Tìm giải pháp để tận dụng nguồn dược liệu ở Việt Nam

Việt Nam là nước khí hậu nhiệt đới gió mùa với hệ thực vật rất phong phú, đa dạng, trong đó có hơn 4.000 loài cây dược liệu. Đây có thể coi là một 'mỏ vàng' nếu chúng ta biết khai thác tốt nguồn tài nguyên này.

Trong khi đó, dân số nước ta hiện gần 100 triệu dân, nhu cầu về các sản phẩm sinh học, hóa dược, vắc-xin… rất lớn. Tuy nhiên, thực tế tiềm năng này chưa được tận dụng hiệu quả, đòi hỏi cần có các giải pháp phù hợp.

Nhiều tiềm năng nhưng chưa tận dụng hiệu quả

PGS, TS Phương Thiện Thương, Trưởng Khoa Hóa phân tích-Tiêu chuẩn, Viện Dược liệu cho biết: Các hoạt chất sinh học có nguồn gốc từ thiên nhiên có thể được ứng dụng để làm thuốc điều trị, thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu, chất tạo màu, thuốc bảo vệ thực vật… Trong khi đó, Việt Nam hiện có hơn 4.000 loài cây dược liệu nhưng thực tế ứng dụng chưa đến 10%. Mặt khác, rất nhiều dược liệu hiện không xác định rõ được hoạt chất chính xác, trong khi để đánh giá được tiềm năng hoạt chất sinh học cần nhiều thời gian, cần có thêm các nghiên cứu, điều tra để xác định. Nguyên nhân được PGS, TS Phương Thiện Thương chỉ ra là do thiếu công nghệ chiết xuất, thiếu các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng nên dù có lợi thế lớn để phát triển nguồn tài nguyên này nhưng chưa khai thác được hết.

Người dân xã Hải Lộc (Hải Hậu, Nam Định) phát triển mô hình trồng cây dây thìa canh để điều chế viên uống Diabetna. Ảnh: CÔNG LUẬT

Chia sẻ về những khó khăn ở góc độ nghiên cứu, PGS, TS Lê Mai Hương, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam cho biết, nhóm nghiên cứu của bà đã từng nghiên cứu ra sản phẩm Nano glucumin là sản phẩm Bioglucumin được Nano hóa dành cho việc hỗ trợ điều trị ung thư. Sau đó, công trình này được nhóm của bà đăng bài báo khoa học quốc tế. Tuy nhiên khi sản phẩm chưa được bán ra thị trường thì nghiên cứu của bà đã được sử dụng rộng rãi. “Khi nghiên cứu thành công một sản phẩm, các nhà khoa học nên đăng ký ngay quyền sở hữu trí tuệ vì sau khi đăng báo quốc tế nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ thì 6 tháng sau ai cũng thể dùng công trình nghiên cứu đó”, PGS, TS Lê Mai Hương đưa ra lời khuyên.

PGS, TS Lê Mai Hương cũng từng nghiên cứu nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, trong đó có nấm đầu khỉ. Nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy thành công trong môi trường dịch thể và tạo sản phẩm thử nghiệm trên dòng tế bào ung thư. Để tạo ra được sản phẩm cuối cùng nhóm nghiên cứu phải mất 20 năm, nhưng khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm, các thủ tục chứng nhận sản phẩm khiến sản phẩm chưa được thương mại hóa rộng rãi.

Cần đổi mới công nghệ chiết xuất

Theo ông Hoàng Minh Châu, Công ty Cổ phần Nam dược, nguồn dược liệu phục vụ sản xuất ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là từ nguồn thu hái ngoài tự nhiên hoặc dược liệu nhập khẩu trôi nổi xuất xứ chưa rõ ràng, chất lượng không bảo đảm. Việt Nam đã bắt đầu quy hoạch, khuyến khích hình thành các vùng trồng dược liệu, tuy nhiên sản lượng vẫn còn ít chưa đủ đáp ứng cho sản xuất. Về công nghệ chiết xuất hiện còn lạc hậu, chủ yếu thu cao toàn phần sau khi cô hoặc sấy ở các điều kiện nhiệt độ kéo dài làm giảm hoạt tính tự nhiên. Mặt khác, chất lượng bao bì sản phẩm và thẩm mỹ kém, có những thành phần của bao bì tác động tới hoạt chất ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt chất; do đó cần đổi mới công nghệ chiết xuất để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ cũng như chọn lọc công nghệ phù hợp là việc không đơn giản khi mà hiện nay công nghệ chiết xuất có nhiều loại, không phải loại nào cũng áp dụng được với tất cả các loại dược liệu. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần có sự giúp đỡ từ phía các nhà khoa học trong việc nghiên cứu và lựa chọn công nghệ phù hợp.

Để tận dụng tiềm năng và ứng dụng hiệu quả nguồn dược liệu có trong tự nhiên ở Việt Nam, theo các chuyên gia, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm. Đồng thời, thành lập tổ chức ngành nghề riêng đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần xây dựng danh mục cây thuốc, hoàn thiện các phần nghiên cứu cơ bản cho danh mục này để doanh nghiệp khi cần sử dụng có được thông tin nhanh, chính xác, rút ngắn thời gian nghiên cứu; có quy hoạch để phân bổ hợp lý các nguồn lực bảo đảm tránh "giẫm chân" trong đầu tư gây ra khủng hoảng thừa hoặc thiếu.

Trước các bài toán khó khăn mà các doanh nghiệp, nhà khoa học gặp phải, TS Kum Dongwha, Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) cho biết, viện sẽ bắt tay cùng doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ và là cầu nối giữa các ngành công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, mang lại cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm chiếm lĩnh thị trường.

LA DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tim-giai-phap-de-tan-dung-nguon-duoc-lieu-o-viet-nam-570529