Tìm giải pháp phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường Đồng bằng sông Hồng

Với các đặc điểm và tiềm năng đang có vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo 'Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' được tổ chức sáng 12/7, tại Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dự và chỉ đạo hội thảo. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị, vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Văn hóa chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức, chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển, chưa tạo đột phá để nâng cao năng suất lao động. Y tế, giáo dục còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng .

Ông TRẦN TUẤN ANH, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TW: “Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo.Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn."

Nhiều chuyên gia khẳng định, để tạo bước đột phá trong phát triển của Vùng trong thời gian tới cần quan tâm đầy đủ, toàn diện đến văn hóa để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững; đẩy mạnh phát triển để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng, nhất là nâng cao năng suất lao động; tiếp tục đầu tư cho y tế, giáo dục để khai thác tốt hơn tài nguyên con người, giúp theo kịp với trình độ các nước phát triển; tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên theo hướng bền vững.

GS PHẠM HỒNG TUNG, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển: “Những chính sách của chúng ta phải làm sao đánh thức và phát huy được tối đa nguồn lực, trước hết là nguồn lực con người, nhân văn, nguồn lực văn hóa, tiếp theo là nguồn lực trí tuệ. Phải tạo ra kết nối 1 cách hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp.”

PGS.TS VŨ VĂN TÍCH, Trưởng ban KH&CN, ĐHQG Hà Nội: “Tôi nghĩ thời gian tới, Nghị quyết sẽ có những thay đổi làm sao để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất hang hóa xuất khẩu, hướng việc đưa khoa học công nghệ vào các lĩnh vực từ nông sản, đến hang tiêu dung, tích hợp công nghệ để cạnh tranh được với các nước trong khu vực.”

Trên cơ sở tổng kết và đánh giá lại kết quả phát triển trong thời gian qua, Ban Kinh tế trung ương sẽ đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển vùng để phát huy được các tiềm năng, lợi thế, tối ưu hóa nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước.

Thực hiện : Phan Hằng Anh Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tim-giai-phap-phat-trien-van-hoa-xa-hoi-va-bao-ve-moi-truong-dong-bang-song-hong-1