Tìm đầu ra cho cây mía miền Tây

Với giá mía như hiện nay, những người trồng mía ở miền Tây đang đối mặt với nguy cơ lỗ nặng. Dù có chủ trương chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác, nhưng việc bỏ cây mía là chuyện không đơn giản khi nơi đây đã từng mệnh danh là 'vựa mía'.

Liên tục thua lỗ

Tại tỉnh Hậu Giang, thời hoàng kim được xem “vựa mía” của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có đến 15.000 ha, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, TP Ngã Bảy và TP Vị Thanh, nhưng nay chỉ còn gần 6.000 ha. Nhiều năm liền thua lỗ, người dân đã bỏ mía chuyển sang trồng cây khác.

Trái hẳn với tâm trạng phấn khởi của những hộ đang bán mía chục (mía dùng làm nước giải khát) thì nhiều nông dân trồng và cung cấp nguồn mía nguyên liệu cho nhà máy đường lại tỏ ra khá lo lắng sau khi nhà máy đường duy nhất có khả năng thu mua mía cho nông dân Hậu Giang vào niên vụ mía 2020 - 2021 là Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) công bố mức giá bao tiêu mía theo hướng không có lợi cho nông dân. Cụ thể, đối với những hộ trồng mía đã nhận tiền hỗ trợ không hoàn vốn của Casuco là 2,5 triệu đồng/ha khi ký kết hợp đồng bao tiêu với đơn vị thì mức giá sàn bảo hiểm là 770 đồng/kg (giá mía cân tại ruộng); riêng những hộ không nhận số tiền hỗ trợ ban đầu như trên thì mức giá bao tiêu là 800 đồng/kg (giá mía cân tại ruộng).

Vẻ mặt buồn bã, ông NguyễnThành Hưng, có 3 đời trồng mía ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) bộc bạch, khi nghe công bố mức giá bao tiêu từ nhà máy đường thì ông không còn tâm trạng chăm sóc cho rẫy mía của gia đình mình nữa, vì biết rằng năm nay tiếp tục đối mặt với tình cảnh huề vốn là cao. “Từ đầu vụ tới giờ, mọi chi phí đầu tư cho cây mía đều tăng so với cùng kỳ, trong đó giá thuê nhân công vô chân và đánh lá mía đã ở mức 20.000 đồng/giờ. Tới đây, còn tiền thuê nhân công thu hoạch mía không dưới 250.000 đồng/tấn mía. Riêng vụ năm rồi, vào lúc cao điểm và cộng thêm nhân công ít, khó kiếm nên giá thuê có thời điểm tăng lên 300.000 – 400.000 đồng/tấn mía. Như vậy, chỉ tính riêng tiền thuê đốn và vận chuyển mía thì đã chiếm 50% giá mua của nhà máy đường, từ đó nhiều nông dân phải rơi vào tình cảnh thua lỗ, nợ nần. Ba năm mất mùa liên tiếp hết chịu nổi rồi, đã làm gia đình mất toi hơn 100 triệu, sắp tới chuyển qua trồng cây ăn trái cho nó lành”, ông Hưng cho biết thêm.

Tại tỉnh Sóc Trăng, huyện Cù Lao Dung là vùng trồng mía lớn nhất của tỉnh, có lúc lên 8.000 ha nhưng hiện nay chỉ còn hơn 1.500 ha. Vụ mía rồi nông dân Cù Lao Dung chồng chất khó khăn khi nắng hạn kéo dài, khiến mía đổ ngã, khô gốc, cháy lá và chết dần, ước tính khoảng 30% diện tích bị thiệt hại. Anh Lê Văn Vững, người trồng mía ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung chia sẻ, chi phí đầu tư mỗi công mía (khoảng 10.000 m2) khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được 3- 4 triệu đồng. Điều này khiến khoản nợ ngân hàng của ông tăng thêm rất nhiều. Sau nhiều năm trồng mía nguyên liệu thất thu, giờ gia đình ông đã chuyển phần lớn diện tích từ mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường sang trồng mía ép lấy nước giải khát.

Ưu tiên chuyển đổi cây trồng

Dù có chủ trương chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác đã được các tỉnh có diện tích trồng mía ở ĐBSCL thực hiện để giảm áp lực cho cây mía, tuy nhiên, diện tích trồng mía trong niên vụ mía 2020- 2021 ở miền Tây vẫn còn khá lớn. Với giá mía như hiện nay, những người trồng mía đang đối mặt với nguy cơ lỗ nặng.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nhiệm kỳ 2021– 2025, Hậu Giang dự kiến chỉ giữ lại khoảng 3.000 ha mía và tiến hành vận động bà con chuyển đổi gần 5.000 ha từ mía kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao.Theo đó, sau thời gian phối hợp cùng nông dân triển khai nhiều dự án về trồng chanh không hạt và bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng thị trường xuất khẩu châu Âu mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hậu Giang ủng hộ định hướng trong liên kết, phối hợp phát triển sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, qua đó, tạo cơ hội cho bà con có mô hình sinh kế mới để cải thiện nguồn thu nhập. "Tỉnh Hậu Giang cam kết sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ khi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần xác định những nơi chuyển đổi cho phù hợp và có giải pháp hỗ trợ cây giống cho người dân khi tham gia mô hình”, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết thêm.

Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung Đỗ Văn Thừa cho biết, vụ mía năm 2020 - 2021, huyện Cù Lao Dung chỉ còn từ 1.500 –2.000 ha mía, chủ yếu trồng mía bán để ép lấy nước. Với tình hình giá mía như hiện nay, về lâu dài sẽ rất khó khăn cho người trồng mía. Để giải quyết vấn đề này, trong những năm qua, huyện Cù Lao Dung đã chủ trương chuyển đổi hơn 2.000 ha diện tích cây mía sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Khó khăn về đầu ra cho cây mía đã diễn ra từ nhiều năm nay. Để nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với cây mía, rất cần Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Cùng với đó, các tỉnh có diện tích trồng mía ở miền Tây cần nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi cây trồng và duy trì diện tích trồng mía ở mức độ phù hợp./.

Bài, ảnh: Phương Nghi

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/tim-dau-ra-cho-cay-mia-mien-tay-561746.html