Tìm giải pháp giảm phát thải khí nhà kính

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi phát thải khí nhà kính nhiều nhất nước. Trong đó, lượng phát thải do phương tiện giao thông và năng lượng cố định chiếm hơn 90% tổng lượng phát thải khí nhà kính của thành phố.

Phương tiện giao thông cùng với năng lượng cố định là hai nguồn chiếm hơn 90% lượng phát thải khí nhà kính ở TP Hồ Chí Minh.

Để kiểm soát khí thải nhà kính, từ năm 2015, Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (Dự án SPI-NAMA) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) chủ trì, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ được triển khai, tiến hành thí điểm tại TP Hồ Chí Minh. Kết quả là xây dựng và thực hiện được một số dự án thí điểm về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và từng bước hoàn thiện các hướng dẫn về kiểm kê phát thải khí nhà kính, trọng tâm là xây dựng quy trình đo đạc, báo cáo và thẩm tra cho một số lĩnh vực chủ yếu của thành phố.

Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN và MT), mục tiêu cam kết của Việt Nam, đến năm 2030 giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế trong những năm tiếp theo. Ông Ma-kô-tô Ca-tô, chuyên gia ngắn hạn của JICA cho rằng thành phố có thể thực hiện giảm phát thải khí nhà kính bằng cách giảm điện năng, nhiên liệu sử dụng trong các tòa nhà, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái các tòa nhà cao tầng; sử dụng xe buýt nhanh dùng nhiên liệu sạch và đường sắt đô thị thay cho các phương tiện giao thông cá nhân. Giai đoạn 2018 - 2020 là vô cùng quan trọng trước khi Việt Nam bước vào giai đoạn cam kết cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Là một thành phố năng động bậc nhất của cả nước với nhiều hoạt động đô thị hóa, sản xuất công nghiệp cũng như thương mại, dịch vụ, TP Hồ Chí Minh là địa phương có thể đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia. Cũng theo ông Ca-tô, các hoạt động của Dự án SPI-NAMA tại thành phố giai đoạn 2015-2017 đã kết thúc vào cuối năm 2017 và đưa ra được những sản phẩm có giá trị cho công tác triển khai các hành động giảm phát thải khí nhà kính của thành phố. Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án SPI-NAMA đã thống nhất triển khai giai đoạn mở rộng của Dự án đến tháng 1-2019 nhằm hỗ trợ thành phố, các bộ, ngành tham gia dự án thực hiện hiệu quả các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, đồng thời chuẩn bị cho thành phố có căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng các chính sách về giảm nhẹ khí nhà kính trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Huy Phương, chuyên viên Văn phòng Biến đổi khí hậu, Sở TN và MT thành phố cho biết: “Hiện thành phố có 10 lĩnh vực như năng lượng, giao thông, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, nông nghiệp, y tế, xây dựng, du lịch… nằm trong kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Sở TN và MT đang thực hiện kiểm kê khí nhà kính và dự kiến hai năm sẽ thực hiện kiểm kê một lần, từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp để giảm phát thải khí nhà kính, nhất là ở lĩnh vực giao thông và năng lượng cố định”. Với sự hợp tác của JICA, thành phố sẽ đưa ra những "công cụ" chính sách trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 để cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả tại các tòa nhà, hướng tới xây dựng một thành phố các-bon thấp và phát triển bền vững. Ngoài ra, những nghiên cứu trong hợp phần “Ðánh giá công nghệ các-bon thấp” của dự án cũng sẽ cung cấp các thông tin nền tảng cho việc áp dụng các công nghệ phát thải thấp vào thực tế nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phương Mai, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường thành phố cho rằng: Thành phố nên tập trung hơn vào chính sách khuyến khích cho việc sử dụng năng lượng mặt trời ở dạng công nghiệp, tức là tạo ra năng lượng mặt trời và sử dụng nó bằng cách hòa vào lưới điện. Hiện nay, khó khăn nhiều nhất là bán những nguồn điện tái tạo như bi-ô-ga hay năng lượng mặt trời… vì giá thành còn chưa khuyến khích xã hội hóa để chuyển hóa các năng lượng tái tạo này. Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn cho biết đã đề xuất các hoạt động tiếp theo cho những năm tới, bao gồm phân tích và đề xuất các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của thành phố, trọng tâm là các cơ sở có mức phát thải lớn và thí điểm xây dựng dự án tăng cường hiệu quả cho các tòa nhà tại thành phố. Ngoài ra, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra mức giảm phát thải khí nhà kính cho ngành giao thông.

KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37516702-tim-giai-phap-giam-phat-thai-khi-nha-kinh.html