Tìm giải pháp bảo tồn, phát triển di sản đô thị ở TP.HCM và Nam Bộ

Ngày 18/10, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã diễn ra tọa đàm khoa học: Di sản đô thị ở TP.HCM và Nam bộ trong quá trình hiện đại hóa nhằm trao đổi, đóng góp ý kiến, các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển bền vững các di sản văn hóa.

GS. TS Võ Văn Sen, Chủ tịch hội đồng KH-ĐT, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV đóng góp ý kiến.

Tham dự tọa đàm có các nhà nghiên cứu, học giả, cùng đại diện bảo tàng TP.HCM, Trung tâm bảo tồn Trung tâm bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa TP.HCM, lãnh đạo nhà trường.

GS. TS Võ Văn Sen, Chủ tịch hội đồng Khoa học-Đào tạo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV chia sẻ:

Có rất nhiều vấn để ảnh hưởng đến việc bảo tồn các di sản văn hóa đô thị, nhưng cần nhất là một kế hoạch và hướng đi thật chính xác, để không chỉ bảo tồn mà còn phát triển được giá trị của di sản.

Nhiều công trình kiến trúc tại TP.HCM hiện nay ví dụ như những lăng miếu, kiến trúc châu Âu, kiến trúc Hoa, kiến trúc Việt bị ảnh hưởng bởi tác động ngoại lực, thời tiết mà xuống cấp, hay việc quy hoạch đô thị nhanh chóng đã làm mất giá trị quang cảnh phía bên ngoài công trình lịch sử. Nhiều nhà cao tầng mọc lên che khuất hàng loạt công trình kiến trúc mang giá trị phản ánh đất nước qua từng thời kì lịch sử, chính vì vậy cần phải có kế hoạch bảo vệ những công trình này.

Việc quy hoạch thành phố cũng phải gắn liền với việc gìn giữ văn hóa. Xây dựng các công trình mang tính biểu tượng của thành phố là điều rất tốt nhưng không thể vì thế mà hi sinh đi nhiều di sản đô thị. Các di sản mà ít được quan tâm như các trường học xưa, các di tích pháo đài cổ, cầu đường sắt, tượng đài... cũng cần xem là một di sản đô thị, khi xây dựng phải chú ý đến những di sản ấy.

Việc đầu tư, phục dựng di tích cần phải đảm bảo tính nguyên bản, tránh gây ra những trường hợp đáng tiếc mà nguyên nhân chính yếu ở đây là do con người: di tích bị tàn phá bởi chính quá trình phục dựng không đúng quy trình và yếu kém trong chuyên môn.

Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra giải pháp về việc "cải tạo" lại những di sản xuống cấp. Nếu một di sản, ví dụ như công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử được bảo tồn, chỉ được tham quan, không cho người dân được tiếp cận để cảm nhận, chúng ta sẽ không hiểu được hết vẻ đẹp và giá trị của di tích ấy.

Cần có một chương trình du lịch để du khách có thể vừa tham quan, vừa có trải nghiệm về công trình thì sẽ khai thác được nhiều giá trị hơn. Tất nhiên, việc khai thác phải năm trong khuôn khổ, không được ảnh hưởng đến di tích.

Nên xây dựng những công trình mang tính "Việt" nhiều hơn, TP.HCM có rất nhiều công trình được xếp hạng di tích nhưng phần lớn mang kiến trúc Pháp, kiến trúc châu Âu, có rất ít công trình mang hơi thở của người Việt. Nếu được, chúng ta nên xây dựng những công trình mang hồn Việt để khi du khách nước ngoài đến thăm, họ sẽ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.

Về phía nhà trường, đại diện Trường KHXH&NV cũng đã có đề nghị đưa "Di sản đô thị" vào giảng dạy để sinh viên được biết về giá trị của các di sản trên địa bàn thành phố và toàn quốc. Để từ đó, sinh viên - thế hệ trẻ của đất nước sẽ có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát triển văn hóa dân tộc.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tim-giai-phap-bao-ton-phat-trien-di-san-do-thi-o-tphcm-va-nam-bo-4041057-c.html