Tìm kiếm khoa học từ thi thể nạn nhân trong thảm họa bom nguyên tử Hiroshima

Đã nhiều năm qua đi, nhưng vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima đến nay vẫn còn là điều nhức nhối. Từ những phần thi thể của các nạn nhân trong vụ nổ bom đó, các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm về căn nguyên gây tử vong cũng như các bệnh tật do bức xạ gây ra…

Phẫu thuật pháp y

tìm căn nguyên cái chết của

nạn nhân bom nguyên tử

Ngày 6.8.1945, khi vụ nổ bom hạt nhân thứ hai (vụ nổ đầu tiên là thử nghiệm Trinity ở New Mexico vào ngày 16.7.1945) trong lịch sử đã diễn ra chỉ cách nơi nữ diễn viên sân khấu Midori Naka ở không đầy 1 dặm. Cô không bị tử vong ngay, nhưng sóng xung kích đã phá hủy tòa nhà nơi cô đang ở. Bò ra từ đống đổ nát, Naka tìm cách đi khỏi Hiroshima ngay buổi sáng của ngày 10.8. 1945 trên chuyến tàu hỏa đầu tiên đến Tokyo. Ngày 16.8, Naka nhập viện Đại học Tokyo và tình trạng sức khỏe diễn tiến xấu đi. Cô bắt đầu rụng tóc, các vết lở loét bắt đầu xuất hiện khắp cơ thể. Lượng bạch cầu giảm mạnh dù được truyền máu nhiều đợt. Naka ra đi ngày 24.8.1945. Naka là người đầu tiên trên thế giới bị chết bởi căn nguyên được gọi là “ngộ độc bức xạ”. Hài cốt của Naka cũng như các nạn nhân khác được giữ lại để tìm hiểu về các căn nguyên tử vong liên quan đến bức xạ…

2 cái lọ chứa các cơ quan nội tạng của nghệ sĩ Midori Naka. Ảnh nguồn: The Special Exhibit

2 cái lọ chứa các cơ quan nội tạng của nghệ sĩ Midori Naka. Ảnh nguồn: The Special Exhibit

Một ngày sau khi nghệ sĩ Midori Naka nhập viện, BS.Koyishi Yamashina thuộc Cục y tế của quân đội Thiên hoàng Nhật Bản cũng từ Hiroshima đến Tokyo. Ông được phái đến Hiroshima chỉ 2 ngày sau vụ nổ, như là một phần của nhóm khảo sát gồm 9 thành viên.

Là một trong những chuyên gia y tế đầu tiên bắt tay vào thảm họa, BS.Koyishi Yamashina đã thực hiện ca phẫu thuật pháp y đầu tiên trên cơ thể nạn nhân bom nguyên tử vào ngày 10.8, đó là một cậu bé đã thiệt mạng khi bom phát nổ. Tiếp đó BS.Yamashina chủ yếu làm việc trên đảo Ninoshima ở gần đó, nơi nhiều người sống sót được chuyển đến và quay lại Tokyo vào ngày 17.8 sau khi đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật pháp y sau vụ nổ.

BS.Yamashina cùng đồng nghiệp đã phẫu thuật một số nạn nhân đầu tiên, lấy các bộ phận nội tạng của nạn nhân: Lá lách, tim, thận... để tiến hành hàng loạt ca giải phẫu pháp y khi số lượng nạn nhân không ngừng tăng. Thực hiện công việc này, nhóm của BS.Yamashina lấy các mô tế bào và thành lập thư viện bệnh học mới bao gồm “hồ sơ ướt” (các mẫu nội tạng được bảo quản). Mục đích của các bác sĩ là cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra để có thể cứu sống những người khác.

Các phần nội tạng của nạn nhân Hiroshima tại Viện nghiên cứu y học và sinh học bức xạ thuộc Đại học Hiroshima. Ảnh nguồn: Hiroshima Peace Media

Nhưng rất nhiều lần các bác sĩ lâm vào thế kẹt trước các trường hợp lạ lẫm hoàn toàn, không có trong sách vở y khoa - một thảm họa nhân tạo làm biến dạng cơ thể người theo nhiều cách chưa từng thấy.

Tìm hiểu ngộ độc bức xạ từ kho

l

ưu trữ ướt”

Khi đội khảo sát Nhật lần đầu tiên đến Hiroshima, các nhóm y tế Mỹ cũng đã làm việc cùng các đồng nghiệp Nhật. Sau đó, các viên chức quân sự Mỹ đã tự thu thập các mẫu nội tạng của nạn nhân và đưa về Mỹ. Các phần tử thi từ ít nhất 218 ca phẫu thuật cùng với 1.400 mẫu khác đã được chuyển đến Washington, D.C., nhằm phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu. Những mẫu bệnh phẩm được lấy từ Hiroshima và Nagasaki đã tạo ra một kho lưu trữ quan trọng, còn được gọi là “lưu trữ ướt”, nhằm hiểu thêm về tác động của bức xạ.

Nhiều đánh giá khoa học về bụi và ngộ độc bức xạ đã dựa đáng kể vào “kho lưu trữ ướt”. Nhưng để những tử thi này có giá trị khoa học thì các cơ quan nội tạng phải được nguyên tử hóa và mổ xẻ, cắt thành nhiều lát thật mỏng, giữ ổn định trong sáp và formaldehyde, bảo tồn hoặc cắt xén. Ủy ban thương vong bom nguyên tử Mỹ (ABCC) đã tiếp tục thu thập mẫu suốt nhiều năm sau đó nhằm mục tiêu thành lập một bệnh xá ở Hiroshima để điều trị cho các nạn nhân bức xạ cũng như thu thập tài liệu khám nghiệm tử thi từ những người chết.

Viện bệnh học lực lượng vũ trang Mỹ (AFIP), nơi chuyên thu thập và nghiên cứu các cơ quan nội tạng nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật Bản. Ảnh nguồn: Public Domain Files.

Trong cuốn sách công bố năm 1958 mang tựa đề “Những đứa trẻ từ tàn tro”, nhà báo người Áo, Robert Jungk, đã viết: “Ở Ủy ban thương vong bom nguyên tử Mỹ (ABCC) có một nơi gọi là “phòng chẩn đoán”, chủ yếu dùng cho các xác chết vì bệnh bức xạ hoặc các bệnh nan y liên quan”. Theo thời gian, “phòng chẩn đoán” đã cung cấp cho ABCC nhiều tư liệu nghiên cứu lâm sàng. Năm 1949 một cơ sở khổng lồ có khả năng chống chịu bom nguyên tử mang tên “Viện bệnh học lực lượng vũ trang (AFIP) đi vào hoạt động.

Tất cả cơ quan nội tạng mang từ Nhật Bản sang Mỹ sẽ được chuyển đến phòng chuẩn bị trong Đơn vị nguyên tử của AFIP. Cứ mỗi bước sẽ có các con số và thẻ nhận dạng được cung cấp nhằm loại bỏ danh tính của các tử thi. Thời gian trôi đi, việc lập danh mục ngày càng trở nên lộn xộn khiến các mẫu vật dần bị mất đi ý nghĩa. Đó cũng là lý do khiến cho ông R. Keith Cannan, giám đốc điều hành của ABCC và đồng thời là chủ tịch của Bộ phận khoa học y tế thuộc Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (NAS) dần dần tin rằng “lưu trữ ướt” đang mất đi tính hữu dụng khoa học.

Chính trong bối cảnh lộn xộn mẫu vật ở ABCC mà người Mỹ bắt đầu chấp nhận yêu cầu của Nhật Bản nhằm hồi hương các phần thi thể người về lại Viện nghiên cứu y học và sinh học bức xạ thuộc Đại học Hiroshima (Nhật Bản). Người Nhật hy vọng “lưu trữ ướt” sẽ giúp cho các nhà khoa học Nhật nghiên cứu một đề tài mà họ từng muốn nhưng chưa có dịp thực hiện.

Nguyễn Thanh Hải

((Theo Smithsonianmag))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tim-kiem-khoa-hoc-tu-thi-the-cua-nhung-nan-nhan-trong-tham-hoa-bom-nguyen-tu-hiroshima-n181001.html