Tìm kiếm người nối dài 'di sản' hoa văn truyền thống Việt Nam

Tìm người hoàn thiện và dựng 'Hoa văn Việt Nam-Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến' không chỉ là nguyện vọng của gia đình tác giả mà còn là mong muốn, nhu cầu khách quan của giới khoa học.

Phó giáo sư Nguyễn Du Chi. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Thuộc thế hệ nghiên cứu mỹ thuật đầu tiên của Viện Mỹ thuật, Bộ Văn hóa, Phó giáo sư Nguyễn Du Chi (1938-2000) đã để lại nhiều tác phẩm nghiên cứu và sưu tầm về hoa văn Việt Nam có giá trị, trong đó cuốn Hoa văn Việt Nam - từ thời tiền sử đến nửa đầu thời phong kiến” từng đạt giải thưởng Nhà nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng năm 2012.

Gần 40 năm miệt mài với công việc đi tìm, in rập, lưu trữ hoa văn cổ, nhà nghiên cứu vẫn say mê tới tận những ngày cuối đời. Theo lời kể của Phó giáo sư Trần Lâm Biền, Hè năm 2000, khi đã ở giai đoạn hai của trọng bệnh, Nguyễn Du Chi cùng các đồng nghiệp hành hương về Hà Tĩnh rồi khi trở lại Hà Nội, ông lại lao vào làm việc như một lẽ thường tình. Vài tháng sau, ông qua đời, để lại nỗi tiếc thương trong lòng gia đình, bạn bè, vẫn còn đó 5 tập bản rập hoa văn từ sau thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 chưa được biên tập thành sách.

Năm 2020 đánh dấu dịp kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của ông, 17 năm công trình còn dang dở và được tái bản lần đầu tiên, vấn đề nối dài di sản hoa văn truyền thống Việt Nam một lần nữa được dấy lên với không chỉ người trong ngành nghiên cứu mà còn cả những công việc phục dựng kiến trúc cổ, xây dựng, thiết kế mới.

Di sản quý giá còn dang dở

Đột ngột đổ bệnh và qua đời năm 2000, Phó giáo sư Nguyễn Du Chi chưa kịp hoàn thiện cuốn “Hoa văn Việt Nam - Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến” mà phải nhờ tới sự hỗ trợ của nhóm biên tập gồm Thạc sỹ Nguyễn Hải Phong, các nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Đức Bình để hoàn thiện... Suốt gần 20 năm kể từ khi ông mất, cuốn sách là khối tư liệu đồ sộ và quý giá về hoa văn Việt Nam trước thế kỷ 16.

'Hoa văn Việt Nam-Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời phong kiến' cùng 5 tập bản rập chưa dựng thành sách. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Nhận xét về cuốn sách, nhà nghiên cứu, Thạc sỹ Nguyễn Hải Phong, nguyên trưởng ban Mỹ thuật cổ, Viện Mỹ thuật (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho biết công trình của tác giả đã giúp phản ánh cuộc sống sinh hoạt đơn sơ qua những hoa văn do người nguyên thủy trên đất Việt Nam bấy giờ sáng tạo. “Nhìn chung hình mẫu hoa văn thời này ít tính biểu cảm do sự phân hóa xã hội còn sơ khai, quan hệ xã hội nguyên thủy chưa phức tạp.”

Ông cũng cho biết thêm, lối giải thích của PGS. Nguyễn Du Chi trong cuốn sách này đều rất đơn giản, dễ hiểu và chủ yếu là mang tính thống kê. “Dù không có nhiều nhận xét về chuyên môn, tính thẩm mỹ của các loại hoa văn, tuy nhiên, cuốn sách có giá trị cao về tính lưu trữ tư liệu, là cơ sở để tìm hiểu và suy luận về những hình thái hoa văn mà chúng ta có ngày nay.”

Sự phát triển về hình thái, tính phức tạp của hoa văn qua các thời kỳ chính là sự chuyển biến, phát triển trong tư duy và đời sống của con người, đó là một trong nhiều giá trị mà cuốn sách để lại cho giới nghiên cứu sau này, ông Phong nhận xét.

Tác phẩm của ông để lại nhiều ảnh hưởng cho giới nghiên cứu trẻ, vốn ít ỏi nhưng nhiệt huyết.

Hai nhà nghiên cứu trong dự án phục dựng kiến trúc cổ: Tiến sỹ Trần Trọng Dương (trái) trong dự án phục dựng chùa Diên Hựu và Đào Xuân Ngọc (phải) trong dự án phục dựng chùa Dạm, Bắc Ninh. (Ảnh: NVCC)

Trong 8 năm nghiên cứu và phục dựng kiến trúc chùa Dạm, Bắc Ninh (thời nhà Lý, thế kỷ 11-12), nhà nghiên cứu, khảo cổ trẻ Đào Xuân Ngọc thường xuyên phải dùng cuốn sách để đối chiếu và tham khảo trước khi công bố kết quả cuối cùng. “Bên cạnh đó, cuốn sách xác lập nền tảng nhận thức, nuôi dưỡng các thế hệ sinh viên trường Mỹ thuật Việt Nam nói chung, khoa Lý luận-Lịch sử mỹ thuật trong suốt giai đoạn học tập và nghiên cứu,” anh nhận xét.

Theo Tiến sỹ Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm), trưởng nhóm nghiên cứu, phục dựng kiến trúc chùa Diên Hựu (hay được biết đến là chùa Một Cột ngày nay) cho biết: Cái khó của các nhà nghiên cứu Việt Nam bấy giờ là không có phương pháp nghiên cứu bài bản như cách người Pháp làm ở Viện Viễn Đông Bác Cổ thời đó. Đa số phương pháp đều là do họ tự mình mày mò, suy ra từ các ngành khác như khảo cổ, sử học... Do đó quá trình nghiên cứu khi ấy rất khó khăn.

Rất cần sự tiếp sức

Tìm người hoàn thiện và dựng thành sách 5 tập tư liệu bản rập từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 không chỉ là nguyện vọng của gia đình mà còn là mong muốn và nhu cầu khách quan của giới khoa học.

Ngành nghiên cứu, lý luận mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật truyền thống vốn khó và kén người học vì nó yêu cầu kiến thức vừa sâu và rộng trong cả lĩnh vực lịch sử, văn học và nhiều ngành khoa học xã hội khác, các chuyên gia trong ngành cho biết.

Thạc sỹ Nguyễn Hải Phong, nguyên trưởng ban Mỹ thuật cổ, Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam cầm trên tay cuốn sách sau khi tái bản lần đầu tiên. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Chính vì vậy, thực trạng thiếu đầu sách và nhân lực nghiên cứu về mỹ thuật cổ là tương đối trầm trọng, trong khi nhu cầu có nội dung nghiên cứu chuyên sâu ngày càng tăng. Đây là lý do cấp thiết đầu tiên khi nói về mức độ cần thiết trong việc hoàn thiện, nối dài di sản “Hoa văn Việt Nam” của nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi, Thạc sỹ Nguyễn Hải Phong cho biết.

Thứ hai là cần gấp rút bổ sung nội dung cho phần kiến giải về các loại hoa văn vì trong tác phẩm của PGS. Nguyễn Du Chi, ông mới dừng lại ở sự gọi tên chứ chưa nêu bật được tính ẩn dụ, ý nghĩa của các hình mẫu trang trí này. “Dù có chung hình mẫu, nhưng do có khác biệt về vị trí, chức năng, tạo hình, bố cục… nên một hình mẫu hoa văn có thể mang nhiều ý nghĩa nội hàm khác nhau,” ông lý giải.

Cuối cùng, cuốn sách sẽ vô cùng cần thiết và có ích cho quá trình xây mới các kiến trúc thuần Việt, đặc biệt cần thiết cho các công trình nghiên cứu về phục dựng kiến trúc cổ của Viện bảo tồn di tích, Thạc sỹ Phong nói.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. (Ảnh: Báo Thể thao và Văn hóa)

Về việc viết tiếp "Hoa văn Việt Nam" từ thế kỷ 16 đến hết thời phong kiến, ông Hải Phong nhấn mạnh rằng những người có trình độ về nhiều mặt, trong đó có khả năng diễn đạt lưu loát, dễ hiểu như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng mới đủ khả năng cáng đáng. Tuy nhiên, đây là một công việc dài hơi và vô cùng khó khăn./.

Phó giáo Nguyễn Du Chi sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống ham học.

Cùng người thầy Nguyễn Đỗ Cung, các nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cảnh, Chu Quang Trứ, Trần Lâm Biền... Phó giáo sư Nguyễn Du Chi thuộc thế hệ nghiên cứu mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam thế kỷ 20.

Tham gia viết 27 cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền, mỹ thuật, khảo cổ... là tác giả của hơn 100 bài nghiên cứu khoa học cho các tạp chí chuyên ngành trong nước, ông được trao trên dưới 10 giải thưởng lớn nhỏ trong nước.

Đáng chú ý, năm 2012, hai công trình của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đó là “Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông” (2001) và “Hoa văn Việt Nam - Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến” (2003)./.

Minh Anh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tim-kiem-nguoi-noi-dai-di-san-hoa-van-truyen-thong-viet-nam/676969.vnp