Tìm cách tháo ngòi 'bom nước'

Nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar ở Đắk Nông và các thủy điện ở Đắk Lắk khiến hàng ngàn người dân vùng hạ du phải di dời khẩn cấp

Liên quan đến sự cố thủy điện Đắk Kar (tỉnh Đắk Nông) có nguy cơ bị vỡ, trong 2 ngày qua, lực lượng chức năng 3 tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng đã di dời hàng ngàn người dân ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Khẩn cấp sơ tán

Thực hiện Công điện khẩn của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đối với nguy cơ cao xảy ra vỡ đập thủy điện Đắk Kar (tỉnh Đắk Nông), UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó với sự cố trên. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh khẩn trương thông tin về sự cố ở đập đến các cấp chính quyền và người dân; thường xuyên liên lạc với Công ty CP Thủy điện Đắk Kar để theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ và sự cố để chủ động các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh...

Đến thời điểm này đã có 150 hộ dân ở huyện Cát Tiên và 150 hộ dân tại huyện Đạ Tẻh sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nếu xảy ra sự cố ở đập thủy điện Đắk Kar. Phương án sơ tán là sẽ di dời các hộ trên lên các vị trí cao hơn ở gần khu vực các hộ này đang sinh sống. Ngoài ra, do nước lũ dâng cao, huyện Đạ Tẻh cũng di dời 400 hộ dân ở vùng ngập đến nơi an toàn.

Tỉnh Bình Phước cũng đã di dời khoảng 5.000 người dân ở 4 xã gồm: Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà của huyện Bù Đăng. Những hộ dân này được sắp xếp ở trên các khu vực cao và ở nhờ nhà người quen. Tại Đắk Nông, lực lượng chức năng di dời 200 hộ dân với gần 500 người về nơi an toàn.

Nước lũ từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk về thượng nguồn tăng đột ngột khiến các huyện Tân Phú, Định Quán, Nam Cát Tiên của tỉnh Đồng Nai cũng cấp tốc sơ tán dân. Đến chiều 9-8, hai huyện Tân Phú và Định Quán đã di dời 1.200 hộ dân sống dọc ven sông để bảo đảm an toàn.

Về thông tin sự cố tại hồ thủy điện Đắk Kar có thể dẫn đến nguy cơ vỡ đập đe dọa vùng hạ du, đại diện Công ty Thủy điện Trị An cho biết hiện nước lũ chỉ hoành hành ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, chưa thể đe dọa phía hạ lưu. Theo đơn vị này, mưa lớn ở các tỉnh Tây Nguyên, nước thoát không kịp nên gây ngập các vùng lân cận; riêng hồ Trị An chưa bị ảnh hưởng.

"Nước tràn ngập vùng cao do không kịp tiêu thoát, người dân cũng cần đề phòng lũ quét. Riêng vùng hạ lưu hiện chưa quan ngại vì hồ Trị An đang rất cạn và chủ động điều tiết. Hồ đang chứa lưu lượng nước ở khoảng mức 1/20 lưu lượng cho phép, tổng dung tích của hồ là hơn 2.500 tỉ m3" - ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An, thông tin.

Chủ đầu tư thủy điện Đắk Kar thiếu trách nhiệm?

Theo báo cáo của Công ty CP Thủy điện Đắk Kar (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đắk Kar), ngày 6-8, mực nước hồ ở ngưỡng 467 m. Tuy nhiên, 11 giờ ngày 7-8, mực nước hồ tăng nhanh lên 496,5 m. Chủ đầu tư đã tiến hành xả tràn để đón lũ với lưu lượng nhỏ nhưng sau đó, lượng nước đổ về nhiều mang theo nhiều cây củi nên cửa van bị kẹt không thể mở được cửa xả tràn.

Cũng theo chủ đầu tư, do lượng mưa kéo dài đến sáng 8-8 nên xảy ra sự cố sạt lở đất đồi cách chân hạ lưu đập khoảng 50 m, làm đường ống dẫn nước (ống thép, đường kính 2,32 m) về nhà máy bị vỡ một đoạn 70 m. Nước hồ chảy qua đường ống này cũng gây sạt lở khu vực hạ lưu đập dâng. Đến 13 giờ ngày 8-8, mực nước bắt đầu giảm và đến 12 giờ ngày 9-8, mực nước giảm về cao trình 476,63 m và đang tiếp tục giảm.

Ông Chu Văn Quyền, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Kar, thông tin sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã huy động nhân lực và thiết bị chống lũ như dùng phương án nâng cửa đập sử dụng bằng pa- lăng tay và tời nâng điện tử, kết hợp xe nâng nhưng vẫn không nâng được cửa xả. Trước tình hình này, đơn vị đã dùng bao cát để gia cố bổ sung bờ đập các vị trí xung yếu; chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ như máy đào, máy phát dự phòng, khống chế không cho nước tràn qua mặt đập.

Ông Lê Viết Thuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, cho biết tất cả phương án vận hành khai thác, xả lũ chưa được chủ đầu tư chuẩn bị. Chủ đầu tư cũng không để ý đến tình hình thời tiết nên khi lũ về trở tay không kịp. Hiện nay, các vấn đề về kỹ thuật thì chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi thị sát đập thủy điện Đắk Kar vào chiều 9-8 Ảnh: Cao Nguyên

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi thị sát đập thủy điện Đắk Kar vào chiều 9-8 Ảnh: Cao Nguyên

Về hướng giải quyết, ông Thuận nói cơ quan chức năng đã khoan lỗ sẵn ở vai đập để khi nước về thì nổ mìn tạo dòng chảy xả lũ điều tiết, không xả đột ngột xuống hạ du. "Chủ đầu tư không chuẩn bị trước phương án xả lũ, cánh xả tràn chưa vận hành thử và hiện vẫn chưa vận hành được. Thủy điện này mà vỡ thì sức công phá như một quả bom nhưng chủ đầu tư quá chủ quan, gây thiệt hại lớn, bao nhiêu lực lượng phải tham gia, túc trực, hàng ngàn người dân mất ăn mất ngủ" - ông Thuận lo lắng.

Trong khi sự cố kẹt cửa xả của Nhà máy Thủy điện Đắk Kar chưa được khắc phục, tiếp tục đe dọa an toàn hồ đập thì lại thêm một thủy điện khác gặp sự cố về đường ống áp lực nên phải xả lũ khẩn cấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 9-8, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết thủy điện Đắk Sin 1 (huyện Đắk R’lấp) đang gặp sự cố, phải xả lũ khẩn cấp. Đây là thủy điện thứ 2 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra sự cố trong 2 ngày qua, sau thủy điện Đắk Kar (cũng nằm trên địa bàn huyện Đắk R’lấp).

Thủy điện liên tiếp gặp sự cố

Theo ông Lê Viết Thuận, sáng 9-8, Công ty CP VRG Đắk Nông đã có văn bản khẩn báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông về việc xả lũ khẩn cấp, sự cố vận hành điều tiết chống lũ, vỡ đập thủy điện Đắk Sin 1.

Theo báo cáo này, nguyên nhân là do mưa lớn, lượng nước về nhiều gây vỡ đường ống áp lực làm hư hỏng tuyến năng lượng. Nhà máy phải ngừng phát điện, xả lũ khẩn cấp để bảo đảm an toàn đập. Lưu lượng nước xả khẩn cấp về hạ lưu mức lớn nhất là 126 m3/giây. Việc xả được duy trì đến khi cơ quan chức năng có thông báo lũ tan. Dung tích hồ chứa hiện tại là 11,8 triệu m3.

Cùng ngày, chúng tôi đã có mặt tại thủy điện Đắk Kar - nơi xảy ra sự cố kẹt van xả trong 2 ngày qua. Thủy điện Đắk Kar nằm giữa 2 huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) và Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông), lọt thỏm giữa rừng núi. Công trình thủy điện này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa khai thác. Thân đập được xây dựng chủ yếu bằng đất, bên trên gia cố bằng các bao cát. Trên đập thiết kết 2 cửa xả tràn nhưng cả 2 cửa này đều bị kẹt. Chiều 9-8, khoảng 10 công nhân kỹ thuật tiếp tục lắp đặt ròng rọc để cố kéo cửa xả nhưng bất thành do áp lực nước quá lớn. Trong khi đó, ống áp lực dùng để dẫn nước từ hồ về nhà máy để phát điện bị vỡ một đoạn 70 m. May mắn là phía thượng nguồn hồ chứa mưa ít, nước trong hồ thoát qua ống áp lực, cửa xả đáy và một phần nhỏ cửa xả tràn nên mực nước trong hồ giảm xuống 2 m.

Lo ngại vỡ đập thủy điện Đắk Kar, người dân tỉnh Lâm Đồng sơ tán đến nơi an toàn Ảnh: ĐÌNH THI

Không chỉ Đắk Nông, nhiều thủy điện ở Đắk Lắk cũng đang có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đợt mưa lũ từ ngày 6 đến 8-8 đã khiến một số công trình thủy lợi trên địa bàn gặp sự cố. Cụ thể, tại huyện Ea Súp, ngày 7-8, mực nước trong hồ chứa Đội 6 (xã Ia Lốp) dâng cao tràn qua đỉnh đập làm xói lớp đất mặt mái hạ lưu đập, xuất hiện 2 lỗ thấm ở vai trái đập. Cũng do mưa lớn, ngày 7-8, hồ chứa 201 (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) bị nước tràn qua đỉnh đập 20 cm. Địa phương đã cử lực lượng khơi thông cửa vào tràn, gia cố đỉnh đập, bảo đảm an toàn cho công trình. Hay tại hồ chứa nước Ea Nao 2 có dung tích khoảng hơn 220.000 m3, vào trưa 8-8 do mưa to, nước dâng cao dẫn đến nguy cơ vỡ hồ. Ngay sau đó, TP Buôn Ma Thuột đã huy động hàng trăm chiến sĩ công an, dân quân tiến hành gia cố và giữ được chân hồ. Nếu sự cố vỡ hồ xảy ra sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dân các phường Tân An, Tân Lập, Tự An, TP Buôn Ma Thuột...

Tỉnh Đắk Lắk hiện có tổng số 782 công trình thủy lợi, trong đó có 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý thủy lợi Đắk Lắk, công ty được giao quản lý 339 công trình hồ, đập. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay có nhiều hồ, đập hư hỏng, xuống cấp chờ bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, những công trình này có khả năng mất an toàn khi xảy ra mưa lũ.

Kịp thời ứng phó, tránh nguy cơ gây vỡ đập

Ông Trần Quang Hoài - Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, cho biết trước tình hình mưa lũ diễn biến nguy hiểm, khó lường, ban chỉ đạo đã có công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng và một số bộ, ngành đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với sự cố đập thủy điện Đắk Kar. Đồng thời, ban chỉ đạo đã cử 2 đoàn công tác đến hiện trường đập thủy điện Đắk Kar phối hợp cùng 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý.

Thường xuyên theo dõi diễn biến

Sáng 9-8, kiểm tra thực tế tại một số công trình hồ đập, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, dự báo lượng mưa trên khu vực từ đó đánh giá lượng nước vào hồ, trên cơ sở đó quyết định xả lũ hợp lý, bảo đảm an toàn cho đập và tránh việc xử lý cấp tập gây ngập lụt nhân tạo vùng hạ du. Trong trường hợp xảy ra ngập lụt vùng hạ du cần có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản vùng hạ du. Đối với các hồ chứa đã xảy ra sự cố, có nguy cơ mất an toàn, các đơn vị quản lý khai thác cần có lực lượng tại công trình 24/24 giờ để theo dõi, kịp thời xử lý trong trường hợp sự cố đột xuất xảy ra.

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tim-cach-thao-ngoi-bom-nuoc-20190810000925454.htm