Tìm giải pháp hài hòa giữa văn minh đô thị và vấn đề tâm linh

Dưới góc nhìn nào đó của một số người dân sống gần các khu mộ hay nghĩa trang thì chuyện sinh hoạt hằng ngày không bi ảnh hưởng gì. Song cũng có ý kiến lo ngại vấn đề môi trường, dịch bệnh phát sinh từ nghĩa trang ẩm thấp, sức khỏe người sống quanh đó sẽ bị ảnh hưởng. Và nếu chỉ nhìn ở góc độ phát triển hạ tầng đô thị thì giải pháp đơn giản nhất là di dời hết mồ mả khỏi các khu dân cư và quy tập về nghĩa trang lớn theo quy hoạch. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy…

Chúng tôi đã quen rồi…

Theo tiêu chuẩn quốc gia về nghĩa trang đô thị được ban hành năm 2008, khoảng cách từ khu dân cư đến nghĩa trang tối thiểu là 100m. Với nghĩa trang chôn tươi (an táng cả thi hài) thì khoảng cách phải từ 500m đến 1,5km. Tuy nhiên, hiện trạng nhiều nghĩa trang tại Hà Nội không đáp ứng được tiêu chuẩn trên. TP Hà Nội đã có một bản quy hoạch nghĩa trang định hướng đến năm 2050, trong đó ưu tiên việc quy tập, di dời mồ mả đến các nghĩa trang chung để nhường đất phát triển đường sá, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các chuyên gia về quy hoạch đô thị nhận định việc di dời các khu mồ mả nằm xen trong thành phố là không đơn giản, đôi khi phải chấp nhận cho tồn tại nghĩa trang ở giữa khu dân cư.

Người dân ở chung với các khu mộ trong một ngách nhỏ ngõ 445 Nguyễn Khang (Cầu Giấy).

Một người dân làng Cót (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) khi được hỏi cho biết, việc di dời nghĩa trang của làng đi nơi khác là rất phức tạp, không phải cứ muốn là đươc. Vì đa phần là phần mộ của người dân trong làng. Cùng với đó, trao đổi nhanh với lãnh đạo phường Phương Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi được biết, trong phố Giáp Nhị có rất nhiều ngõ có mộ cổ nằm rải rác. Lâu dần tất cả người dân sống quanh đây đều quen với việc này. Có những ngôi mộ con cháu vẫn ở gần, nhưng cũng có những ngôi mộ không còn biết là của ai. Thế nhưng người dân sống gần các khu mộ vẫn thắp nhang các cụ đều. Nói về góc độ quy hoạch, từ nhiều đời lãnh đạo trước đã bàn đến chuyện đưa các cụ quy tập về một nơi văn minh hơn, song về góc độ tâm linh thì người dân không ai muốn di dời.

Làm thế nào để không gian giữa người sống và người chết có sự hài hòa?

Trao đổi với chúng tôi, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, Hà Nội đã 2 lần có quy hoạch nghĩa trang, trong đó nói rõ hệ thống nghĩa trang của thành phố, bao gồm nghĩa trang cấp quốc gia, nghĩa trang cấp vùng, nghĩa trang khu vực và nghĩa trang khu dân cư. Trong đó, có chỉ rõ nghĩa trang nào phải di dời và di dời ra sao…

Hà Nội cũng là địa phương tiên phong nghiên cứu, đề xuất, ứng dụng những mô hình nghĩa trang mới như công viên nghĩa trang, nghĩa trang được phân loại cụ thể, có nghĩa trang hỏa táng, cát táng, hung táng… Và mỗi loại hình nghĩa trang đều có quy định, quy chuẩn riêng. Khoảng cách với khu dân cư thế nào cũng được quy định cụ thể, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ví dụ nghĩa trang Văn Điển trước đây là hung táng suốt một thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường xung, kể cả nguồn nước ngầm nên hiện nay TP Hà Nội đã dừng hình thức chôn cất này.

Xem xét đến việc di dời nghĩa trang phải nhìn nhận cả vấn đề yếu tố văn hóa, truyền thống. Có những nghĩa trang có trước, khi chưa phát triển nhà cửa như bây giờ. Ví dụ như nghĩa trang ở trên đường Nguyễn Hoàng Tôn sát cạnh Khu đô thị Ciputra, và trong quá trình quản lý người ta không cho hung táng nữa để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trong quy hoạch thì có di dời nghĩa trang này. Nhưng thực tế, sau này xem xét lại người ta không di dời, bởi vì không ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo văn hóa truyền thống, có khoảng cách đủ để tạo sự yên tĩnh cho nghĩa trang. Các nghĩa trang trong nội đô đa số hiện nay để cát táng chứ không còn hung táng, hoặc tồn tại các ngôi mộ cũ từ hàng chục năm nay, thậm chí cả trăm năm là những ngôi mộ từ xưa để lại.

Cùng với tốc độ đô thị hóa, những ngôi mộ này dần dần từ ở nơi đồng ruộng trống trải, hiện nằm xen kẽ khu dân cư. "Nhưng những ngôi mộ lẻ đã tồn tại thời gian hàng chục năm này không gây ô nhiễm môi trường thì chúng ta cũng nên tôn trọng. Vì đây là văn hóa truyền thống của người Việt", ông Nghiêm nói.

Với những khu nghĩa trang tồn tại sát khu dân cư, gây bất tiện về sinh hoạt thì nên sớm có phương án di dời đến những khu vực thoáng đãng. Hà Nội cũng đã công viên nghĩa trang rất yên bình, đẹp đẽ nhiều không gian xanh. Đây là mô hình cần được phát huy. Thủ đô Hà Nội có 7 nghĩa trang tập trung quy mô lớn gồm: Mai Dịch, Văn Điển, Thanh Tước, Yên Kỳ cũ, Sài Đồng, Ngọc Hồi và Nhổn, với tổng diện tích khoảng 70ha. Thành phố sau khi mở rộng có quy mô diện tích tăng gấp hơn 3 lần, dân số đô thị dự kiến tăng gấp 2 lần (đến năm 2030). Do vậy, việc tiếp tục xây dựng nghĩa trang mới là nhu cầu cấp bách và bức xúc.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Đồng thời, mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 2, huyện Ba Vì, sử dụng hình thức táng tổng hợp, phục vụ nhu cầu an táng của người dân khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng và các tỉnh lân cận (Hòa Bình, Phú Thọ).

Các nghĩa trang Sài Đồng (Long Biên), Văn Điển (Thanh Trì) cũng được lên kế hoạch đóng cửa và cải tạo thành công viên nghĩa trang từ trước năm 2015. Nghĩa trang tập trung Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì) sẽ được mở rộng từ 37 ha lên 87 ha, phục vụ nhu cầu an táng của người dân và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng.

Tại khu vực phía Tây Bắc Hà Nội, nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh) sẽ được cải tạo mở rộng thành công viên nghĩa trang với quy mô 23ha (năm 2030). Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng mới các nghĩa trang Minh Phú và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn); Xuân Nộn (Đông Anh); Trung Màu (Gia Lâm); Trần Phú (Chương Mỹ); Chuyên Mỹ (Phú Xuyên).

Huyền Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/tim-giai-phap-hai-hoa-giua-van-minh-do-thi-va-van-de-tam-linh-bai-cuoi--i690831/