Tìm giải pháp phát triển du lịch quốc tế bền vững sau đại dịch COVID-19

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành du lịch Việt Nam nếu làm tốt sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển tốt hơn, vì vậy cần phải khôi phục ngành du lịch, trong đó khôi phục du lịch quốc tế khá quan trọng. Muốn làm được điều này, các địa phương, ban ngành phải phối hợp với nhau để giải quyết đồng loạt các khó khăn của ngành trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn du lịch cấp cao sáng 8/9 tại TP Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn du lịch cấp cao sáng 8/9 tại TP Hồ Chí Minh.

Ngày 8/9, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Diễn đàn du lịch cấp cao: Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững để tìm ra giải pháp phát triển du lịch quốc tế bền vững sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh COVID-19.

Khách quốc tế chưa như kỳ vọng

Mặc dù ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã có nhiều khởi sắc, song thị trường chủ yếu đang phục vụ khách nội địa, khách quốc tế vẫn chưa khôi phục trở lại. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam thu hút hơn 81 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế trong 8 tháng năm 2022; trong đó, khách du lịch nội địa là 79,8 triệu lượt, tăng 155,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đón 18,15 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế, trong đó khách du lịch nội địa tăng 216% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nhìn chung lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa cao, chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, khi ngành du lịch phục hồi, Hà Nội dự kiến đón khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022. Năm 2023, con số này dự kiến sẽ đạt 3 triệu lượt khách và phấn đấu đến 2025 sẽ đón và phục vụ 7 triệu lượt khách quốc tế, bằng với mức đạt được của năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch đón khách quốc tế đặt ra là vậy nhưng thực tế hiện nay, lượng khách đã đón chưa đáp ứng được kỳ vọng và còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, lượng khách du lịch quốc tế 7 tháng đầu năm vẫn còn thấp, mới bằng 11,4% cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu khách du lịch quốc tế vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước khu vực Đông Nam Á, trong khi lượng du khách từ các thị trường trọng điểm, có khả năng chi tiêu cao từ các nước EU, Mỹ, Úc... còn rất thấp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, việc du khách quốc tế chưa trở lại Việt Nam nhiều, ngoài nguyên nhân khách quan, có một số nguyên nhân chủ quan đang là điểm nghẽn đối với thị trường du lịch quốc tế, đó là các chính sách liên quan đến cấp Visa điện tử (E-visa), bảo hiểm du lịch... Ngoài ra, sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa sẵn sàng trong việc đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế do nguồn lực tài chính suy giảm, thiếu hụt nhân lực....

Người mua đến các gian hàng tại Hội chợ ITE HCMC 2022 tìm hiểu về du lịch Việt Nam.

Là doanh nghiệp đón khách quốc tế thường xuyên đến Việt Nam, ông Võ Anh Tài, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết: "Ảnh hưởng đại dịch COVID-19 lần này ngoài sức tưởng tượng đã khiến các thị trường khách quốc tế của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm dù Việt Nam đã mở cửa đón khách từ tháng đầu năm 2022. Trong ngành du lịch, nếu chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi ngành du lịch và dĩ nhiên, chưa phục hồi du lịch Việt Nam thì chưa thể phục hồi hoàn toàn kinh tế Việt Nam".

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing Công ty TST tourist, nguyên nhân ngành du lịch phát triển chưa theo kỳ vọng là do chưa có chương trình quảng bá đúng tầm, song hành với các hoạt động mở cửa ngành du lịch Việt Nam. Chưa kể, việc tiếp cận nguồn khách nước ngoài hiện nay vẫn chủ yếu do tự thân doanh nghiệp xoay xở nên độ lan tỏa, hiệu quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, nguồn nhân lực tại TP Hồ Chí Minh đã khôi phục nhanh chóng nhưng một số tỉnh, thành vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. "Sau sự kiện Hội chợ Du lịch quốc TP Hồ Chí Minh, sẽ có một lượng quốc tế lớn đến Việt Nam. Vì vậy, các tỉnh, thành trên cả nước cần tập trung đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng, chất lượng để phục vụ khách quốc tế tốt nhất", ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Theo các chuyên gia du lịch, trong thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023, để giải quyết các khó khăn, hạn chế trong việc thu hút du khách quốc tế, trước tiên Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tại các thị trường có tiềm năng mở rộng khai thác như Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông, Úc, ASEAN…. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thời gian cấp visa vào Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày; cải tiến quy trình cấp visa điện tử để tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đăng ký...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế nghiên cứu xem xét bỏ quy định công bố tổng số ca mắc COVID-19 hàng ngày, chỉ công bố số ca mắc nặng phải nhập viện nhằm góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện; xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm COVID-19 mức 10.000 USD, chỉ nên áp dụng điều kiện có bảo hiểm du lịch đối với du khách quốc tế.

Du khách nước ngoài thích thú khám phá các điểm đến nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Võ Anh Tài cho biết, hiện ngành du lịch Thái Lan đã đặt mục tiêu thu hút 30 triệu du khách nước ngoài trong năm 2023, vì vậy Việt Nam muốn phát triển thị trường du lịch quốc tế cần giải pháp cụ thể từ cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia, thúc đẩy liên kết với du lịch các nước có nguồn khách du lịch quốc tế lớn để kết nối thêm chuyến đi đến Việt Nam; liên kết khu vực tập trung thực hiện chương trình “các quốc gia, 1 điểm đến"…

Trước phản ánh của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ sẽ xem lại các vướng mắc trong các chính sách để tháo gỡ cho doanh nghiệp du lịch trở lại thị trường; chẳng hạn như giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung doanh nghiệp để doanh nghiệp du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này; cùng doanh nghiệp xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực...

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong thời điểm dịch bệnh, các cơ sở dịch vụ du lịch đã sửa sang lại các cơ sở vật chất nên sẵn sàng đón khách quay lại. Phần còn lại, cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành đưa ra giải pháp giúp du lịch phát triển bền vững. "Ngành du lịch muốn phát triển bền vững cũng phải hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền", Phó Thủ tướng đề nghị.

Bên cạnh đó, để du lịch quốc tế phát triển phải giải quyết nhiều khâu như visa, xúc tiến du lịch trong nước, quốc tế, cơ sở hạ tầng giao thông... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong các địa phương, ban, ngành cùng phối hợp để có những giải pháp mạnh mẽ hơn, giúp ngành du lịch tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn; giúp doanh nghiệp du lịch sớm lấy lại những gì đã mất trong mùa đại dịch, từ đó tạo đà bứt phá cho ngành du lịch Việt Nam trở lại sớm nhất.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, thị trường khách quốc tế đến Việt Nam đang đón nhận những tín hiệu rất tích cực với hơn 1,4 triệu lượt khách trong 8 tháng qua, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, để thu hút du khách quốc tế, TP Hồ Chí Minh cũng đã thiết kế lại sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng và phù hợp với tình hình khôi phục ngành du lịch. Những sản phẩm này theo hướng du lịch xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, địa bàn đang "xanh"...

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/tim-giai-phap-phat-trien-du-lich-quoc-te-ben-vung-sau-dai-dich-covid19-20220908162915822.htm