Tìm giải pháp 'kéo' khách đến với làng nghề

Hệ thống làng nghề tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Bình khá phong phú. Du lịch làng nghề truyền thống đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội… thì hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống.

Được biết, trên mảnh đất Cố Đô có hơn 200 nghề và làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có 88 làng nghề đang hoạt động với 69 làng nghề truyền thống. Sự phát triển nghề và làng nghề truyền thống ở Huế góp phần tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, ổn định cuộc sống.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh đầu tư, hỗ trợ phát triển 8 nghề và làng nghề gắn với du lịch.

Tại các làng nghề được chính quyền xứ Huế ưu tiên đầu tư khôi phục, phát triển các ngành nghề như làng nghề Đúc đồng, gốm Phước Tích, điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, tranh dân gian làng Sình… đã hình thành các tour du lịch tham quan làng nghề nhằm giới thiệu và mua bán sản phẩm, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ... do chính tay những người thợ làm nên.

Áo dài - Một trong những nghề nổi tiếng ở Huế

Vấn đề quan trọng các làng nghề đang hướng tới là bên cạnh việc khôi phục, phát triển cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm của làng nghề. Một khi, các làng nghề đã có thương hiệu thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làng nghề có hiệu quả, sản xuất tại chỗ, cung ứng các sản phẩm hàng hóa của các làng nghề cũng như các dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn. Mặt khác, việc đưa hoạt động du lịch về với các làng nghề truyền thống không chỉ tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân làng nghề mà còn góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển nghề truyền thống ở địa phương bằng việc tạo ra những sản phẩm có hàm lượng, đặc trưng văn hóa cao đáp ứng nhu cầu du khách. Đây cũng là điều kiện góp phần đáp ứng các tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Thừa Thiên - Huế...

Tương tự Huế, Quảng Bình là địa phương có nhiều làng nghề và nghề truyền thống. Theo thống kê hiện nay trên địa bàn Quảng Bình có 24 làng nghề và làng nghề truyền thống (14 làng nghề và 10 làng nghề truyền thống) đã được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề này đã thu hút hàng nghìn lao động như làng nghề dệt chiếu cói An Xá, đan lát, mộc dân dụng Xuân Bồ, chế biến hải sản Quy Đức, nón lá Mỹ Trạch… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề, một hướng đi đầy triển vọng nếu biết cách triển khai và tổ chức hoạt động. Khách du lịch đến với làng nghề không chỉ tham quan nơi sản xuất, xem những sản phẩm truyền thống tinh xảo, tận mắt thấy được các công đoạn để hoàn thành một sản phẩm, mà họ còn muốn tìm hiểu về văn hóa địa phương, được trò chuyện với những người thợ, những nghệ nhân làng nghề và muốn được trải nghiệm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm.

Làm nón - Nét tương đồng về nghề truyền thống giữa Huế và Quảng Bình

Theo tìm hiểu, tuy các làng nghề ở Quảng Bình - nơi được đánh giá là đầy tiềm năng để phát triển du lịch lại thưa khách tham quan. Trên thị trường hàng lưu niệm, những sản phẩm làng nghề truyền thống dùng làm quà lưu niệm phục vụ cho du lịch đang rất khan hiếm, chưa có sản phẩm truyền thống đặc trưng. Các làng nghề hay các nghề truyền thống vẫn chỉ hoạt động ở phạm vi nhỏ như trong gia đình, trong bản làng chứ chưa mở rộng ra bên ngoài, chính vì vậy khách du lịch ít có cơ hội để tìm hiểu. Bên cạnh đó, hầu hết làng nghề hiện nay đều đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông. Các làng nghề chưa được đầu tư chiều sâu cho cách làm du lịch, người làng nghề chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại.

Tháng 9 vừa qua, tại thành phố Đồng Hới, Văn phòng chính phủ đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 07 năm 2006 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề Nông thôn”. Tại đây, đại diện các bộ, ban ngành liên quan cùng các chuyên gia và các đại biểu đã trao đổi, thảo luận để sau khi nghị định mới được ban hành sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển làng nghề du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phát triển du lịch gắn với phát triển các làng nghề truyền thống đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc. Thiết nghĩ, bên cạnh việc các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn tìm ra các giải pháp để phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống hướng đến phát triển du lịch gắn kết với các làng nghề và làng nghề truyền thống. Để các làng nghề phát triển đúng với tiềm năng, trở thành một loại hình trọng điểm thu hút khách du lịch thì rất cần sự chung tay từ cộng đồng.

Hoàng Dương - Thành Long

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/tim-giai-phap-keo-khach-den-voi-lang-nghe.html