Tiều Tiên phóng tên lửa và phản ứng của Mỹ - Hàn

Giới phân tích cho rằng vụ Triều Tiên phóng tên lửa là nhằm gây sức ép buộc Mỹ-Hàn dừng tập trận và tăng cường vị thế trước khi nối lại đàm phán với Mỹ.

Ngày 31/7, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm một hệ thống tên lửa mới trong các vụ phóng được thực hiện trước đó một ngày dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Vụ phóng này của Triều Tiên được phía Mỹ và Hàn Quốc đặc biệt chú ý trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao đang được xúc tiến nhằm nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), vụ phóng này được tiến hành hôm qua nhằm thử nghiệm một "hệ thống tên lửa dẫn đường đa nòng cỡ lớn đời mới".

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc lập tức bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, cho rằng hành động “khiêu khích” của Triều Tiên có thể gây tổn hại cho nỗ lực tái thiết hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Trước diễn biến mới, Nhà Xanh cũng triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), do Giám đốc Chung Eui-yong chủ trì. Còn Ngoại trưởng Kang Kyung-wha nhận định diễn biến mới không hề giúp giảm căng thẳng quân sự hay duy trì xung lượng cho cuộc đối thoại đang được xúc tiến.

Về phía Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho rằng, các cuộc thử nghiệm không vi phạm cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với Tổng thống Mỹ nhưng ông cũng băn khoăn trước câu hỏi khi nào hai nước sẽ tiếp tục đàm phán.

"Việc phóng những quả tên lửa này không vi phạm cam kết mà ông Kim Jong Un đã hứa với Tổng thống Trump nhưng chưa rõ khi nào chính sách ngoại giao thực sự sẽ bắt đầu, khi nào các cuộc thảo luận ở cấp độ làm việc về phi hạt nhân hóa sẽ bắt đầu, vì ông Kim Jong-un cam kết hôm 30/6 rằng ông ta đã chuẩn bị để đàm phán. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ phía Triều Tiên".
Dự kiến, hôm nay (1/8), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp kín để thảo luận về các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên theo yêu cầu của Anh, Pháp và Đức. Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, cuộc họp diễn ra vào sáng nay (giờ địa phương) trong bối cảnh các nước ngày càng lo ngại Triều Tiên đang phát triển các vũ khí tầm xa, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Các cuộc thảo luận nằm trong chương trình nghị sự kín được tổ chức để đánh dấu ngày đầu tiên của Hà Lan trên cương vị chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Theo các chuyên gia, vụ phóng mới nhất của Triều Tiên dường như là một cuộc thử nghiệm vũ khí, với độ cao khá thấp của tên lửa (chỉ khoảng 30 mét), nhằm gây sức ép buộc Hàn Quốc và Mỹ ngừng các cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8, cũng như tăng cường vị thế đàm phán của Triều Tiên trước khi nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ. Theo giới chuyên gia, Triều Tiên có thể tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa cho đến khi cuộc tập trận Mỹ - Hàn kết thúc. Bên cạnh đó, vụ phóng này còn phát đi thông điệp rằng các cuộc đàm phán có thể đổ bể nếu Mỹ không hành động và đưa ra những điều khoản gần hơn với những yêu cầu của Triều Tiên

Tuy nhiên, trong thông điệp phát đi, một quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua (31/7) khẳng định, các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn sẽ được tiến hành, bất chấp những cảnh báo từ phía Triều Tiên và các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên .

Lâu nay, Triều Tiên vẫn luôn chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, coi đây là các cuộc diễn tập cho việc xâm lược. Tuy nhiên, cả Hàn Quốc và Mỹ đều bác bỏ quan điểm trên của Triều Tiên, khẳng định các cuộc tập trận này hoàn toàn chỉ mang tính phòng vệ./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tieu-tien-phong-ten-lua-va-phan-ung-cua-my-han-939076.vov