Tìm giải pháp chống ngập

'Nếu không có giải pháp chống ngập tổng hợp, hiệu quả thì trong vòng 30 năm, 50 năm nữa, một phần lớn diện tích TP Hồ Chí Minh sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy', đó là dự báo của các chuyên gia, nhà khoa học khi bàn về biện pháp chống ngập cho thành phố.

Ðường Phan Huy Ích, quận 7, TP Hồ Chí Minh bị ngập sâu sau mưa.

Nói về nguyên nhân ngập nước, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh cho biết: "Quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn (trước năm 1975) cho quy mô dân số khoảng hai triệu người, tương ứng với quy mô hệ thống thoát nước vào thời điểm đó. Hiện dân số của thành phố đã hơn 10 triệu người, chưa tính dân vãng lai (tăng hơn 5 lần so với trước) dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên gấp 5 lần. Tuy nhiên, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời cho nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước. Ngoài ra, thành phố còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập từ Biển Ðông thông qua hệ thống sông Sài Gòn - Ðồng Nai - Vàm Cỏ Ðông. 63% diện tích thành phố có độ cao tự nhiên dưới 1,5 m cho nên những vị trí thấp hơn đỉnh triều đều bị ngập".

Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, trong phạm vi hơn 581 km2 nội đô thành phố (thuộc sáu vùng thoát nước) cần phải có 6.000 km cống các loại, nhưng hiện nay hệ thống cống chỉ đạt gần 70% với 4.176 km. Trong lúc đó, thành phố chỉ mới hoàn thành được cơ bản hai nhà máy xử lý nước thải trên tổng số 12 nhà máy theo quy hoạch. Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố mới thực hiện được khoảng 64 km/149 km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn (cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học, những vấn đề nêu trên chưa nói hết được nguyên nhân dẫn đến ngập nước ở thành phố, mà cần đánh giá một cách tổng thể để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn trong tương lai. Ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất, Ðại sứ quán Hà Lan cho biết: "TP Hồ Chí Minh đang bị sụt lún. Dự tính mỗi năm, mặt đất sụt lún 7 cm. Mức độ sụt lún đang tăng nhanh mỗi năm. Ðây là một hồi chuông báo động vì nó không đơn giản là một vấn đề đơn lẻ mà còn là mối đe dọa hiện hữu đối với người dân và thành phố". Từ nhận định, ông Laurent Umans đưa ra hai vấn đề chính: Thứ nhất, làm thế nào để chúng ta đối phó với tình trạng bất định liên quan đến tương lai ảm đạm này? Thứ hai, làm thế nào để chúng ta bảo đảm cho các dự án đầu tư (trong đó có dự án chống ngập) nhằm xây dựng một quá trình chuyển đổi một cách thông minh và sáng tạo với mục tiêu thích ứng với cuộc sống mới? "Tình trạng không chắc chắn rất đa dạng: tăng trưởng dân số, xu hướng kinh tế, hành vi tiêu dùng… Tôi muốn tập trung vào ba vấn đề bất định liên quan đến nguồn nước, xét trên quy mô riêng của từng vấn đề. Thứ nhất, biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng tuy chỉ vài mi-li-mét mỗi năm nhưng về lâu dài thì rất đáng kể, cụ thể là trong thế kỷ tiếp theo. Thứ hai, vấn đề sụt lún chỉ vài cen-ti-mét mỗi năm nhưng rất đáng kể cho trung hạn, cụ thể là thập kỷ kế tiếp. Thứ ba, đặc biệt hơn khi việc khai thác mực nước ngầm không hợp lý có liên quan mật thiết đến vấn đề sụt lún", ông Laurent Umans nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm chống ngập, đại diện Công ty tư vấn Haskoning (Hà Lan) cho rằng, để giảm rủi ro do tình trạng ngập nước cần phải kết hợp các giải pháp mang tính tổng hợp. Nếu không có giải pháp căn cơ, thành phố khó mà chống ngập được. Trong đó, phải tính ba yếu tố nước biển dâng, sụt lún và việc khai thác nước ngầm. Nếu không tính toán kỹ để đưa ra giải pháp đúng, ba yếu tố này cộng hưởng sẽ làm cho tình trạng ngập nước ở thành phố trầm trọng hơn trong thời gian tới.

Nhìn trên bình diện chung, ông Laurent Umans cho rằng: "TP Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng một hệ thống đê vành đai với các cống thủy triều. Tuy nhiên, việc các cống bị chìm dường như không được xem xét một cách hợp lý, do đó tuổi thọ của dự án đầu tư này giảm đáng kể. Ðiều này chỉ để nói rằng cần có thêm kiến thức, sự sáng tạo và đầu tư nhiều hơn nữa để quản lý nước bền vững và xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố sáng tạo và đáng sống. Ðầu tư ưu tiên hàng đầu nên tập trung vào việc giảm nhanh việc khai thác nước ngầm. Ðiều này có nghĩa là chúng ta cần đường ống cấp nước mới, nhà máy xử lý nước, các khu vực chứa nước kết nối hộ gia đình. Bên cạnh đó, thành phố cân nhắc không nên đầu tư về phía biển và ven sông".

Ðồng tình với quan điểm này, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước ở thành phố. Ngoài vấn đề hạ tầng xuống cấp thì việc phát triển không đúng cũng là nguyên nhân gây ngập. Chiến lược phát triển về hướng biển, về phía nam nếu không cân nhắc kỹ sẽ gây sụt lún, ngập lụt.

Tại hội nghị "Mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải", lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhu cầu vốn đầu tư các dự án để chống ngập và xử lý nước thải của thành phố rất lớn, khoảng 73.359 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách thành phố chỉ bảo đảm cân đối khoảng 16.338 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 588 tỷ đồng, số còn lại thành phố kêu gọi nguồn xã hội hóa (PPP) và vận động nguồn ODA. Thành phố mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào bảy dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải [gồm: lưu vực Tây Sài Gòn (tổng vốn 7.700 tỷ đồng), lưu vực Bình Tân (9.804 tỷ đồng), lưu vực Tân Hóa Lò Gốm (6.395 tỷ đồng), lưu vực Bắc Sài Gòn 1 (5.544 tỷ đồng); lưu vực Bắc Sài Gòn 2 (5.100 tỷ đồng), lưu vực Rạch Cầu Dừa (5.000 tỷ đồng), lưu vực Tây Bắc (6.000 tỷ đồng)]; sáu dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch với tổng vốn 28.295 tỷ đồng; ba dự án đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của thành phố và một dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Tại hội nghị "Mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải", lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhu cầu vốn đầu tư các dự án để chống ngập và xử lý nước thải của thành phố rất lớn, khoảng 73.359 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách thành phố chỉ bảo đảm cân đối khoảng 16.338 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 588 tỷ đồng, số còn lại thành phố kêu gọi nguồn xã hội hóa (PPP) và vận động nguồn ODA. Thành phố mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào bảy dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải [gồm: lưu vực Tây Sài Gòn (tổng vốn 7.700 tỷ đồng), lưu vực Bình Tân (9.804 tỷ đồng), lưu vực Tân Hóa Lò Gốm (6.395 tỷ đồng), lưu vực Bắc Sài Gòn 1 (5.544 tỷ đồng); lưu vực Bắc Sài Gòn 2 (5.100 tỷ đồng), lưu vực Rạch Cầu Dừa (5.000 tỷ đồng), lưu vực Tây Bắc (6.000 tỷ đồng)]; sáu dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch với tổng vốn 28.295 tỷ đồng; ba dự án đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của thành phố và một dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Khánh Trình

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/37305902-tim-giai-phap-chong-ngap.html