Tìm cách tháo gỡ khó khăn để du lịch biển phát triển tương xứng tiềm năng

Chiều 9/12, tại Tp.Đà Nẵng, Hội thảo Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam – Thời cơ, thách thức và giải pháp đã được diễn ra.

Du lịch biển, đảo chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có

Đây được xem là hội thảo quan trọng nhằm tìm ra các giải pháp thuận lợi để phát triển du lịch biển đảo Việt Nam.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, cho rằng, Thời gian vừa qua, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.

Trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.

Chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước.

Có thể thấy rằng, du lịch biển phát triển đã có phần đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt.

Mặc dù du lịch biển đảo đã khẳng định được vị thế, vai trò và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho ngành du lịch Việt Nam, tuy nhiên việc khai thác du lịch biển, đảo của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ. Các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều.

Những bất cập về môi trường, về quy hoạch; vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khác biệt và hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá… là điều đáng lưu ý.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Với định hướng trong thời gian tới, Du lịch biển đảo Việt Nam sẽ chú trọng việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Giải

pháp để du lịch biển đảo phát triển

Làm rõ các tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển đảo, nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng đồng quan điểm, cho rằng, du lịch biển, đảo ở Việt Nam chưa thực sự được phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nhận định, du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Du lịch có nhiều đề xuất tâm huyết.

Mặc dù vậy, còn nhiều vấn đề cần quan tâm như tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch.

Chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, không phát triển ồ ạt, đồng thời để phù hợp với sức phát triển của thị trường, dành dư địa cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai.

Cần phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp

Đặc biệt chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và dành ngân sách thỏa đáng cho bảo vệ môi trường, bảo tồn tôn tạo tài nguyên. Quan tâm đúng mức tới vấn đề đánh giá sức chứa và quản lý sức chứa du lịch

Ngoài ra, cần chú trọng sự tham gia của cộng đồng, người dân địa phương và quyền lợi của họ trong phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch biển với bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng trong đầu tư kinh doanh du lịch biển.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương lại đề nghị các địa phương, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia.

Tuy nhiên phải đảm bảo nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, có phương án xử lý rác thải, chất thải, nước thải phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm.

Các địa phương cũng cần sẵn sàng phương án ứng phó, cứu hộ, cứu nạn một cách linh hoạt, nhanh chóng để hạn chế tối đa thiệt hại và tác động tiêu cực đến khách du lịch…

“Định vị thương hiệu du lịch của địa phương mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất. Trước mắt tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, một số địa phương nghiên cứu đầu tư cầu cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đảm bảo theo quy hoạch tổng thể; đô thị hóa vùng ven biển và hải đảo; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ biển gắn phát triển du lịch biển, ưu tiên lĩnh vực hải dương học.

Quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch biển, đảo theo hướng “lưỡng dụng” không làm ảnh hưởng đến thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn”, ông Hùng đề nghị.

Trong khi đó, theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, mỗi địa phương có biển cần có những sản phẩm du lịch biển đảo riêng đặc trưng như OCOP, nhiều trải nghiệm không chỉ bó hẹp ở bãi biển, càng đa dạng càng tốt, khách hàng có nhiều lựa chọn cho trải nghiệm mà du khách thích. Đầu mối lên là Sở Du lịch, Sở cũng nên có chuyên gia chuyên trách cho mảng sản phẩm, trong đó có phát triển sản phẩm trải nghiệm, tours biển đảo.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group nói lên tiếng nói của doanh nghiệp.

Các địa phương có biển phải có hạ tầng cảng thủy nội địa riêng cho hoạt động biển đảo địa phương, nội vùng, và liên vùng, du ngoạn trên biển phải an toàn, dễ dàng hơn, cấp phép đơn giản tours mới, tuyến mới, các hoạt động cấp phép cần một cửa thay vì 18 loại giấy tờ để hoạt động ngủ đêm.

“Mỗi tỉnh có cơ quan đầu mối một cửa cho hoạt động cấp phép và tổ chức tours biển đảo mới. Đơn giản thủ tục và tổ chức tour biển đảo. Hiện quá nhiều đơn vị cấp phép, chồng chéo, không ai chịu trách nhiệm.

Trong các hoạt động kinh tế ban đêm từ 6h tối tới 6h sáng là khoảng thời gian thu nhiều tiền của khách, nên cho phép tours đêm trên vịnh biển, sông hồ, ngoài khung giờ cố định.

Khách tàu biển sẽ được đón trực tiếp, dịch vụ VIP tại cầu cảng du lịch và có những tours thú vị khi lên bờ trải nghiệm. Hình thành các tours tuyến đặc trưng, cho khách tàu biển chạy dọc bờ biển Việt Nam”, ông Hà đề xuất.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thao-go-kho-khan-de-du-lich-bien-phat-trien-tuong-xung-tiem-nang-a584906.html