Tìm giải pháp cho giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

'Giao thông khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) hiện nay luôn trong tình trạng tắc nghẽn, cả ở đường bộ và trên không', đó là nhận định của các chuyên gia khi bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng khó khăn về giao thông khu vực sân bay TSN.

Tình trạng kẹt xe trong, ngoài khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra và sẽ nghiêm trọng hơn nếu không có giải pháp giải tỏa kịp thời.Trong ảnh: Kẹt xe trên đường Trường Sơn, tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: NGUYÊN QUỐC

Ùn tắc ngày càng nghiêm trọng

Thạc sĩ Cao Ngọc Thành, Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sân bay TSN đang có một vấn đề lớn để giải quyết, đó là tình trạng quá tải ở nhiều phương diện: ách tắc cả trong và ngoài sân bay”. Cụ thể, theo quy hoạch, sân bay TSN đến năm 2020 sẽ phục vụ 25 triệu lượt khách. Tuy nhiên, năm 2016 đã đạt 32,5 triệu lượt khách, dự báo năm 2018 có thể cán mốc 40 triệu lượt khách, tức là vượt hơn 40% công suất thiết kế. Vào giờ cao điểm, máy bay của các hãng hàng không trong nước, ngoài nước cất và hạ cánh liên tục, có khi tiếp nhận 800 chuyến bay/ngày, dẫn đến ùn tắc cả trên không lẫn dưới đường băng. Bên ngoài sân bay, ùn tắc giao thông cũng xảy ra nghiêm trọng, thường xuyên. Trong bán kính 1,5 km chung quanh sân bay, mật độ phương tiện luôn chiếm 55% - 75%, dịp lễ, Tết chiếm đến 67% - 87% không gian mặt đường. Khu vực ngoài bán kính 1,5km, các tuyến, giao lộ kết nối sân bay, mật độ phương tiện đã ở mức 60% - 82%, giờ cao điểm ở mức 85% - 93%.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch phát triển TP Hồ Chí Minh, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố cho rằng: “Vấn đề khắc phục ùn tắc giao thông khu vực sân bay TSN đang là vấn đề khẩn cấp vì nó ảnh hưởng sự phát triển của thành phố, của vùng đô thị, của cả nước và đời sống nhân dân. Nguyên nhân chính của tình trạng này là thiếu đường, lưu lượng giao thông qua khu vực sân bay quá lớn và ngày một tăng thêm”. Theo khảo sát, có hơn 60% số ô-tô và 70% số xe máy mượn đường Trường Sơn đi các quận lân cận mà không vào sân bay.

Ở góc nhìn khác, GS, TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Do bất cập trong tầm nhìn phát triển đô thị cuối những năm 80 của thế kỷ 20, sân bay TSN tuy có vị trí không xa khu vực trung tâm, nhưng tách biệt khá rõ với mạng lưới đường phố, chung quanh chủ yếu là các khu quân sự. Trong hơn 30 năm qua, do tốc độ đô thị hóa nhanh, khu vực sân bay từng bước bị bao bọc và hiện nay đã nằm lọt thỏm giữa các khu vực đô thị mới phát triển. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đã tăng gấp mấy chục lần so với trước, phương tiện giao thông cá nhân bùng nổ, trong khi phương tiện giao thông công cộng lại rất hạn chế, cho nên ách tắc khu vực này là tất yếu”.

Hiến kế tìm giải pháp

Đề xuất về giải pháp gỡ nút thắt giao thông sân bay TSN, GS, TS Nguyễn Trọng Hòa cho biết: “ Hiện Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hàng không đang thuê đơn vị tư vấn của Pháp nghiên cứu phương án cải tạo, mở rộng sân bay TSN để trình Chính phủ quyết định vào cuối năm nay. Chúng tôi ủng hộ phương án mang tính tổng thể theo hướng mở rộng ra cả phía bắc sân bay tại khu vực hiện nay là sân gôn làm nhà ga và đường băng bổ sung mới. Nếu thực hiện phương án này, có thể phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn trong vòng từ 5 đến 7 năm tới. Khi đó, sân bay sẽ thật sự hoạt động ổn định, cùng với giai đoạn 1 sân bay Long Thành (nếu hoàn thành) sẽ đưa TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam “cất cánh”. Giải pháp trước mắt mà GS, TS Nguyễn Trọng Hòa, đề xuất là tạo hướng tiếp cận hợp lý từ khu vực trung tâm thành phố qua việc kéo dài cầu vượt đường Trường Sơn thành đường trên cao hai chiều qua khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ. Với việc phát triển mạng lưới này, giao thông sẽ được cải thiện rất nhiều. Giải pháp tổng thể là xây dựng một vành đai đường chuyên dụng trên mặt đất kết hợp với đường trên cao khép kín vòng quanh sân bay. Vành đai này được nối kết với hướng tiếp cận từ các trục đường nối đường vành đai 2 và các địa phương trong vùng. Các phương tiện giao thông khi lưu hành trên tuyến đường này chỉ để tiếp cận các nhà ga trong sân bay.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam gợi ý giải pháp dựa trên tổng thể giao thông của toàn TP Hồ Chí Minh: “Cần xác định tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay TSN không phải là hiện tượng riêng biệt hay tạm thời, mà có mối liên hệ chặt chẽ với hoàn cảnh chung của thành phố. Nói cách khác, không thể đòi hỏi có giao thông hoàn toàn thông thoáng riêng cho khu vực sân bay trong khi nó nằm trong khu vực nội ô của thành phố có hơn mười triệu dân, mật độ cư trú rất cao và tình trạng quá tải rất nặng về giao thông. Cụ thể, hơn mười triệu dân, với hơn bảy triệu phương tiện các loại nhưng tỷ lệ diện tích tự nhiên dành cho giao thông động và tĩnh chưa đến 10%, rất thấp so với yêu cầu của diện tích dành cho giao thông đô thị là hơn 20%”, TS Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đã “đặt hàng” nhóm nghiên cứu khoa học Đề án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Nhóm trưởng là PGS, TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Nhóm này sẽ thu thập dữ liệu, luận chứng khoa học để thực hiện đề án như một công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo thành phố và là cơ sở để thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

DUY KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34665402-tim-giai-phap-cho-giao-thong-khu-vuc-san-bay-tan-son-nhat.html