Tìm giải pháp để phát triển ngành điện gió

Vừa qua, Hội nghị Điện gió Việt Nam (VWP) 2022 đã được tổ chức tại Hà Nội. Là sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghiệp điện gió Việt Nam, hội nghị do Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức từ năm 2018, đem đến cơ hội để các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và góp ý cho việc hoàn thiện khung chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, hướng tới mục tiêu chung bảo đảm an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Các nguồn điện tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ

Các nguồn điện tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ

Giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Phạm Nguyên Hùng cho biết, là nước nhiệt đới với bờ biển dài hơn 3.200km, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió và điện gió ngoài khơi rất lớn.

Theo ông Hùng, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện, trong đó điện gió khoảng 4GW. Do đó, phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt, thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ trong những năm sắp tới.

Ông Vương Anh Dũng, Phó Tổng GĐ Cty CP Tư vấn và xây dựng điện 4 (EVNPECC4), cho rằng, với tính chất là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, điện gió đóng vai trò như một giải pháp rất quan trọng để bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn về an ninh năng lượng trên thế giới, cũng như có vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các cam kết phát thải ròng bằng 0 (net zero) của Việt Nam.

Ông Dũng cũng nêu rõ, là một nền kinh tế đang phát triển với GDP bình quân đầu người còn ở mức trung bình thấp, để đạt được mục tiêu net zero nói chung và phát triển điện gió nói riêng rất cần sự chung tay hỗ trợ về mặt tài chính của quốc tế trên cơ sở chuyển dịch năng lượng công bằng. Đặc biệt, do điện gió ngoài khơi vẫn còn khá mới so với các nguồn năng lượng truyền thống nên việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách trong phát triển các loại hình năng lượng này ở Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm và cơ sở thực tiễn còn thiếu và chưa đồng bộ...

Lộ trình cho phát triển điện gió

Ông Hà Đăng Sơn - GĐ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, do Việt Nam chưa có đủ nguồn lực tài chính cạnh tranh, cách thức đẩy mạnh đầu tư vào các nguồn điện gió hay điện mặt trời cần phải phù hợp với những đặc thù của nước ta. Đồng thời, cần phải có một lộ trình rõ ràng với những bước đi rất cụ thể của từng Bộ, ngành hay các bên liên quan để hiện thực hóa các cam kết cũng như các chiến lược và định hướng, mục tiêu cụ thể về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Từ đó, để thúc đẩy các bước tiến trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân cho lĩnh vực điện gió và điện gió ngoài khơi, ông Hà Đăng Sơn kiến nghị, cần hoàn thiện khung pháp lý và thể chế để bảo đảm các nguồn vốn đầu tư khi thu hút về sẽ có đầy đủ cơ sở, căn cứ để các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát cũng như phê duyệt để triển khai kịp tiến độ đặt ra, đặc biệt cho giai đoạn từ nay đến 2030.

Chung quan điểm, ông Bùi Vĩnh Thắng - GĐ quốc gia của GWEC tại Việt Nam, hoan nghênh các cam kết của Chính phủ đưa ra tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh cũng như các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, điện gió như đã được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực VIII, nhưng để đạt được các mục tiêu này cần phải có lộ trình cụ thể. Nêu rõ do phải mất từ 6-8 năm để đưa một trang trại gió ngoài khơi vào hoạt động, ông Thắng khuyến nghị, các chính sách và quy định cần được hoạch định khẩn trương, rõ ràng để bảo đảm đạt được mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như mục tiêu của dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực VIII.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng kiến nghị, cần xây dựng cơ chế mua bán điện đơn giản, rõ ràng, triển khai nhanh, cùng quy trình cấp phép rõ ràng, lộ trình chắc chắn để thuyết phục các nhà đầu tư. Do đó, nên bắt đầu với các dự án thí điểm để mang lại sự chắc chắn và rõ ràng, từ đó thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là vào một thị trường mới cho điện gió ngoài khơi như Việt Nam. Điều này cũng cho phép dự báo doanh thu dài hạn để phát triển chuỗi cung ứng địa phương - chìa khóa để giảm giá thành của điện gió ngoài khơi.

“Với 4GW các dự án thử nghiệm, ngành điện gió ngoài khơi có thể đưa các dự án cạnh tranh lên lưới điện vào năm 2030. Các dự án này có thể được chỉ định thông qua quy trình lựa chọn hoặc quy trình lựa chọn/cạnh tranh kết hợp để lựa chọn 4GW đầu tiên. GWEC sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xác định các dự án thí điểm điện gió ngoài khơi khả thi, bảo đảm 4GW điện gió ngoài khơi sẽ được thông qua tài chính trước năm 2026”, ông Bùi Vĩnh Thắng nhấn mạnh.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tim-giai-phap-de-phat-trien-nganh-dien-gio-314606.html