Tìm hướng đi cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn có lợi thế về địa hình sông nước và những nét riêng đặc trưng của văn hóa Nam Bộ, rất thích hợp để du lịch sinh thái phát triển, thu hút khách trong nước và quốc tế. Thế nhưng, đến nay, vùng châu thổ độc đáo được kiến tạo bởi 2 nhánh của sông Mê Kông này vẫn chỉ là 'vùng trũng' trên bản đồ du lịch nước ta.

Đờn ca tài tử tại Khu du lịch Mỹ Khánh, Cần Thơ.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

ĐBSCL là vùng đồng bằng lớn thứ ba trong tổng số 34 đồng bằng châu thổ lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau đồng bằng Amazon (Nam Mỹ) và đồng bằng sông Hằng (Ấn Độ). Vùng đất này gồm những đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu, với hệ sinh thái đa dạng, tập quán sinh hoạt phong phú, có sức hút lớn đối với khách du lịch. ĐBSCL được thiên nhiên ưu ái với khí hậu ôn hòa, có thể kinh doanh du lịch suốt 12 tháng trong năm. Ở Việt Nam, ít có nơi nào có điều kiện tốt để liên kết phát triển du lịch biển, đảo, sông nước như ở ĐBSCL.

Nơi đây, mùa nước nổi luôn tạo ra những bản sắc độc đáo của vùng sông nước Nam Bộ. Những sản phẩm du lịch đặc thù như lễ hội, chợ nổi, chèo ghe trên sông rạch, thăm vườn trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực thời khẩn hoang... góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho miền đồng bằng châu thổ này. ĐBSCL có nhiều tiềm năng để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: Tắm biển, nghỉ dưỡng ở Ba Động (Trà Vinh), Hà Tiên - Phú Quốc (Kiên Giang), khám phá núi, hang động ở Hà Tiên và An Giang, học hỏi kinh nghiệm các nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của người Nam Bộ... Tuy nhiên, mỗi năm, vùng đất giàu tài nguyên này mới chỉ thu hút chưa tới chục triệu lượt khách du lịch (cả nội địa và quốc tế), thu nhập du lịch chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn ở mức 2,75% cả nước.

Một trong những nguyên nhân khiến thực trạng du lịch nghèo nàn, ế ẩm và thưa thớt suốt một thời gian dài ở ĐBSCL, chính là việc khai thác du lịch còn đơn điệu, tẻ nhạt, dẫn đến hiện tượng trùng lặp tại nhiều vùng, chưa đầu tư, sáng tạo để tạo nên những sản phẩm du lịch mới.

Tôi đã có dịp tham gia một tour du lịch sinh thái tại Vĩnh Long với cái tên rất kêu: "Về cùng văn minh sông nước miệt vườn". Mất 4-5 giờ đồng hồ lênh đênh trên sông nước, tôi mới ngán ngẩm nhận ra rằng, sông nước miệt vườn ở Vĩnh Long chẳng khác gì Tiền Giang hoặc Bến Tre, với mô típ quen thuộc: Xuống đò qua cù lao An Bình, đi xuồng vào các kênh rạch nhỏ, tham quan vườn trái cây, lò kẹo dừa, lò bánh tráng, đi chợ nổi, ăn trái cây và... nghe đờn ca tài tử. Tại Cần Thơ, du lịch sinh thái lại tiếp tục là một chuỗi dài đơn điệu, trùng lặp đến “phát ớn”: Xuống đò đi loanh quanh trên sông Hậu, thăm thú những vườn trái cây trên các cù lao, đi xem chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy, nghe đờn ca tài tử trên sông. TS Trần Văn Ngợi, Giám đốc Ban Điều hành Dự án phát triển du lịch Mê Kông cho rằng, các mô hình du lịch sinh thái (DLST) trong vùng còn giống nhau, gây nhàm chán cho du khách chính là do các địa phương còn lúng túng, chưa tìm ra bản sắc riêng cho mình, cũng như xác lập để đầu tư cho sản phẩm đặc trưng.

Cú huých liên kết vùng du lịch

Tháng 3-2010, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phê duyệt "Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020". Đề án nêu rõ, nhu cầu đầu tư cho du lịch giai đoạn từ nay đến 2015 là 959,6 triệu USD; giai đoạn 2016-2020 là 963,7 triệu, USD. Mục tiêu đề ra là đến năm 2015 ngành Du lịch của vùng sẽ thu hút 7,7 triệu khách, trong đó có 2,7 triệu khách quốc tế; đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 10,4 triệu, trong đó có 3,9 triệu lượt khách quốc tế. Du lịch sẽ giải quyết việc làm cho 236.600 lao động, trong đó có 82.700 lao động trực tiếp.

Tua du lịch về với vùng sông nước Nam Bộ luôn hấp dẫn du khách.

Để thực hiện được mục tiêu này, vùng ĐBSCL cần xác định rõ hướng phát triển, xây dựng những yếu tố cần thiết phù hợp với điều kiện của vùng trong định hướng phát triển du lịch tương lai, tránh tình trạng đầu tư chỗ thừa, chỗ thiếu. Theo phê duyệt này, phân vùng lãnh thổ du lịch ĐBSCL được chia thành 4 cụm du lịch: Cụm trung tâm gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang phát triển du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, với các sản phẩm du lịch là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, DLST tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Cụm duyên hải phía Đông gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh gắn với sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười gồm 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp phát triển DLST tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.

Để khai thác hết lợi thế, tiềm năng của ĐBSCL, trước nhất vẫn là yếu tố con người và sự liên kết vùng du lịch nhằm tạo thêm sức mạnh. Thạc sĩ Ngô Thị Xuân Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Du lịch Sài Gòn cho biết: "Nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch ĐBSCL dự kiến đến năm 2020 cần khoảng 207.900 người. Con số này hiện nay chỉ khoảng 18.000 người. Thực trạng nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL còn thiếu và yếu chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếng Anh, kiến thức du lịch... nên yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là mỗi địa phương cần hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo, nghiên cứu về du lịch, xây dựng lại đội ngũ giáo viên có trình độ cao".

Lê Thu Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tim-huong-di-cho-du-lich-dong-bang-song-cuu-long/