Tìm hiểu về đại lễ Vu Lan: Ngày những đứa con báo đáp công ơn của đấng sinh thành

Rằm tháng 7, đại lễ Vu Lan, đã quá quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt. Thế nhưng, từ đâu mà có đại lễ Vu Lan? Từ đâu lại có tục lệ cài hoa lên áo và thả đèn hoa đăng ?

Ngày lễ Vu Lan hiện này gần như trở thành "ngày lễ báo hiếu" chung cho toàn dân, thế nhưng, khởi đầu của nó lại là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo Đại thừa Bắc Tông. Trùng với tết Trung Nguyên của người Hán và ngày xá tội vong nhân theo quan niệm người Việt, thế nhưng những hoạt động của lễ Vu Lan chưa từng bị các hoạt động khác ảnh hưởng.

Vu Lan bắt nguồn từ sự tích báo hiếu của Đại Đức Mục Kiền Liên. Với lòng đức độ và hiếu thuận của mình, đệ tử của Phật Thích Ca đã thành công cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. Theo tích xưa, sau khi Mục Kiền Liên tu luyện được phép thần thông, ông tưởng nhớ người mẹ đã khuất và dùng phép thuật để tìm mẹ khắp trời đất.

Bà Thanh Đề, sinh mẫu của Đại Đức Mục Kiền Liên sinh thời làm nhiều chuyện ác nên bị đày làm quỷ đói. Ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Tranh phỏng theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ.

Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời. Những ngày tháng Bảy âm lịch, nhà lại nhà, trên khắp nước Việt mình đều thành kính bước vào mùa Vu Lan, mùa báo hiếu.

Bông hồng cài áo vào lễ Vu Lan có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Chính vì sự tích ấy, cứ đến 15/7 âm lịch, những người con sẽ lên chùa làm lễ, cầu nguyện cho cha mẹ bình an. Điểm đặc biệt của lễ Vu Lan là trên ngực trái mỗi người đến làm lễ đều cài một bông hoa màu hồng hoặc màu trắng.

Trên thực tế, dùng hoa hồng để cài lên áo ngày lễ Vu Lan không phải một tập tục có từ ngàn xưa. Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, giám đốc trung tâm nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nghi thức nghi thức này có từ khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết bài "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962, sau một chuyến thăm Nhật Bản và hiểu được ý nghĩa của bông hồng mà họ kính cẩn tặng ông. Từ ấy, ai còn cha mẹ thì cài hoa hồng, ai cha mẹ đã mất thì cài hoa trắng. Bông hồng là biểu hiện của tình yêu cao quý nhất, còn gì cao quý hơn tình yêu, chữ hiếu con cái gửi đến cha mẹ.

Thả hoa đăng trên sông cũng là một nghi thức thường niên của đại lễ Vu Lan.

Khác với nghi thức có "tuổi đời trẻ" cài hoa hồng lên ngực trái, thả đèn hoa đăng là một nghi thức truyền thống có cội nguồn từ Phật Giáo. Hoa đăng trôi theo dòng nước, mang đi những ước nguyện, những lời cầu bình an và lòng thành kính của những người còn ở lại gửi đến những người đã khuất. Hoa đăng được thắp sáng còn mang mục đích tôn vinh giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của Việt Nam vào mùa Vu Lan báo hiếu này.

Dung

Nguồn Thế Giới Trẻ: https://thegioitre.vn/tim-hieu-ve-dai-le-vu-lan-ngay-nhung-dua-con-bao-dap-cong-on-cua-dang-sinh-thanh-79690.html