Tìm dư địa cho tăng năng suất lao động

Mở rộng tìm thị trường xuất khẩu có đóng góp quan trọng vào việc tăng năng suất lao động đang có sẵn và dư thừa hiện nay, đồng thời chuyển dịch năng suất lao động từ nông nghiệp sang nông nghiệp dịch vụ thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ khu vực nông nghiệp, cải tiến công nghệ, cải cách mạnh mẽ thể chế, thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp cần có ý thức cao về tăng năng suất lao động. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp cần có ý thức cao về tăng năng suất lao động. Nguồn: Internet

Năng suất lao động Việt Nam trong thời gian qua có tốc độ tăng trưởng khá cao, năm 2018 đạt gần 6%/năm, chỉ thấp hơn Trung Quốc và cao hơn 124 nước. Số liệu này được Viện Năng suất Việt Nam đưa ra tại Hội thảo Tăng năng suất lao động (NSLĐ) để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chiều 21/3.

Tuy nhiên, mức NSLĐ Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và châu Á: Singapore gấp Việt Nam 11,9 lần, Malaysia, Philippines, Thái Lan gấp 2 - 6 lần.

Năng suất bị mắc kẹt

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, cho rằng NSLĐ quan trọng đối với cả ba đối tượng là doanh nghiệp (DN), người lao động và Nhà nước. Năng suất cao thì DN mới có thể thu hút đầu tư và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; người lao động được cải thiện đời sống. Đối với Nhà nước, năng suất cao giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và còn tác động trực tiếp đến GDP.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự hạn chế về NSLĐ đã và đang trở thành rào cản, là yếu tố ngăn trở mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.

PGS.,TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng nguyên nhân khiến NSLĐ Việt Nam thấp bắt nguồn từ việc môi trường và điều kiện làm việc, công nghệ vốn, tay nghề kỹ năng… thấp.

Nghiên cứu của VERP cho thấy, lực lượng lớn lao động giá rẻ không có kỹ năng đang nằm kẹt ở khu vực nông thôn, nằm kẹt ở địa bàn nông nghiệp không dịch chuyển sang ngành có năng suất cao hơn. "Đây là vấn đề lớn, nhức nhối của Việt Nam", ông Thành nói.

Bản thân khu vực có năng suất cao hơn như khu vực công nghiệp cũng không cải thiện mạnh, sản xuất kinh doanh không được mở rộng, nên không hấp thụ được lao động. Vì thế, dịch chuyển cơ cấu của Việt Nam dường như chững lại.

Theo Viện trưởng VERP: "Kể cả việc từ bỏ không sử dụng lao động kỹ năng thấp nữa để chuyển sang lao động kỹ năng cao cũng không có thị trường cho sản phẩm. Đó là vấn đề của nền kinh tế hiện nay".

Ví dụ, Trung Quốc phải xây dựng thị trường trong khoảng 10 năm mới trở thành một nước xuất khẩu lớn như hiện nay. Trong khi đó, Việt Nam rất nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng vẫn chưa đáp ứng được đủ tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế. Chính vì vậy, khâu tìm thị trường xuất khẩu là vô cùng quan trọng đóng góp vào việc tăng NSLĐ đang có sẵn và dư thừa hiện nay.

Mở rộng thị trường

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng NSLĐ trong khu vực nông lâm thủy sản là thấp nhất, nên cần phải chuyển dịch năng suất lao động từ nông nghiệp sang nông nghiệp dịch vụ thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ khu vực nông nghiệp, cải tiến công nghệ, cải cách mạnh mẽ thể chế, thủ tục hành chính.

Hiện nay, Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng trong mở cửa thị trường bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, Việt Nam đã trải qua thời kỳ rất dài để "cởi trói" cho DN, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản khiến DN khó phát triển.

Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất để nâng cao NSLĐ là mở rộng thị trường.

Ông Thành khẳng định, giải pháp duy nhất trên diện rộng là tạo môi trường kinh doanh để các DN tư nhân có động lực kinh doanh sản xuất với chi phí thấp, rào cản ít, nhằm tăng sức cạnh tranh, từ đó tăng hiệu quả… mở rộng quy mô hoạt động, vươn tầm ra thế giới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng một phong trào năng suất quốc gia để mọi người ý thức rõ về việc cải thiện năng suất cho bản thân người lao động, DN giống như một số nước như Singapore, Thái Lan… đã thực hiện rất thành công.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Thành cho rằng cần sự vào cuộc của toàn thể các cơ quan ban ngành và người dân. Bản thân các DN cũng phải trang bị cho mình kiến thức để tăng năng suất, mở rộng thị trường.

Đưa ra giải pháp tăng NSLĐ, ông Lộc cho rằng cần phải chính thức hóa khu vực hộ kinh doanh cá thể và thúc đẩy họ phát triển thành DN để nâng cao NSLĐ.

"Khu vực DN vừa và nhỏ có thể giải quyết nhiều nhất nguồn lao động cho nền kinh tế. Điều quan trọng hiện nay là phải nâng cấp được khu vực DN nhỏ và thậm chí siêu nhỏ. Khi khu vực này vươn tới được chuẩn mực quốc tế thì đó là điều kiện để nâng cao NSLĐ và tăng cường thu hút lực lượng lao động lớn", ông Lộc đề xuất.

Cùng chung quan điểm với ông Thành, Chủ tịch VCCI cho rằng giải quyết thách thức tăng NSLĐ Việt Nam bằng cách trao quyền tự chủ để người lao động tự nâng cao năng lực cũng như khả năng chủ động và học hỏi tìm tòi năng lực trong tiến trình nâng cao NSLĐ.

"Không phải chỉ có DN lớn mới vươn tới chuẩn mực toàn cầu, mà các DN nhỏ và siêu nhỏ cũng có cơ hội vươn ra thế giới, mở rộng thị trường. Có như vậy mới nâng cao được NSLĐ của Việt Nam trong thời gian tới", ông Lộc đánh giá.

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tim-du-dia-cho-tang-nang-suat-lao-dong-304475.html