Tìm cách 'bịt lỗ hổng' kỳ thi THPT quốc gia

Hôm qua, 17/9, Bộ GD&ĐT họp Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2018. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố nhằm đề xuất các giải pháp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Thí sinh thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Như Ý.

Thí sinh thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Như Ý.

Khó vẹn toàn cả hai mục tiêu

Tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức vừa qua, TS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng kỳ thi THPT quốc gia được chúng ta gọi nôm na là “hai trong một”, nhưng thực tế hai mục tiêu khá khác nhau. Dưới góc độ tốt nghiệp THPT, kỳ thi này mang tính chất sát hạch để xem học sinh có đủ kiến thức văn hóa tối thiểu tiếp tục học lên hoặc là bước ra thị trường lao động. Mục tiêu thứ hai để xét tuyển ĐH, CĐ là phải chọn được thí sinh có đầy đủ kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, đầy đủ tư duy để có thể học cao hơn ở hệ thống giáo dục quốc dân là ĐH, CĐ.

Vì vậy, TS Phạm Tất Thắng khẳng định mục tiêu của hai kỳ thi rất khác nhau, ghép kỳ thi này về kỹ thuật là rất khó. Ông cũng cho hay nếu chỉ là mục tiêu tốt nghiệp THPT thì chắc chắn kỳ thi THPT quốc gia sẽ không có nhiều sai phạm. Sai phạm chủ yếu ở đây là làm cho thí sinh có kết quả tốt để đáp ứng được yêu cầu xét tuyển ĐH, CĐ, thậm chí có thể vào một số trường danh tiếng. Đây rõ ràng là vấn đề kỹ thuật các nhà quản lý quan tâm, để hài hòa hai mục tiêu này.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, trước đây các trường tuyển sinh rất vất vả. Từ khi có kỳ thi THPT quốc gia, các trường rất “nhàn”. Nhưng kỳ thi này có ảnh hưởng gì đối với các trường ĐH hay không? GS Nguyễn Đình Đức cho hay, thực tế, ở ĐHQG Hà Nội, số thí sinh bỏ học sau năm thứ nhất rất nhiều. Trong 2 năm vừa rồi vào khoảng 700 em/năm, chiếm khoảng 10%. Bên cạnh đó số lượng ảo cũng lớn. Một điểm đáng chú ý nữa là xu hướng lựa chọn ngành xã hội nhân văn rất lớn, chưa bao giờ tỷ lệ này bùng nổ như bây giờ, cho thấy xu hướng học sinh đang lựa chọn những ngành dễ học. Đây là vấn đề cần được cảnh báo.

Mặt khác, GS Nguyễn Đình Đức nêu một thực tế, với 156 tổ hợp dự thi là quá nhiều. “Với 26 điểm tổ hợp Toán, Lý, Hóa rõ ràng khác với 26 điểm tổ hợp Địa, Giáo dục công dân hay môn xyz nào đó về chất lượng học tập. Do vậy, tôi cho rằng về tổ hợp xét tuyển thì cần cân nhắc, bởi nếu tổ hợp xét tuyển không cơ bản thì lợi bất cập hại, chúng ta tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng chất lượng bị ảnh hưởng” - GS Nguyễn Đình Đức khẳng định.

Không coi thi, chấm thi ở tỉnh mình

Vì mục tiêu xét tuyển ĐH được xã hội quan tâm và là nguyên nhân để tiêu cực phát sinh nên theo ý kiến của các chuyên gia, giải pháp của Bộ đưa ra phải “bịt được lỗ hổng” về mặt kỹ thuật.

Theo TS Phạm Quốc Thắng, thứ nhất ở góc độ quản lý, cần tiếp tục rà soát quy chế thi, sơ hở thấy rồi thì phải có quy định cụ thể hơn, rõ trách nhiệm hơn của các khâu, cá nhân trong tổ chức kỳ thi này. Để các khâu đều tường minh, một người không thể tác động đến nhiều khâu của quá trình tổ chức thi. Thứ hai, yếu tố cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý với địa phương. Tăng trường kiểm tra, giám sát để từng khâu có đánh giá, nhìn nhận, kịp thời phát hiện ra sai sót, bất cập, tránh được hậu quả đáng tiếc.

Chiều qua, 17/9, trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia cho rằng phương án thi THPT quốc gia hay phương án trường ĐH có đề án tuyển sinh đều có mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề phải lựa chọn được phương án ít “cái dở” nhất. Nếu để các trường ĐH tự tuyển sinh, liệu các trung tâm luyện thi sẽ lại mọc lên quanh các cổng trường ĐH như trước 3 chung? Rồi tình trạng khăn gói rồng rắn lên các thành phố lớn đi thi rất tốn kém. Chính vì vậy, theo vị chuyên gia này, phương án thi THPT quốc gia bây giờ vẫn có nhiều ưu điểm. Muốn đổi mới phải đợi sau khi chương trình SGK mới đi vào thực tiễn. Còn hiện nay, để khắc phục những hạn chế về tiêu cực thi cử xảy ra, vị chuyên gia này cho hay, Bộ cần phải tập huấn thật kỹ đội ngũ thanh tra ủy quyền của Bộ. Họ phải có đủ năng lực trình độ và phải có tâm để làm nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, để khắc phục những tồn tại của kỳ thi năm nay, về phía Bộ sẽ bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra kỳ thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra. Hoàn thiện quy chế, khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật, làm sao tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, làm sao những người có nghề về CNTT nếu muốn gian lận cũng khó thực hiện. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các sở để có kỳ thi chất lượng. Tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi.

Đặc biệt chấm thi cũng có sự điều chỉnh, làm sao để giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình, giảng viên ĐH địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình để đảm bảo khách quan.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tim-cach-bit-lo-hong-ky-thi-thpt-quoc-gia-1325038.tpo