Tìm hướng phát triển bền vững cho ngành điện

Tốc độ tiêu thụ điện năng tại Việt Nam ngày càng tăng cao, điều này đặt ra áp lực rất lớn cho ngành điện trong tìm nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Ông Franz Gerner, Điều phối viên nhóm Chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam có chia sẻ với báo chí xung quanh câu chuyện phát triển của ngành điện Việt Nam.

Ông Franz Gerner.

Phóng viên (PV): Theo ông, đâu là những điểm phát triển nổi bật của ngành điện Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Franz Gerner: Việt Nam là một trong những nước có thị trường năng lượng phát triển thành công nhất trên thế giới. Tiếp cận điện năng đã tăng từ mức 50% vào năm 1996 lên 99,6% vào năm 2018. Lĩnh vực năng lượng đã giảm được tổn thất trong khâu truyền tải và phân phối cũng như tổn thất thương mại với tỷ lệ thu hồi là 99,8%, với sự tham gia đáng kể của khu vực tư nhân vào khâu phát điện.

Việt Nam đang tiếp tục trên con đường phát triển; mỗi năm, lĩnh vực năng lượng cần nguồn vốn lên đến 8 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng. Ngoài ra, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện trong tương lai lại có tác động lớn đến môi trường, xã hội và kinh tế. Do đó, WB đang giúp Chính phủ Việt Nam tăng cường tiếp cận điện thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và các nguồn tài chính khác, cũng như thay đổi thói quen dùng nhiệt điện sang những nguồn năng lượng khác, như: Khí thiên nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, tháng 6-2018, WB đã hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)-doanh nghiệp nhà nước đầu tiên ở Việt Nam nhận được xác nhận của Fitch Ratings-tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới, xếp hạng là nhà phát hành nợ mức BB, tương đương với viễn cảnh ổn định về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ. Đây là cơ hội đưa doanh nghiệp đến gần hơn với việc phát hành trái phiếu bằng USD và củng cố khả năng tiếp cận tài chính của mình. Với sự hỗ trợ của WB, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT)-đơn vị thuộc EVN cũng đã nhận được xếp hạng tín dụng của Fitch Ratings vào tháng 4-2019.

Giờ đây, EVN và EVNNPT đã có vị trí tốt hơn, bảo đảm cho sự ổn định tài chính trong dài hạn và thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo đảm truyền tải điện an toàn, ổn định, không bị gián đoạn để phục vụ nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu đầu tư kinh doanh hằng năm. Hiện tại, các công ty con khác của EVN, bao gồm 5 công ty phân phối điện, cũng được WB hỗ trợ kế hoạch xếp hạng tín dụng tương tự.

Công nhân bảo dưỡng lưới điện. Ảnh: VIỆT HẠNH

PV: Tính minh bạch trong hoạt động của EVN đang nhận được nhiều sự quan tâm, WB đánh giá như thế nào về mức độ minh bạch thông tin về tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN?

Ông Franz Gerner: Hằng năm, EVN đã cung cấp cho WB và các đối tác báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế thuộc tốp 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới trước ngày 30-6 hằng năm. Chất lượng báo cáo này được WB chấp nhận. EVN cũng được các tổ chức xếp hạng tín dụng đánh giá về khả năng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và những kết quả này đều được công bố. Bên cạnh đó, WB đang hợp tác với Bộ Tài chính để các doanh nghiệp nhà nước lớn (chẳng hạn như EVN) sử dụng báo cáo tài chính quốc tế nhằm cải thiện thêm tính minh bạch của các thông tin tài chính.

PV: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Việt Nam đã được triển khai. Theo kế hoạch, năm 2021, Việt Nam sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Theo ông, lộ trình này sẽ tác động như thế nào tới thị trường điện?

Ông Franz Gerner: Theo kế hoạch, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2021, nơi những khách hàng lớn có thể ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị phát điện của Nhà nước và tư nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ. Sau đó, Chính phủ có kế hoạch giới thiệu thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nơi tất cả nguồn phát điện và các công ty phân phối sẽ cạnh tranh để cung cấp cho các khách hàng công nghiệp, thương mại và hộ gia đình.

Mặc dù việc mở rộng cạnh tranh cho tất cả nhóm khách hàng có thể có lợi, nhưng thời điểm đưa ra thị trường bán lẻ cạnh tranh là rất quan trọng. WB khuyến nghị Chính phủ nên xem xét kinh nghiệm quốc tế về chi phí và lợi ích của việc vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh cũng như thời điểm vận hành nó.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HÀ TRUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tim-huong-phat-trien-ben-vung-cho-nganh-dien-576687