Tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu Việt Nam

Làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng cho xuất khẩu Việt Nam, hướng đi nào cho một nền xuất khẩu nhanh và bền vững... là những băn khoăn, trăn trở được người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các nhà quản lý... đặt ra tại hai sự kiện lớn về tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), 2017 là năm đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước ước đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Năm 2017, có thêm bốn mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.

“Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản là tốt, đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp”, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú cho biết.

Bức tranh còn nhiều mảng tối

Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế như tỷ trọng của nhóm hàng điện tử vẫn rất lớn (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu); xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu; nhiều nhóm hàng chỉ phụ thuộc vào một, hai thị trường nên chịu nhiều rủi ro lớn khi thị trường biến động…

Những tồn tại, bất cập của hoạt động xuất khẩu đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu ngày 23/4. Thủ tướng chỉ rõ, những bất cập này, nếu không được tháo gỡ, sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, bởi vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện rất lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tới 190% GDP nên động tĩnh về xuất nhập khẩu đều ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng cho xuất khẩu Việt Nam, hướng đi nào cho một nền xuất khẩu nhanh và bền vững?

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hàng hóa xuất khẩu phải được đi thẳng, chi phí vận chuyển giảm được ít nhất 10 USD/tấn. Hiện nay, Cần Thơ đang tắc về logistics. Chính phủ cho biết đã quy hoạch cảng của tỉnh, nhưng hơn 1 năm qua vẫn chưa triển khai được. Nên xây dựng trung tâm logistics của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long chứ không phải chỉ riêng Cần Thơ.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (VINASAMEX): Trong quá trình tiếp cận khách hàng ở nhiều nước khác nhau, tham gia nhiều thị trường quốc tế, chúng tôi hiểu ra rằng nếu tiếp tục xuất khẩu những sản phẩm ở phân khúc thấp và phải phụ thuộc vào một, hai thị trường thì rất khó cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, chúng tôi đã thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung vào các thị trường cao cấp như Mỹ hay EU. Để đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi từ những thị trường khó tính, chúng tôi đã xây dựng lại chuỗi giá trị với người nông dân và xin chứng nhận hữu cơ quốc tế được nhiều nước công nhận. Đây chính là giấy thông hành để sản phẩm của chúng tôi có mặt tại các thị trường ở phân khúc cao hơn.

Ông Đoàn Anh Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Thế hệ mới (thương hiệu trà Cozy): Với thương hiệu trà Cozy, xây dựng thương hiệu không chỉ đơn thuần là tăng cường chất lượng sản phẩm mà nên tính đến việc quảng bá gắn với văn hóa Việt. Khi nói đến Việt Nam, người tiêu dùng nước ngoài thường nghĩ ngay đến phở, đến nem nhưng chưa biết rằng Việt Nam cũng có những sản phẩm trà rất nổi tiếng. Cần phải thay đổi cách nhìn khi tiếp cận thị trường thế giới. Bên cạnh kênh xúc tiến thương mại đưa sản phẩm qua các chuỗi phân phối lớn, các doanh nghiệp cần hướng đến đưa văn hóa tiêu dùng Việt Nam đến với người tiêu dùng các nước. Đây là cách tiếp cận thị trường xuất khẩu khá vững bền và hiệu quả.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, những khó khăn trong thương mại toàn cầu năm nay và những năm tiếp theo luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có nguy cơ của một cuộc chiến thương mại.

“Xu hướng bảo hộ gia tăng, nhất là những tháng đầu năm 2018, cần nắm bắt vấn đề này để đa dạng hóa trong xuất khẩu. Các nước nâng các tiêu chuẩn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn”, Thủ tướng nói.

Mặt khác theo Thủ tướng, tính cạnh tranh hàng xuất khẩu ngày càng gay gắt. Trong khi, một bộ phận người dân, doanh nghiệp sản xuất chưa gắn với thị trường. Chất lượng chưa đồng đều. Một số sản phẩm trước tốt, sau xấu, thậm chí có sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam.

“Cần lên án mạnh mẽ những cơ sở sản xuất, người dân làm bừa, làm ẩu, vì lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến uy tín lâu dài của Việt Nam?”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu nhiều câu hỏi lớn với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy xuất khẩu một cách toàn diện. Đó là làm sao tăng được giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của Việt Nam; làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu? Các Bộ, ngành, địa phương có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn cho xuất khẩu? Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, cơ hội và rủi ro?Làm thế nào để tiếp tục phát triển thị trường tạo cầu cho hàng hóa?…

Nhận định về hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu, tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 diễn ra ngày 24/4, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, một thực tế đáng buồn là tốc độ gia tăng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với phần giá trị gia tăng mang về, chưa kể trong phần giá trị gia tăng đó, phần lớn lại đang chảy về túi của các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Thành, xuất khẩu của Việt Nam, bên cạnh việc chú trọng giá trị gia tăng trong xuất khẩu, cần lưu tâm đến giá trị thương hiệu bởi giá trị thương hiệu sẽ góp phần gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

“Điều quan trọng là chúng ta cần phải gắn giá trị gia tăng với giá trị thương hiệu. Ngoài thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng cần phải có cái nhìn toàn cầu”, ông Thành khuyến nghị.

Tập trung vào các nhóm hàng chủ lực

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước. Bên cạnh đó dự báo tăng trưởng của các đối tác chính của Việt Nam tốt hơn sẽ tác động tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Do đó, công tác xúc tiến xuất khẩu cần tập trung vào các mặt hàng công nghiệp chủ lực, cùng định hướng xúc tiến xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản.

Ông Hải đề xuất, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng xuất khẩu theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại.

“Cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp, xử lý nhanh nhạy, thông tin kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp những vấn đề cấp bách nảy sinh trong quá trình thực thi các cam kết. Tăng cường cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong nước”, ông Hải nói.

Đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu, ông Hải cho rằng, cần kiểm soát nguồn cung xuất khẩu nông sản, thủy sản, quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng kiểm soát, điều tiết được lượng cung từng chủng loại sản phẩm, sản xuất gắn với tín hiệu thị trường.

“Để nâng cao chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định hợp lý của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về các quy định của nước nhập khẩu, tập huấn nâng cao nhận thức cho các hộ nông dân về các mô hình thực hành sản xuất tốt (GlobalGAP, VietGAP…), cách sử dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định”, ông Hải lưu ý.

Phan Mích

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tim-huong-di-ben-vung-cho-xuat-khau-viet-nam-70216.html