin hỏi việc chúng tôi thỏa thuận, giao dịch mua bán bằng ngoại tệ như vậy có hợp pháp không? Pháp luật quy định việc sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân tại Việt Nam như thế nào? (Anh Phạm Đông, 45 tuổi ở Nha Trang).

Trả lời: Tại Việt Nam, việc quản lý, sử dụng ngoại tệ chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các quy định khác có liên quan.

Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối, điều 3 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số số 16/2015/TT-NHNN ngày 19/10/2015) quy định:

Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như vậy, việc thỏa thuận, giao dịch mua bán bằng ngoại tệ là không hợp pháp. Vậy nên người bạn Việt kiều của anh cần đến các địa chỉ thu đổi ngoại tệ hợp pháp để đổi đồng đô la ra tiền Việt Nam để thực hiện giao dịch mua bán theo quy định.

Về quy định việc sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân tại Việt Nam, theo điều 24 Pháp lệnh ngoại hối, điều 23 Nghị định 70 ngày 17/7/2014, người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định này, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.

Việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân (đổi ngoại tệ) phải được thực hiện tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối và Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29/8/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép.

Theo điều 3 Thông tư 20/2011/TTNHNN, việc mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.

Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng muốn cung cấp dịch vụ đổi ngoại tệ phải đăng ký để được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế.

Hỏi: Bác tôi được người thân ở nước ngoài tặng cho một số tài sản lớn bằng đồng đô la. Hiện bác tôi muốn mang số đô la đó gửi tiết kiệm để kiếm lãi. Xin hỏi bác tôi có thể gửi tiết kiệm ở đâu, thủ tục như thế nào? (Chị Hoài Nga, 26 tuổi ở TP HCM).

Trả lời: Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều có dịch vụ nhận gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ; nhiều tổ chức tín dụng cũng có dịch vụ này. Vậy nên bác của bạn cần mang số đô la đến những ngân hàng, tổ chức tín dụng để làm thủ tục gửi tiết kiệm.

Do mỗi tổ chức tín dụng có những chính sách khác nhau về quy trình, thủ tục và các giấy tờ cần thiết để lập tài khoản và gửi tiền tiết kiệm hay gửi tiền trong tài khoản vì vậy, bạn cần tham khảo cụ thể từng đơn vị tổ chức tín dụng để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Lưu ý: theo chính sách hiện hành của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, lãi suất USD đang được duy trì ở mức 0%. Vậy nên nếu bác của bạn muốn gửi tiết kiệm bằng đồng đô la để hưởng lãi suất thì sẽ không đạt mục đích.

Tuy nhiên, dù thực tế tuy lãi suất gửi USD chỉ là 0% nhưng đồng USD vẫn tăng vài phần trăm 1 năm nên nhiều người vẫn gửi đô la vào ngân hàng. Chưa kể, gửi đô la vào ngân hàng cũng là để dự phòng tới khi cần sử dụng ngoại tệ thì chỉ việc làm thủ tục rút ra mà không phải mất tiền chênh lệch như khi mua lại.

Hỏi: Qua mạng facebook, em quen và yêu một bạn trai là Việt kiều Pháp. Biết tin em bị ốm, cha mẹ em lại mới xây sửa lại nhà nên bạn trai hứa sắp tới sẽ gửi về nước cho em một số tiền lớn để em trang trải cuộc sống. Em xin hỏi khi anh ấy chuyển tiền về, em ra làm thủ tục nhận thì có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không? (Chị Tuyết Trinh, ở Cần Thơ).

Trả lời: Theo Khoản 8, Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 thì thu nhập từ kiều hối thuộc diện được miễn thuế. Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 111 ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân như sau:

“h) Thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước. Căn cứ xác định thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là các giấy tờ chứng minh nguồn tiền nhận từ nước ngoài và chứng từ chi tiền của tổ chức trả hộ (nếu có).”

Tại Điều 1 Quyết định số 170 ngày 19/8/1999 của Chính phủ về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước quy định:

“Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài được chuyển ngoại tệ về nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của các nước mà người Việt Nam sinh sống và có nhu cầu gửi tiền về nước.

Người nước ngoài chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam với mục đích giúp đỡ gia đình, thân nhân, hay vì mục đích từ thiện khác cũng được khuyến khích và thực hiện như đối với người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Quyết định này.”

Điều 6 Quyết định 170 quy định về Quyền của Người thụ hưởng: Không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.”

Tại Điều 1, Quyết định số 06 ngày 25/11/2013 của Ngân hàng Nhà Nước về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước có nêu: “Người nước ngoài chuyển tiền về từ nước ngoài vào Việt Nam với mục đích giúp đỡ gia đình, thân nhân, hay vì mục đích từ thiện khác cũng được khuyến khích và thực hiện như đối với Người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Quyết định này.”

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên thì Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích người Việt Nam và người nước ngoài chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam với mục đích giúp đỡ gia đình, thân nhân, hay vì mục đích từ thiện khác thì Người thụ hưởng không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển.

Quỳnh Lưu (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/tieu-tien-do-la-the-nao-cho-dung-luat-d82169.html