Tìm hiểu những nền văn minh từ hệ thống chữ viết

Chúng tôi vinh dự là một trong những vị khách đầu tiên tới thăm Bảo tàng quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới tại Incheon (Hàn Quốc) trước khi bảo tàng chính thức mở cửa cho công chúng vào ngày 23/6 này. Bảo tàng nhằm vinh danh một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người là hệ thống chữ viết. Chữ viết đã giúp truyền đạt kiến thức, kết nối con người và góp phần tạo ra nền văn minh nhân loại.

Phiến đá chứa bản khắc chữ hình nêm của người Akkad về câu chuyện lũ lụt ở Tây Á.

Với diện tích khoảng 16.500m2 nằm bên Công viên trung tâm Songdo của Incheon, Bảo tàng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các vật liệu cũ và phương tiện truyền thông mới để phản ánh lịch sử viết lách trong chính cấu trúc đó. Chị Yang Mi Jin, hướng dẫn viên du lịch nhấn mạnh mục đích của thiết kế tạo ra một không gian đan xen liên kết con người với con người, giống như chữ viết đã kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Bảo tàng được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân về sự đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới.

Các kiến trúc sư và kỹ sư của công ty SAMOO đã thiết kế kiến trúc bên ngoài của bảo tàng mô phỏng hình những tờ giấy trắng uốn cong mềm mại. Thiết kế này được lựa chọn từ 126 bản thiết kế trong một cuộc thi quốc tế vào năm 2017. Được thiết kế như một không gian mở theo chiều ngang với những đường cong mềm mại, các bức tường kết nối hoàn hảo với môi trường chung quanh Công viên trung tâm Songdo.

Toàn cảnh Bảo tàng (Ảnh sưu tầm).

Với chủ đề “Hành trình vĩ đại của chữ viết và nền văn minh”, Bảo tàng chia làm 3 phần: Phát minh vĩ đại cho Con đường viết lách (Phần 1), Chữ viết tạo nên văn hóa (Phần 2) và Tương lai của chữ viết trong Phần kết. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày các di tích chữ nổi, triển lãm ngoài trời.

Bảo tàng được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân về sự đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

Thiết kế bên trong bảo tàng cũng mô phỏng những đường cong mềm mại.

Các triển lãm trong Bảo tàng cho thấy hành trình vĩ đại của hệ thống chữ viết thế giới và nền văn minh nhân loại thông qua công nghệ kỹ thuật số mới nhất, được biểu đạt bằng 9 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Bảo tàng có những bộ sưu tập giá trị, như cuốn Lịch sử tự nhiên ra đời năm 1476. Đây là bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của phương Tây bao quát toàn diện mọi kiến thức thời bấy giờ, bao gồm thiên văn học, toán học, địa lý, động vật học, nhân chủng học…

Bảo tàng giới thiệu bằng 9 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.

Bộ luật Hammurabi là tấm bia đá được khắc những công lao trong sự nghiệp của vua Hammurabi và các điều luật lên mặt trước và sau bằng chữ hình nêm Akkad. Bộ luật Hammurabi là bộ luật bằng văn bản toàn diện nhất tổng hợp các điều luật ở Tây Á thời cổ đại.

Bộ luật Hammurabi.

Chữ viết của người Maya là một loại chữ viết mang đậm tính tôn giáo được sử dụng ở Trung Mỹ từ khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, tới khoảng thế kỷ 16 thì biến mất cùng với nền văn minh. Các nhà khoa học đang nỗ lực giải mã chữ viết Maya để lần theo dấu vết của một nền văn minh rực rỡ.

Chữ viết của người Maya.

Dự đoán chữ viết của tương lai.

Bảo tàng còn có một khu vực trưng bày và vui chơi dành riêng cho trẻ em, mang đến cho các em trải nghiệm thú vị, vui vẻ về các hệ thống chữ viết khác nhau.

Hoạt động trong khu vực dành cho trẻ em.

Khu vực trưng bày dành cho trẻ em.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tim-hieu-nhung-nen-van-minh-tu-he-thong-chu-viet-post750892.html