Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn

Theo Cục Chăn nuôi, đến hết tháng 4-2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), khoảng 31 triệu con vào ngày 31-12-2018. Để đạt mục tiêu đề ra đến cuối quý III, quý IV có đủ nguồn cung, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước, hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức ngày 6-5 tại Hà Nội, đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp quan trọng.

Khu chăn nuôi lợn của HTX chăn nuôi Trường Thành (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ảnh: HOÀNG LÊ

Khu chăn nuôi lợn của HTX chăn nuôi Trường Thành (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ảnh: HOÀNG LÊ

Theo Cục Chăn nuôi, đến hết tháng 4-2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), khoảng 31 triệu con vào ngày 31-12-2018. Để đạt mục tiêu đề ra đến cuối quý III, quý IV có đủ nguồn cung, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước, hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức ngày 6-5 tại Hà Nội, đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp quan trọng.

Nhờ nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tái đàn, hiện chín tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có DTLCP như: Bình Phước (1,314 triệu con, đạt 149%), Ðắk Nông (hơn 277 nghìn con, đạt 131%), Bình Ðịnh (850 nghìn con, đạt 115%)... Một số địa phương đã thực hiện tốt việc tái đàn lợn do UBND cấp tỉnh, thành phố những nơi này đã quan tâm chỉ đạo, kịp thời công bố hết dịch, tạo điều kiện cho người dân nuôi lợn trở lại, có các chính sách hỗ trợ kinh phí duy trì, tăng đàn nái, đực giống phục vụ tái đàn, tăng đàn như: Hà Nội (bố trí 16 tỷ đồng hỗ trợ con giống, trong đó hỗ trợ 4 triệu đồng/con lợn nái), Nghệ An (hỗ trợ 2 triệu đồng/con lợn nái, hỗ trợ toàn bộ đực giống), Bình Dương (hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi có từ 20 con lợn trở lên)... Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư, như tỉnh Bình Phước là một thí dụ; đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh; khuyến khích tái đàn, tăng đàn ở các cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi khép kín, thực hành chăn nuôi tốt. Ðồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi lợn, có giải pháp phòng, chống không để dịch bệnh xâm nhiễm; sử dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương làm thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại/hợp tác xã (HTX) chăn nuôi lợn được xem là có triển vọng, thí dụ như: các HTX chăn nuôi hữu cơ ở Ba Vì, Hà Nội; HTX chăn nuôi Trường Thành ở Hiệp Hòa, Bắc Giang; HTX chăn nuôi lợn Vạn Trường Xuân ở Vụ Bản, Nam Ðịnh. Mô hình chuỗi liên kết ngắn, khép kín từ trang trại - HTX - người tiêu dùng với chuỗi sản phẩm thịt lợn an toàn của HTX chăn nuôi Ðồng Hiệp, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai.

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, việc tái đàn lợn ở một số nơi còn có độ trễ nhất định, do đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc DTLCP nhưng chậm công bố, thông báo hết dịch. Mặt khác, không ít địa phương chưa thật sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát DTLCP sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương. Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố, trong thời gian qua DTLCP tiếp tục xảy ra tại một số địa phương; trong đó có hiện tượng DTLCP tái phát một hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố (như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam…). Một số tỉnh chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do DTLCP cho người dân nên người chăn nuôi thiếu vốn để duy trì sản xuất, đồng thời, họ cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi để tái đàn, tăng đàn. Giá lợn giống cao từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/con, cũng là một khó khăn của người chăn nuôi. Bên cạnh đó, do đàn nái suy giảm nên các trang trại hiện không có con giống để tái đàn. Chưa có nhiều trang trại áp dụng công nghệ cao và các biện pháp an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi để tăng hiệu quả. Các HTX/trang trại chỉ tập trung vào khâu chăn nuôi, không phát triển các dịch vụ trong chuỗi như cung cấp thức ăn/thú y/giết mổ/chế biến/phân phối nên lợi nhuận thấp và rủi ro cao. Trao đổi thêm về vấn đề này, theo Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhanh chăn nuôi ở khu vực hộ nông dân, trang trại quy mô vừa và HTX, bởi hai khu vực này đóng góp tới 65% tổng đàn lợn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục những bất cập nêu trên, cần có chính sách về lãi suất tiền vay, về đất đai cho người chăn nuôi có cơ hội tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi ATSH theo chu kỳ sản xuất. Tạo điều kiện để các trang trại/HTX thụ hưởng các gói chính sách hỗ trợ vượt qua dịch bệnh của Chính phủ như khoanh nợ/giãn nợ/miễn thuế/tiếp cận tín dụng. Nâng cao năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống, tăng tỷ lệ chọn giống, năng suất sinh sản của đàn nái để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh. Khai thác và phát triển nguồn gien giống lợn bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả gắn với du lịch sinh thái; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao, có lợi thế. Ðẩy mạnh sản xuất chăn nuôi lợn quy mô trang trại/HTX ở các vùng an toàn dịch bệnh. Ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ATSH gắn sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Khuyến khích mở rộng quy mô thành viên và quy mô đàn trong các HTX chăn nuôi lợn. Có sự tập hợp, liên kết của nhiều trang trại chăn nuôi trong các tổ hợp tác, HTX nhằm gia tăng thị phần cung cấp thịt của khu vực trang trại/HTX, tạo nên đối trọng đáng kể trên thị trường nhằm hạn chế sự độc quyền trong chuỗi sản xuất và phân phối sản phẩm thịt lợn. Xây dựng tiêu chuẩn của trang trại chăn nuôi lợn và áp dụng bắt buộc (tiêu chuẩn về quy mô, quản lý an toàn dịch bệnh, về kiến thức chuyên môn của chủ trang trại, công nhân). Hỗ trợ áp dụng hệ thống theo dõi, đánh giá tình hình chăn nuôi trang trại làm căn cứ cấp chứng nhận lưu thông lợn và truy xuất nguồn gốc. Cần có quy hoạch cụ thể khu chăn nuôi tập trung liên kết và xây dựng các vùng an toàn dịch, tổ chức chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến và kết nối thị trường theo các chuỗi liên kết khép kín...

ANH QUANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44374002-tim-giai-phap-thuc-day-phat-trien-chan-nuoi-lon.html