Tìm giải pháp đẩy mạnh thương mại với Trung Quốc

Quý 1, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giảm 5%, mức rất nhẹ so với các đối tác khác. Bộ Công thương đang tìm giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu với thị trường này nhằm bù đắp cho các thị trường sụt giảm.

Tại hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài ngày 28.4, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.

Nửa đầu tháng 4.2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26 tỷ USD, giảm 15% so với nửa cuối tháng 3 và giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu đến các thị trường lớn đều sụt giảm nhưng thị trường Trung Quốc 3 tháng đầu năm vẫn có tín hiệu khả quan.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 35 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc mới mở cửa trở lại sau gần 3 năm gián đoạn; Trung Quốc dần hồi phục và có nhu cầu lớn. Tiếp đó Hiệp định RCEP đã bắt đầu phát huy tác dụng và Trung Quốc là thành viên có vị trí gần Việt Nam, nên kim ngạch thương mại 2 chiều vẫn tăng trong thời gian qua.

Kim ngạch xuất khẩu đến các thị trường lớn đều sụt giảm nhưng thị trường Trung Quốc 3 tháng đầu năm vẫn có tín hiệu khả quan. Nguồn: ITN

Ông Đinh Thành Công - Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng thông tin, thời gian qua hợp tác thương mại Việt Nam Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng là nhân tố quan trọng đóng góp cho quan hệ song phương.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, dẫn đến nhiều khó khăn trong duy trì kim ngạch thương mại hai bên.

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng nhận thấy, trong quý 1, tình hình hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khó khăn, suy giảm 5%. Tuy nhiên so với các đối tác khác, suy giảm của Việt Nam ở mức nhẹ.

Tiềm năng phục hồi và thúc đẩy xuất khẩu xuẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều tiềm năng khi thị trường này mở cửa trở lại, nội nhu cao, dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường kinh tế trọng điểm cả về xuất và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận. Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, hàng hóa của chúng ta cũng đối diện với sự cạnh tranh. Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19 thì vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) Trần Quang Huy cho rằng, muốn đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới, các Hiệp hội, doanh nghiệp cần chú ý, nghiên cứu, hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc (bao gồm cập nhật thông tin doanh nghiệp trên hệ thống hải quan Trung Quốc). Đồng thời, phối hợp với đối tác Trung Quốc để đa dạng hóa cửa khẩu xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu tại các cửa khẩu đất liền trong mùa nông sản để tránh tình trạng ùn tắc.

Về phía các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thông tin, quy định thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, đóng gói… Nên tham gia các chương trình triển lãm, giao thương hai nước, nhằm kết nối tìm hiểu đối tác; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu…

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/tim-giai-phap-day-manh-thuong-mai-voi-trung-quoc--i326190/