Tìm đầu ra cho cây ăn quả có múi

Diện tích trồng được mở rộng, nhưng ít được chế biến mà chủ yếu tiêu thụ trong nước dưới dạng quả tươi khiến cây ăn quả có múi gặp khó bởi nguồn cung lớn mà không có nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, việc trồng rải vụ, nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu sẽ là hướng đi bền vững cho loại cây này.

Quýt Ôn Châu mở đầu cho vụ thu hoạch cây ăn quả có múi niên vụ 2019 - 2020 của nông dân vùng thủ phủ cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Người trồng giống quýt chín sớm này đang trong tâm thế hân hoan bởi năng suất, chất lượng quả vẫn ổn định, các tư thương vẫn đều đặn vào vườn nhập hàng vận chuyển đi bán, giá cả tuy không đắt như những buổi đầu thu hái (30.000 đồng/kg) nhưng tại vườn vẫn bán được với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Cây ăn quả có múi vẫn đang là loại cây lợi thế so với các sản phẩm khác

Cây ăn quả có múi vẫn đang là loại cây lợi thế so với các sản phẩm khác

Quýt Ôn Châu thường chín vào khoảng tháng 8 âm lịch, quá trình thu hoạch diễn ra tầm 40 - 45 ngày là kết thúc để chuyển sang thu hoạch các loại cam đầu vụ khác. Năm nay, cam được mùa. Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này, Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình sẽ được tổ chức từ ngày 1/11- 5/11 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm tỉnh Hòa Bình.

Song song với hoạt động xúc tiến, ông Vương Đắc Hùng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hòa Bình - cho biết, hiện tỉnh đã quy hoạch vùng trồng và lựa chọn giống phù hợp, rải vụ kéo dài thời gian thu hoạch từ 6 tháng lên 9 tháng. Trong đó, nhóm chín sớm chiếm từ 30 - 35% diện tích; nhóm chính vụ chiếm từ 35 - 40% diện tích và chín muộn 30 - 35% diện tích. Việc cân đối thời gian thu hoạch, cùng với làm tốt công tác bảo quản sẽ giảm áp lực tiêu thụ.

Những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây có múi (cam, quýt, bưởi) của cả nước tăng khá nhanh. Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản Bộ NN&PTNT - nhận định, việc phát triển "nóng" cây có múi sẽ ảnh hưởng đến giá khi cung vượt cầu.

"Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đã có dự án hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để có thể chế biến cam thành các loại nước quả, tuy nhiên, việc này gặp rất nhiều khó khăn do quả cam có độ ngọt vừa phải, độ chua dịu và hạt rất nhiều" - ông Lê Thanh Hòa chia sẻ.

Giá cả hàng hóa sẽ phải theo quy luật thị trường. Dù vậy, ông Vương Đắc Hùng cho rằng, với giá bán hiện nay, cây ăn quả có múi vẫn đang có lợi thế so với các sản phẩm khác. "Cách đây 3- 4 năm, diện tích cây ăn quả có múi của các tỉnh, còn thấp, sản phẩm cam lai Cao Phong thời điểm giáp Tết bán tới giá 100.000 đồng/kg, nhưng nay diện tích tăng lên thì thời điểm giáp Tết giá vẫn bán được 50.000 - 60.000 đồng/kg, hay đối với giống cam Xã Đoài trước đây bán với giá 40.000- 50.000 đồng/kg thì nay bán với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg", ông Hùng cho hay.

Ông Vương Đắc Hùng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình:
Với định hướng chuyển từ mở rộng sang ổn định diện tích và chuyển từ giống nhiều hạt sang ít hạt, giống chất lượng cao, trồng rải vụ, đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu… Hòa Bình hướng tới đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại và xuất khẩu.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tim-dau-ra-cho-cay-an-qua-co-mui-127117.html