Tìm giải pháp bảo đảm tiến độ xây dựng tuyến cao tốc bắc-nam

Ngày 9-10, tại tỉnh Ninh Thuận, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Giao thông Vận tải do đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND; lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa về tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc – nam phía đông giai đoạn 2017-2020, đoạn ngang qua địa phận ba tỉnh nêu trên.

Đoàn công tác kiểm tra thực địa tình hình giải phóng mặt bằng đường cao tốc bắc -nam đoạn qua ba tỉnh Khánh Hòa- Ninh Thuận - Bình Thuận.

Đoàn công tác kiểm tra thực địa tình hình giải phóng mặt bằng đường cao tốc bắc -nam đoạn qua ba tỉnh Khánh Hòa- Ninh Thuận - Bình Thuận.

Đại diện Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm, TP Cam Ranh - Vĩnh Hảo (Bình Thuận), đi qua ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, có tổng chiều dài hơn 78,5km; quy mô giai đoạn hoàn chỉnh có sáu làn xe, bề rộng nền đường hơn 32m, trong đó, giai đoạn một xây dựng bốn làn xe hạn chế; trên tuyến có 34 công trình cầu, trong đó có 10 cầu trên đường cao tốc, 12 cầu vượt; một công trình Núi Vung dài 2.195m và 48 hầm chui dân sinh phục vụ đi lại của Nhân dân. Tổng mức đầu tư là 13.687 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của Nhà nước là 9.311 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhà đầu tư. Thời gian triển khai thu phí là 18 năm và 10 tháng; giá vé khởi điểm theo biểu giá đối với xe ô-tô con là 1.500 đồng/km.

Diện tích sử dụng đất hơn 550 ha (chỉ tính số tròn), trong đó, tỉnh Khánh Hòa, hơn 36 ha; Ninh Thuận hơn 432 ha và Bình Thuận hơn 81 ha. Phương án giải phóng mặt bằng thực hiện theo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 954/TTg-KTTH ngày 26-7-2018 và được giao cho các địa phương thực hiện. Đến nay, cơ bản Ban Quản lý Dự án 85 đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật – dự toán; lựa chọn nhà đầu tư; rà phá bom mìn… Theo đó, dự kiến tỉnh Khánh Hòa có 30 hộ tái định cư tập trung; Ninh Thuận có 55 hộ tái định cư tập trung. Riêng Bình Thuận không có hộ tái định cư.

Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đã bao gồm dự phòng phí) khoảng 692 tỷ đồng, trong đó, Khánh Hòa (43 tỷ đồng); Ninh Thuận (556 tỷ đồng) và Bình Thuận (93 tỷ đồng). Ban Quản lý Dự án 85 đã làm thủ tục phân khai vốn năm 2019 cho các địa phương 200 tỷ đồng.

Qua kiểm tra thực tế, Đoàn công tác nhận xét, các tỉnh mới giải ngân được 15,259 tỷ đồng/200 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng đã được bố trí là chưa đạt yêu cầu. Cụ thể: Khánh Hòa đạt 7,2%; Ninh Thuận đạt 1,6% và Bình Thuận là 43,7%. So với các địa phương có đường cao tốc bắc – nam ngang qua, thì Ninh Thuận quá chậm tiến độ, vì vướng mắc thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo báo cáo của Sở giao thông vận tải Khánh Hòa, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Ban Quản lý dự án đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong đó, đơn vị đã bàn giao 48,5/49,1km cọc GPMB cho địa phương; còn lại 600m chưa bàn giao được do vướng đoạn qua hồ Tà Lương đang chờ tỉnh thống nhất điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh nút giao Quốc lộ 27B. Ban QLDA 85 đã hoàn thành bàn giao cọc mốc GPMB cho địa phương.

Đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt chủ tương đầu tư dự án đầu tư hạ tầng khu tái định cư (TĐC) Suối Tiên thuộc huyện Diên Khánh với quy mô diện tích 1,95ha, kinh phí đầu tư 14,5 tỷ đồng. Còn huyện Cam Lâm mới có tờ trình xin phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các khu tái định cư Tân Xương 2 (Suối Cát, diện tích 2,2ha, kinh phí đầu tư 25,7 tỷ đồng), khu TĐC Suối Lau 2 (Suối Cát, diện tích 2,04ha, kinh phí đầu tư 19,19 tỷ đồng) và khu TĐC Bãi Giếng 1 (thị trấn Cam Đức, diện tích 1,2ha, kinh phí đầu tư 10,6 tỷ đồng). TP Cam Ranh cũng mới có tờ trình xin chủ trương đầu tư hai khu TĐC: khu TĐC Cam Phước Đông (diện tích 2,6ha, kinh phí đầu tư 7,5 tỷ đồng); khu TĐC Cam Thịnh Tây (diện tích 2,8ha, kinh phí đầu tư 14,5 tỷ đồng).

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa Nguyễn Văn Dần cho biết, dự án cao tốc bắc - nam qua địa bàn tỉnh có 92 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị giải tỏa trắng phải tái định cư. Để bảo đảm tiến độ dự án, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét có hướng dẫn về chính sách, phương án xây dựng nhà ở cho các hộ này trong các khu TĐC.

Dự án đi qua ba tỉnh, có 109 vị trí đường dây điện từ 22kV đến 100kV và 220kV phải di dời hạ tầng kỹ thuật. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam Lâm Xuân Tuấn cho biết, các địa phương đã hoàn thành việc kiểm đếm công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, đã lập phương án và đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế di dời.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao sự nỗ lực của các tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, các ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tỉnh để giải ngân vốn 2019 và đồng bộ vốn trong năm 2020, nhằm bảo đảm ổn định cho công tác giải phóng mặt bằng, để đến ngày 31-12, các địa phương giao mặt bằng cho chủ dự án có đủ thời gian tổ chức đầu thầu.

Ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị các tỉnh không di dời, giải phóng mặt bằng người dân trước, trong tết Nguyên Đán sắp tới; đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư để giải ngân tốt vốn của dự án. Về hỗ trợ đồng bào dân tộc, các địa phương cần phải rõ ràng khoảng chênh lệch giữa tiền đền bù và xây nhà tái định cư cho người dân. Tỉnh Khánh Hòa cần phải công khai, minh bạch mẫu nhà tái định cư xây dựng cho dân để tạo sự đồng thuận cao; việc thu hồi đất phải đồng bộ một lần, tránh trường hợp thu hồi không bảo đảm thời gian, khiến cho giá trị bồi thường nâng cao; cần quyết liệt trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng phải đúng luật; cần ra soát, thống kê chi tiết vị trí điện để bảo đảm việc di dời.

“Dự án xây dựng đường cao tốc tuyến bắc – nam là dự án trọng điểm của quốc gia, nên các tỉnh, thành phố có tuyến dự án đi ngang qua cần phải có sự đồng bộ trong triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra để bảo đảm tiến độ dự án, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia theo chiến lược”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41838202-tim-giai-phap-bao-dam-tien-do-xay-dung-tuyen-cao-toc-bac-nam.html