Tìm giải pháp phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Ngày 12/8, tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ lần thứ nhất.

Đồng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh.

Ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng. Lãnh đạo của các Bộ, ngành và 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là Phó Chủ tịch và thành viên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị tại Khánh Hòa.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có 14 tỉnh, thành phố gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, có diện tích tự nhiên 95,86 nghìn km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước).

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần định hướng phát triển vùng theo hướng tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đảm bảo phát triển năng lượng xanh, công nghiệp công nghệ cao, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước, phát triển trung tâm, logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cần tập trung nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển. Vùng cần tập trung phát triển các ngành kinh tế biển để trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển.

Ra mắt thành viên Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ lần thứ nhất.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy bày tỏ những khó khăn, thách thức về nguồn lực trong quá trình quy hoạch phát triển vùng, qua đó đề xuất trong quá trình quy hoạch cần xác định theo tiềm năng của mỗi tỉnh, tránh sự triệt tiêu lẫn nhau.

Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khi quy hoạch cảng biển, sân bay… Đối với hệ thống sân bay, trong vòng 100km cần quy hoạch một sân bay nội địa nhằm tận dụng tối đa nguồn khách liên kết vùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, 14 tỉnh trong vùng đều có biển, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, thủy sản.

Để giảm áp lực khai thác thủy sản trong tự nhiên trong khi tài nguyên biển đang giảm, việc nuôi biển liên vùng cũng là một giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế biển, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EU với việc ngư dân đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý.

Cảng cá liên vùng, khu neo đậu liên vùng cũng sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị để phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến tại Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc thực hiện liên kết giữa tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ nói chung còn tồn tại một số khó khăn như: Tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào…); trùng lắp các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp nên có sự cạnh tranh lẫn nhau; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu; tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu ý kiến: “Tôi đề xuất trước mắt 3 địa phương là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế cần ngồi bàn lại với nhau về phát triển du lịch. Vì thực tế cho thấy, khách du lịch khi đến thành phố Đà Nẵng thì họ muốn đến tham quan tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế nên rất cần thiết xây dựng chuỗi liên kết du lịch 3 địa phương.

Để làm được điều này thì phải làm tốt kết nối giao thông 3 địa phương này. Cần có kết nối về đường sắt vì khách du lịch đi đường sắt họ thường thích hơn”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trình bày ý kiến quan tâm về phát triển du lịch với 2 tỉnh gần nhất là Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Nhiều ý kiến cho rằng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển, chiếm 60% bờ biển cả nước, có 11 trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước. Đây là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng thực hiện một ứng dụng (app) cơ sở dữ liệu để Hội đồng vùng trao đổi thông tin; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, tỉnh trong Hội đồng vùng sẽ thiết lập nội hàm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên ý kiến đóng góp của các thành viên, xây dựng Quy hoạch vùng dựa trên các tiềm năng lợi thế, tối ưu lợi thế của mỗi tỉnh, tiểu vùng, vùng. Bộ Công Thương xem xét đến vấn đề năng lượng xanh.

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch tư duy mới về phát triển cảng biển, hàng không. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế xem xét về thành lập trung tâm giáo dục, trung tâm y tế vùng. Bộ Tài chính hình thành quỹ của vùng. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch về tài nguyên biển.

Việc lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia.

Dương Vương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-388903.html