Tìm hiểu nền tảng của văn học qua 'Lược khảo văn học'

Đó là bộ 'Lược khảo văn học' (3 tập) của GS Nguyễn Văn Trung, được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh mới tái bản.

“Lược khảo văn học” ban đầu như tác giả giới thiệu, được biên soạn chủ đích nhằm gửi tới những sinh viên bước vào ngưỡng cửa Đại học Văn khoa Sài Gòn là học trò của ông.

Tác giả đặt ra một vài vấn đề và thử đưa ra một vài hướng phân tích những vấn đề đã nêu. Tác giả mong muốn bạn đọc đón nhận tác phẩm với tinh thần đối thoại dù cuốn sách được trình bày có tính cách giáo khoa.

Tập I: Những vấn đề tổng quát

Tập I: Những vấn đề tổng quát: Chương I - Văn chương - Văn học; Chương II - Viết là gì?; Chương III - Viết cái gì?; Chương IV - Tại sao viết?; Chương V - Viết thế nào?; Chương VI - Viết cho ai?

Tập II: Ngôn ngữ Văn chương và Kịch.

Tập II: Ngôn ngữ Văn chương và Kịch. Trong Ngôn ngữ Văn chương, tác giả phân tích Thơ và thiểu thuyết. Trong đó, nhìn lại văn chương cổ của Tàu và văn chương cổ của ta; phân biệt văn vần và văn xuôi trong văn chương Pháp. Còn đối với Kịch, tác giả phân biệt nhạc kịch, tuồng chèo, kịch nói; đồng thời mô tả những yếu tố cấu tạo tác phẩm kịch.

Tập III: Nghiên cứu và Phê bình Văn học.

Tập III: Nghiên cứu và Phê bình Văn học. Tự nhận mình không phải là nhà phê bình văn học, cũng không phải là nhà nghiên cứu văn học “vì không đủ khả năng”, nhưng tác giả muốn tìm hiểu nền tảng của văn học, của công trình nghiên cứu và phê bình văn học. Nguyễn Văn Trung chỉ rõ thực trạng nghiên cứu văn học và nêu ra giải pháp. Ông trình bày những nghi án văn chương chưa được giải quyết, những khó khăn về văn liệu khi phê bình văn học.

Trong phê bình văn học, tác giả điểm lại những quan niệm phê bình cũ, những quan điểm phê bình mới, mối quan hệ qua lại giữa ngôn ngữ văn chương và phê bình văn học để rồi kết luận: “Phê bình là một sáng tạo”.

“Lược khảo văn học” ra đời từ thập niên 1960 tại Sài Gòn, là tác phẩm gối đầu giường của nhiều thế hệ sinh viên Văn khoa. Lần tái bản này, bộ sách là “cảo thơm” trở lại với bạn đọc hôm nay.

GS Nguyễn Văn Trung tại Canađa (2019).

GS Nguyễn Văn Trung sinh năm 1930 tại Hà Nam. Ông từng du học ngành Triết học tại Pháp và Bỉ từ năm 1950 đến năm 1955 rồi lấy bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Louvain (Bỉ) năm 1961. GS Nguyễn Văn Trung đã tham gia giảng dạy Triết học tại Viện Đại học Huế (1957 - 1961), dạy Triết học và Văn chương tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1961 - 1975). Trong thời gian giảng dạy Đại học, ông còn tham gia các hoạt động xã hội, viết sách và viết báo: Chủ trương cho ra đời tạp chí Đại học (Huế), Hành trình, Đất nước; viết bài trên tạp chí Sáng tạo, tạp chí Bách khoa; lập tủ sách “Đạo và đời”…

Sau năm 1975, khi thống nhất đất nước, ông tiếp tục nghiên cứu văn hóa và văn học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1994, GS Nguyễn Văn Trung sang định cư tại Canada và sinh sống tại đó đến nay.

KHẢI MÔNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tim-hieu-nen-tang-cua-van-hoc-qua-luoc-khao-van-hoc-post249768.html