Tìm cách tiếp cận phù hợp với tình hình Biển Đông

Theo thống kê của Ủy ban Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), khoảng 80% khối lượng và 70% giá trị thương mại toàn cầu được trung chuyển tại Biển Đông. Trước lợi ích 'khổng lồ' đó, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp và được cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm sâu sắc và vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Đảo Cô Lin thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đảo Cô Lin thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tìm cách tiếp cận phù hợp

Nhiều tháng gần đây liên tục chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Đáng chú ý, cách tiếp cận của nhiều quốc gia đã dần thay đổi theo chiều hướng thượng tôn luật pháp quốc tế, điển hình như việc nhiều quốc gia đồng loạt gửi công hàm lên Liên hợp quốc cùng chung quan điểm bác bỏ những lập luận làm suy yếu luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Ví dụ là các Công hàm gửi Liên hợp quốc của các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, Mỹ, Australia và mới đây nhất là Công hàm chung của Anh - Pháp - Đức.

Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy giải pháp được ưu tiên hàng đầu là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nhiều quốc gia cũng đang có những điều chỉnh trong vấn đề quan hệ và cách thức tiếp cận vấn đề Biển Đông. Theo giới quan sát khu vực, sự chuyển biến này nhằm mục đích tăng cường đối trọng cân bằng để ngăn chặn và giảm thiểu tối đa những hành vi làm leo thang căng thẳng tại khu vực.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong quan hệ quốc tế liên quan tới Biển Đông trong thời gian gần đây là việc Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia xúc tiến thành lập nhóm Bộ Tứ và dự kiến mở rộng nhóm này với những thành viên khác như Hàn Quốc, các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Giới chuyên gia đánh giá, cơ chế hợp tác quốc tế này không phải liên minh quân sự nhưng có tiềm lực ngoại giao rất lớn và được kỳ vọng có tầm ảnh hưởng quan trọng.

Theo truyền thông Ấn Độ, nhóm Bộ Tứ dự kiến được thành lập gồm những quốc gia có chung tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và toàn diện. Tầm nhìn này được hình thành phải dựa trên cơ sở công bằng, đa phương và tôn trọng luật pháp, thông lệ quốc tế. Đặc biệt, tầm nhìn này cũng là phương hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới đối với vấn đề Biển Đông nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên liên quan.

Khác với trước đây, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đang đẩy mạnh sự ủng hộ đối với luật pháp quốc tế và cơ chế đa phương, giải quyết mọi bất đồng bằng giải pháp hòa bình trong vấn đề Biển Đông.

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, trong thời gian qua, chính quyền Mỹ đã cho thấy lập trường cứng rắn và kiên định đối với vấn đề Biển Đông. Điều đó đồng nghĩa với việc, những biến động trong nội bộ nước Mỹ hoàn toàn không ảnh hưởng tới quan điểm, lập trường xuyên suốt của cường quốc này.

Tăng cường sức mạnh đa phương

Mới đây, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo về các cam kết của hai nước về quan hệ quốc phòng và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Australia và Nhật Bản đã thống nhất tăng cường các hoạt động ngăn chặn các hành động đơn phương gây mất ổn định tại khu vực. Đồng thời, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải, hàng không và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Một cơ chế đa phương có vai trò rất quan trọng tại khu vực Biển Đông là ASEAN. Cộng đồng quốc tế liên tục khẳng định sự coi trọng ASEAN với vai trò trung tâm, dẫn dắt những cơ chế được đánh giá là sẽ mang tới hòa bình, ổn định thực chất cho Biển Đông. Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020 dù phải “gồng mình” chống dịch Covid-19, nhưng vẫn nỗ lực và đảm bảo sự thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động duy trì, giải quyết vấn đề Biển Đông, nổi bật là thúc đẩy đàm phán xây dựng COC.

Nhà giàn DK1/10 của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: TTXVN

Đầu tuần này, chưa đầy một tháng sau khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga Yoshihide đã thực hiện chuyến công du nước ngoài với điểm đến đầu tiên là Việt Nam, thể hiện sự coi trọng đặc biệt đối với Việt Nam của quốc gia “mặt trời mọc”. Trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Suga đánh giá cao hoạt động tích cực, hiệu quả và trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020. Đặc biệt, đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN. Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS 1982 trong các hoạt động trên biển.

Trong năm 2020, sự bùng phát và tác động mạnh của Covid-19 đã hằn sâu thêm mức độ biến động của thế giới cũng như tại khu vực, nhất là về vấn đề an ninh. Chặng đường đến một bản COC hiệu lực, thực chất chắc chắn còn nhiều chông gai. Song, sự vào cuộc ngày càng mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế đang mở ra triển vọng hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên Biển Đông. Một cấu trúc an ninh đảm bảo cho lợi ích hài hòa, tuân thủ luật pháp quốc tế là điều rất cấp thiết.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tim-cach-tiep-can-phu-hop-voi-tinh-hinh-bien-dong-post434448.html