Tìm hướng phát triển cho làng tranh Kim Hoàng

Trước thềm Hội nghị sơ kết sau 3 năm thực hiện Công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL; Đặng Thị Bích Liên vừa có buổi làm việc tại làng tranh Kim Hoàng nhằm khảo sát công tác quản lý làng nghề cũng như ứng dụng thực tiễn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên khảo sát tại làng tranh Kim Hoàng.

Bảo vệ linh vật Việt

Theo đó, Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ VHTT&DL sau khi ban hành đã nhận được sự đồng thuận của xã hội, góp phần làm thay đổi nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân trong việc sử dụng các sản phẩm, biểu tượng, linh vật khi trưng bày, cung tiến cũng như nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ và luật pháp liên quan đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Chuẩn bị cho công tác sơ kết 3 năm, Đoàn công tác của Bộ VHTT&DL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát và làm việc với UBND xã Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội) về việc phục hồi, sản xuất tranh dân gian Kim Hoàng và hiệu quả quản lý, phát huy di tích tại địa phương.

Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: “Sơ kết lần này là để đánh giá sau 3 năm thực hiện, liệu chủ trương đưa ra có đi vào cuộc sống, có ảnh hưởng, tác động như thế nào hay còn có vướng mắc khó khăn gì không? Văn hóa là bản chất cốt lõi của các dân tộc, các hình thái kinh tế có thể mất đi nhưng văn hóa sẽ còn tồn tại bền lâu nhất. Muốn phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay thì nhất định phải bảo tồn và phát triển văn hóa. Công văn 2662, nhắc nhở chúng ta phải nhìn lại sau nhiều năm chúng ta hội nhập với quốc tế điều gì được và chưa được. Đồng thời đưa ra một thông điệp với xã hội và công chúng, đã đến lúc chúng ta phải quay lại giữ gìn bản sắc văn hóa thuần Việt của người Việt. Hòa nhập nhưng không hòa tan, chúng ta chấp nhận văn hóa thế giới nhưng vẫn phải giữ cốt cách văn hóa Việt”.

Trong quá trình khảo sát, Thứ trưởng vui mừng khi thấy trên địa bàn huyện Hoài Đức đã không còn bóng dáng của các linh vật ngoại lai, đặc biệt là những nơi thờ tự như chùa, đình đã thờ tự những linh vật của Việt Nam. Đến với cơ sở sản xuất tranh Kim Hoàng, sản phẩm của làng tranh hầu hết là các linh vật quen thuộc như nghê, lợn, gà,… bước đầu thể hiện sự nhận thức cũng như nhu cầu của cộng đồng đã có sự thay đổi.

Linh vật Việt trong tranh Kim Hoàng

Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) được hình thành vào nửa sau thế kỷ 18, và là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 1915 nạn lụt lớn đã cuốn trôi rất nhiều ván in, tiếp theo là mất mùa, đói kém, dòng tranh này suy thoái đến năm 1945 thì mất hẳn. Hiện chỉ còn vài tranh như “Đức Lưu Quang”, “Phúc Mãn Đường”, “Gà”, “Lợn” (2 tranh này sau còn ván in lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Một số tranh khác in trong tài liệu xuất bản của người Pháp. Cho đến năm 2015, nhà sưu tầm Nguyễn Thu Hòa- giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, bắt đầu triển khai dự án Khôi phục làng nghề Kim Hoàng. Tết Đinh Dậu 2017, tranh Kim Hoàng đã xuất hiện trở lại và được công chúng đón nhận, các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Tết Mậu Tuất sắp tới, bà Thu Hòa tiếp tục nghiên cứu, tạo ra mẫu tranh Nghê - linh vật Việt nhằm quảng bá biểu tượng linh vật hưởng ứng công văn 2662 của Bộ VHTT&DL. Cũng theo bà Hòa, để tránh bị nhầm lẫn với các linh vật ngoại lai cũng như giữ gìn các giá trị văn hóa Việt, nghệ nhân của làng tranh Kim Hoàng đã về tận đền vua Đinh, vua Lê và lấy nguyên mẫu hình tượng Nghê làm tranh Tết năm nay.

Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc tươi tắn. Ngoài ra tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt là những câu thơ Hán tự được viết theo lỗi chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ cho tranh. Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu.

Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng in ra từ một bản khắc.

Việc phục hồi làng tranh Kim Hoàng là biểu hiện rõ sự chung tay, hưởng ứng của cộng đồng thực hiện tinh thần của Công văn số 2662 mà Bộ VHTT&DL ban hành ngày 8/8/2014.

Trần Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tim-huong-phat-trien-cho-lang-tranh-kim-hoang-tintuc389049