Tìm đầu ra cho nông sản an toàn

Bổ sung kiến thức, kỹ năng nhận diện nông sản an toàn và kênh phân phối uy tín cho người dân cũng như nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, phân phối chính là giải pháp để nông sản, rau an toàn đến được gần hơn với người tiêu dùng.

Chọn mua rất nhiều nông sản sạch như nấm, giá đỗ, rau cải xanh, dưa lưới… tại các gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Diễn đàn kinh doanh nông sản, rau an toàn năm 2018 diễn ra tại Hà Nội tuần qua, cô Trần Thị Hạnh (ở Thụy Khuê) cho biết, cứ có thông tin về những cuộc triển lãm, trưng bày về nông sản sạch cô đều tìm đến. Dù chưa đi hết 40 gian hàng nhưng số tiền cô Hạnh bỏ ra đã lên đến hơn 1,2 triệu đồng.

“Các chương trình này do các cơ quan của Trung ương, thành phố tổ chức nên tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Nhà tôi toàn người lớn tuổi, nhu cầu ăn thịt, cá không nhiều nhưng nhu cầu bổ sung rau xanh, củ quả sạch lại rất lớn. Nếu không có những chương trình như thế này thì tôi thường mua ở siêu thị gần nhà hoặc mua ở hàng rau quen ngoài chợ vì tin tưởng là chính bởi nhận diện sản phẩm sạch không phải là chuyện dễ dàng”, cô Hạnh bày tỏ.

Cùng chung suy nghĩ như cô Hạnh, chị Hoàng Thu Phương, nhân viên văn phòng cho hay, vì đang nuôi con nhỏ nên gia đình chị chọn thực phẩm sạch cho con là ưu tiên hàng đầu. “Những vụ việc siêu thị nhập rau ngoài chợ rồi đóng gói rau an toàn, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép khiến tôi vô cùng lo lắng. Không có nguồn cung cấp rau sạch ở quê như một số đồng nghiệp, tôi thường mua rau hữu cơ ở quầy rau trên đường đi làm về hoặc mua đồ nhập khẩu ở vài trang facebook cá nhân uy tín để yên tâm”, chị Phương chia sẻ.

Nhu cầu của người tiêu dùng về các loại nông sản an toàn ngày càng lớn - Ảnh: Minh Châu

Những băn khoăn của cô Hạnh, chị Phương cũng là băn khoăn của rất nhiều người nội trợ hiện nay. “Nhiều người vì thấy thật giả lẫn lộn, tem mác gì cũng có thể mua được nên không muốn mất tiền oan, chọn mua đồ ở chợ gần nhà, vừa rẻ lại vừa tiện, chất lượng chưa chắc đã thua kém đồ mua ở siêu thị”, chị Phương nêu thực tế.

Ý kiến của đại diện một số cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội tại Diễn đàn cũng cho rằng, người tiêu dùng nước ta vẫn còn thói quen tiện đâu mua đó, chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình và các thành viên trong gia đình. Giá thực phẩm sạch, an toàn cũng đắt hơn so với đồ mua ngoài chợ cũng khiến nhiều gia đình đắn đo bởi sẽ khiến chi tiêu tốn kém hơn.

Là doanh nghiệp sản xuất nông sản an toàn nhưng cũng không ít lần “toát mồ hôi” tìm kiếm đầu ra, ông Hoàng Anh Thư, Phó giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) bày tỏ, người tiêu dùng cần nhận thức được giá trị của sản phẩm an toàn với sức khỏe thì sản phẩm của những doanh nghiệp, hợp tác xã làm ra với tiêu chí đảm bảo chất lượng sẽ bán được tốt hơn.

“Mỗi lần có những diễn đàn, hội chợ về nông sản sạch như thế này là lại có thêm vài khách hàng tìm đến, đặt vấn đề làm ăn lâu dài với chúng tôi chứng tỏ thị trường cung cấp nông sản sạch, an toàn còn rất tiềm năng”, ông Thư phấn khởi.

Trước yêu cầu của nhiều cơ quan, tổ chức muốn cung cấp bữa ăn ngon, sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên trên hết chứ không phải là giá cả, ông Nguyễn Thái Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn đánh giá, những diễn đàn về nông sản, thực phẩm sạch không chỉ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng mà còn rất hữu ích với doanh nghiệp bởi qua đó, nhiều doanh nghiệp tìm được đầu mối cung cấp nguồn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Diễn đàn kinh doanh nông sản, rau an toàn năm 2018 thu hút sự tham gia của khá đôngnhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng - Ảnh: Minh Châu

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội (HPA), đây là lần đầu tiên Trung tâm tổ chức Diễn đàn kinh doanh nông sản, rau an toàn. Thông qua diễn đàn này, đơn vị tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước mong muốn nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, phân phối nông sản an toàn, đồng thời, bổ sung kiến thức, kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh phân phối uy tín cho người tiêu dùng, mở ra cơ hội để các nhà sản xuất gặp gỡ được các đơn vị phân phối, cơ sở bếp ăn để tiêu thụ nông sản.

Bởi vậy, thành phần tham dự Diễn đàn chủ yếu là hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ của 6 tỉnh, thành phố. Đây chính là hai đối tượng chính tham gia sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, rau an toàn, nhà phân phối kinh doanh, các bếp ăn thuộc các trường học, khu công nghiệp, nhà hàng... trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc cũng chủ động đến để nắm bắt thông tin, cơ hội nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

“Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng là rất lớn, dịp này, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội cũng chính thức giới thiệu trang website: nongsanantoanhanoi.gov.vn. Đây là nơi để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tìm hiểu về sản phẩm nông sản, rau an toàn, qua đó, đưa nông sản đến gần với người tiêu dùng hơn. Mọi người có thể dễ dàng tìm thấy danh sách đơn vị sản xuất nông sản, rau an toàn và nhà phân phối”, bà Mai Anh nói.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, bà Manyia Chiyo, đồng Trưởng nhóm tư vấn – Chuyên gia thị trường Jica (Nhật Bản) cho hay, những năm 1960 – 1970 tình trạng sản xuất nông sản, rau ở Nhật Bản cũng không khác gì Việt Nam hiện nay. Sản phẩm chủ yếu sản xuất ra và phân phối qua các chợ đầu mối. Ngay sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã có chính sách ưu tiên cho sản xuất, phân phối, tiếp thị rau sản xuất theo công nghệ cao và rau chế biến. Việc tiếp thị nhằm xây dựng thương hiệu cho nông sản, trang bị kiến thức để người tiêu dùng biết đâu là sản phẩm đảo bảo cho sức khỏe và bảo vệ môi trường cũng được chú trọng. Đến nay, 50% sản lượng sản xuất rau của Nhật đã được phân phối theo chuỗi sản xuất an toàn./.

Minh Châu

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/tim-dau-ra-cho-nong-san-an-toan-497922.html