Tìm cơ hội từ căng thẳng Mỹ-Trung

Với những chính sách thuế cứng rắn của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam đang có cơ hội thu hút thêm đầu tư nước ngoài nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cũng cần hết sức cẩn trọng.

Silstar Machinery, nhà cung cấp máy móc thiết bị cho các nhà sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa, dự báo rằng khả năng sắp tới sẽ có nhiều đơn hàng sản xuất mặt hàng bao bì nhựa ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam thực hiện để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế đánh vào mặt hàng này của Mỹ. Ảnh: Quốc Hùng

Đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang liên lụy đến nhiều công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Một số công ty Nhật Bản đã có động thái dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Xu hướng này được dự báo sẽ diễn ra mạnh hơn nữa nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài.

Tại Việt Nam, mới đây, một doanh nghiệp Nhật Bản ở khu công nghiệp Kizuna (tỉnh Long An) chuyên sản xuất thiết bị công cụ máy nông nghiệp xuất khẩu đi Mỹ, đã chia sẻ về kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất. Ông Trần Duy Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp Kizuna, cho biết doanh nghiệp này muốn thu hẹp quy mô sản xuất của nhà máy tại Trung Quốc có thể không ngoài lý do thuế nhập khẩu vào Mỹ bị áp ở mức cao.

Theo Financial Times đưa tin, ông Angelo Cheung, Giám đốc điều hành của tập đoàn điện tử Nhật Bản Aoyagi đang sản xuất tại Trung Quốc, cho biết hiện doanh nghiệp này đang xem xét các sự lựa chọn khác nhau, bao gồm cả việc chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Theo quan sát của ông Vũ, một số doanh nghiệp Nhật Bản khác, kể cả doanh nghiệp Hàn Quốc đang theo dõi sát sao những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay để có những phương án dự phòng. Nhà đầu tư sẽ đánh giá kỹ khả năng cuộc chiến chỉ trong ngắn hạn hay kéo dài để đi đến quyết định dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, kể cả rà soát lại chuỗi cung ứng hàng hóa. Một số lĩnh vực Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc để xuất khẩu vào Mỹ như dệt may, da giày... đang được các nhà đầu tư chú ý. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hội Da giày TPHCM, cho biết từ khi căng thẳng Mỹ-Trung diễn ra, nhiều doanh nghiệp hoạt động cùng ngành ở Trung Quốc đã tiếp xúc với hội để tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Thật ra, sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác đã diễn ra từ những năm qua nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lần này có thể coi là “cú hích” để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.

Bà Harue Kaneko thuộc Tổ chức Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Yokohama của Nhật Bản (Yokohama IDEC) cho biết trong những năm gần đây, các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Trung Quốc và Thái Lan có khuynh hướng tìm đến các quốc gia khác và phần lớn họ chọn Việt Nam. Bà cho rằng trước sự căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, những dự án đầu tư mới khó có thể lựa chọn Trung Quốc. Và với sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam thì đây sẽ là một trong những điểm đến của doanh nghiệp Nhật.

Ông Nguyễn Bình An, Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), cũng cho biết những năm qua Việt Nam đã tiếp nhận một nguồn vốn khá lớn đầu tư vào lĩnh vực dệt may. “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tăng tốc tiến trình rời khỏi Trung Quốc của các nhà đầu tư. Đông Nam Á, châu Phi và Nam Á sẽ là ba điểm đến, và Việt Nam có thể là một điểm sáng trong sự lựa chọn do chi phí thấp”.

Tại buổi họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018 diễn ra cuối tháng 8 vừa rồi, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng Việt Nam với địa kinh tế-điểm kết nối quan trọng với nền kinh tế thế giới thông qua vị trí chiến lược, sẽ là điểm dừng chân quan trọng trong chiến dịch hướng Nam của các tập đoàn đa quốc gia.

Còn dưới góc nhìn của tập đoàn tư vấn Jones Lang Lasalle (JLL), việc Trung Quốc từ nền công nghiệp cơ bản đang chuyển sự tập trung sang chuỗi giá trị đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi nước này. Việt Nam đang có nhiều cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài từ Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nước này đang tránh các mức thuế xuất khẩu cao do Mỹ áp đặt.

Lo hàng Trung Quốc “núp bóng” Việt Nam

Mới đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị 189 tỉ đô la Mỹ. Chính sách thuế này có hiệu lực từ 24-9-2018 với mức thuế 25% từ 1-1-2019, và sau đó có thể đẩy lên cao tới mức 44% nếu Trung Quốc và Mỹ không có giải pháp tháo gỡ.

Các chuyên gia đang lo ngại việc Trung Quốc sẽ lấy Việt Nam làm bàn đạp để lách xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Trường hợp này đã xảy ra đối với mặt hàng thép khi Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá do cáo buộc xuất xứ từ Trung Quốc. Gần đây, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cũng nhận định: Việt Nam có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn khi Mỹ tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và dừng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là đối với những sản phẩm tương đồng mà Mỹ đang đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc, tuy nhiên, sẽ không tránh được những tác động trong dài hạn. Thậm chí, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể là hàng Trung Quốc “mượn mác” để tránh thuế của Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Khánh khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam nên cẩn trọng, nếu “ôm” hàng của Trung Quốc bán qua Mỹ với số lượng tăng đột biến thì Mỹ sẽ điều tra sự đột biến này. Còn theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Long, lúc đó Việt Nam có thể sẽ phải chịu những lệnh trừng phạt về kinh tế như bị áp nhiều loại thuế, phạt ở mức cao, kể cả thuế chống lẩn tránh thuế (loại thuế Mỹ đang áp cho Trung Quốc). Theo ông Trần Duy Vũ, điều này càng dễ xảy ra trong bối cảnh Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ.

Nếu xét cơ cấu mặt hàng tương đồng, có thể thấy nhóm mặt hàng sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này bao gồm gỗ và các sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng... Trong lĩnh vực sản phẩm gỗ, ông Huỳnh Quang Thanh lưu ý đối với những hợp đồng xuất qua Mỹ mà Trung Quốc đang có sẵn, khi bị Mỹ đánh thuế, doanh nghiệp Trung Quốc có thể mượn “kẻ thứ ba” để lấy xuất xứ hàng hóa nhằm né thuế xuất khẩu cao. Với đạo luật chống lẩn tránh thuế, nếu phía Mỹ phát hiện doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay cho doanh nghiệp Trung quốc xuất khẩu thì có thể sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng sẽ bị áp đạo luật này với mức thuế tăng từ 10% trở lên.

Còn theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), trong sáu tháng đầu năm 2018, ngành gỗ trong nước chưa có biến động nhiều từ tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Điều có thể thấy rõ ràng đó là có nhiều khách hàng Mỹ tiếp cận, tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Hiệp cho biết các doanh nghiệp Mỹ lo ngại nếu làm việc với doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam thì có thể sẽ kích hoạt một cuộc chiến tiếp theo. Nhìn ở góc độ này, đây là cơ hội vàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng.

Quốc Hùng - Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279932/tim-co-hoi-tu-cang-thang-my-trung-.html