Tìm kiếm sự thuần khiết của những viên kim cương

Trên 'Financial Times' gần đây đã kể một câu chuyện về hành trình đáng suy ngẫm của viên kim cương từ khi được đào sâu dưới lòng đất.

Cách Mwanza, thành phố phía Bắc Tanzania khoảng 29 km, hơn 100 người đàn ông lao động tại mỏ khai thác kim cương Kangambala. Họ đã mất 4 tháng để xúc đất và đá dày 15m để lộ ra lớp sỏi chứa kim cương bên dưới. Không ai được trả tiền cho công sức lao động đã bỏ ra; họ làm việc chỉ vì cơ hội tìm thấy kim cương. Đứng trong nước ngập đến đầu gối được bơm từ con sông gần đó, 3 người đàn ông lọc xả những khay sỏi qua những cái sàng nhỏ.

Một trong những khu mỏ khai thác kim cương ở Cộng hòa Congo.

Một người hét lên đầy phấn khích, lấy ra một mảnh kim cương có kích thước bằng hạt tiêu và đưa nó cho người giám thị ngồi dưới bóng của một chiếc ô kẻ sọc. Người giám thị gói nó vào một mảnh giấy xé ra từ bao thuốc lá rồi bỏ vào túi. Anh ta nói thứ vừa được đào lên có giá trị khoảng 10 USD. Giá trị này sẽ được chia cho chủ sở hữu khu mỏ, người nhận được 70% giá trị và 10 thành viên của đội đào mỏ, những người đã làm việc từ 9 giờ sáng và sẽ tiếp tục cho đến khi Mặt Trời lặn vào khoảng 6 giờ chiều. Nếu may mắn họ sẽ tìm được 2 hoặc 3 mảnh như vậy trong một ngày.

Những thứ tìm được tại khu mỏ sẽ được thu thập và bán cho người mua. Người này sau đó sẽ bán cho một trong những đại lý có uy tín hơn, những người sẽ kiểm tra một số gói hàng trước khi thực hiện hành trình đến Tshikapa, nơi những con phố với nhiều cửa hàng nhỏ được trang trí bằng những hình ảnh vẽ tay về những viên kim cương và ký hiệu đồng USD.

Hai ngày sau, một thương gia kim cương trẻ tuổi bước vào cửa hàng của Funji Kindamba. Anh ta đổ một nắm đá màu vàng và xám lên bàn của Kindamba. Với sự trợ giúp của những chiếc nhíp lớn, Kindamba phân loại những viên kim cương thành từng đám chỉ bằng một cú búng tay thuần thục, tách những viên lớn ra khỏi những viên kim cương nhỏ. Cuối cùng họ đi đến thỏa thuận về mức giá: 200 USD. Kindamba ghi lại tên người bán, mức giá anh ta trả và tổng trọng lượng carat của toàn bộ gói hàng - 4,5 - vào một cuốn sổ nhỏ. Kindamba không biết kim cương đến từ đâu. Anh cười và nói: “Có hàng ngàn mỏ… Không thể theo dõi được”.

Trong nhiều thế kỷ, kim cương là biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp, thể hiện niềm hạnh phúc cho vô số cặp đôi khi họ cam kết chung sống trọn đời. Song đằng sau những vẻ đẹp hoàn hảo và thuần khiết lại ẩn chứa câu chuyện khác.

Trên khắp thế giới, các hoạt động khai thác không an toàn và buôn bán bất hợp pháp là căn nguyên của một vấn đề nghiêm trọng trong ngành kim cương. Kim cương xung đột (đôi khi còn được gọi là “kim cương máu”) là những viên kim cương được buôn bán bất hợp pháp và được sử dụng để tài trợ cho xung đột ở một số khu vực bị chiến tranh tàn phá trên thế giới. Kim cương thường được khai thác bằng lao động nô lệ và thợ mỏ phải đối mặt với điều kiện làm việc cực kỳ nguy hiểm và rủi ro. Điều đáng nói là khi được đưa ra thị trường, hầu như chẳng thể phân biệt “kim cương máu” với những viên đá hợp pháp.

Đó là lý do tại sao Quy trình Kimberley hình thành với mục đích đảm bảo những viên kim cương được mua bán hợp pháp, không bị hoen ố bởi khổ đau hay tàn bạo. Đã 20 năm từ ngày Quy trình Kimberley thành hình, và liệu nó có thực sự tạo nên sự khác biệt?

Cả một chặng đường

Khoảng 150 năm trước, Kimberley, Nam Phi, nổi tiếng với các hoạt động khai thác kim cương quy mô lớn. Kimberley được mệnh danh là “Thành phố kim cương” và được nhiều người coi là “thủ phủ” khai thác kim cương của thế giới.

Đãi kim cương gần Sierra Leone.

Tháng 5/2000, một nhóm các quốc gia sản xuất kim cương châu Phi đã nhóm họp tại Kimberley để thảo luận về các giải pháp ngăn chặn việc buôn bán kim cương xung đột. Các quốc gia châu Phi muốn đảm bảo rằng việc mua kim cương trên khắp thế giới không gián tiếp tài trợ cho hành vi bạo lực từ các phong trào nổi dậy. Liên hợp quốc sau đó đã thông qua một nghị quyết hỗ trợ nỗ lực xây dựng quy trình chứng nhận kim cương quốc tế.

Phải mất vài năm để giải quyết ổn thỏa vấn đề hậu cần giữa các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và ngành công nghiệp kim cương quốc tế. Và đến tháng 11/2002, một giải pháp để chứng nhận kim cương không có xung đột cuối cùng cũng đã thành hình, với tên gọi Chương trình chứng nhận quy trình Kimberley (KPCS) hay gọi tắt là Quy trình Kimberley. Mục đích chính của Quy trình Kimberley là ngăn chặn những viên kim cương xung đột xâm nhập vào thị trường buôn bán kim cương chính thống.

Hệ thống phân cấp của Quy trình Kimberley bao gồm một vị trí chủ tịch luân phiên được bổ nhiệm bởi các quốc gia như Nam Phi, Canada, Nga, Ấn Độ, Israel, Botswana và một số nước khác. Các thành viên tổ chức các phiên họp toàn thể 2 lần mỗi năm, cùng nhiều hoạt động của các tiểu ban và nhóm chuyên biệt nhằm giải quyết các vấn đề và chủ đề cụ thể.

Quy trình Kimberley hiện có sự tham gia của 85 quốc gia trên thế giới - hoặc 59 chủ thể, với Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước thành viên được tính chung là một chủ thể - và luôn rộng cửa cho tất cả các quốc gia sẵn sàng tuân thủ các hướng dẫn của quy trình. Những nguyên tắc mà Quy trình Kimberley áp đặt cho các thành viên của mình không chỉ để nói suông mà rất nghiêm ngặt, với một số điều khoản và nguyên tắc tối thiểu mà các thành viên của KPCS phải tuân thủ như đáp ứng các yêu cầu quan trọng, cơ bản về ban hành luật, chính sách khai thác, quản lý, xuất nhập khẩu kim cương; cam kết minh bạch và trao đổi các dữ liệu thống kê quan trọng; chỉ giao dịch với các quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và các nguyên tắc đã thỏa thuận ban đầu; đảm bảo các lô hàng xuất nhập khẩu không có được do xung đột, vi phạm các nguyên tắc chung.

Khó tránh trái chiều

Tất nhiên, những hướng dẫn và nguyên tắc này không phải là không có tranh cãi.

Không có viên kim cương nào có thể hoàn hảo 100%. Và cũng tương tự, không có kế hoạch nào có thể triệt để xóa bỏ rủi ro xung đột trong hoạt động buôn bán kim cương. Theo nhiều đánh giá và thực tế diễn ra, Quy trình Kimberley đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tội phạm cũng như giảm nguồn tiền mà các nhóm nổi dậy ở Angola và Sierra Leone thâu tóm. Tuy nhiên, nhiều giá trị và đạo đức mà Quy trình Kimberley đại diện đã thay đổi theo thời gian.

Khai thác kim cương ở Congo.

Quy trình Kimberley đã bị đặt dấu hỏi trong những năm gần đây với những cáo buộc thiếu minh bạch và có một số lỗ hổng tiềm ẩn.

Thứ nhất, chứng nhận chỉ áp dụng đối với kim cương thô dù có thể có những khía cạnh bất hợp pháp hoặc liên quan đến xung đột trong quá trình cắt hoặc đánh bóng. Nói cách khác, Quy trình Kimberley chỉ tập trung vào kim cương thô ở các quốc gia xung đột. Kim cương đã xử lý, hay thành phẩm lại chưa được kiểm soát. Do đó, các tổ chức buôn lậu đã đánh bóng kim cương thô thành kim cương tinh để dễ dàng qua mặt việc kiểm soát. Surat, bang Gujarat, Ấn Độ, được xem là thủ phủ của hoạt động đánh bóng kim cương thô để hợp thức hóa giao dịch.

Thứ hai, chỉ có lực lượng nổi dậy bị liệt vào mục tiêu tài trợ cho cuộc xung đột. Một chính phủ phân phối kim cương để đảm bảo nguồn tài trợ cho cuộc xung đột thì lại không bị coi là vi phạm. Xung đột tại Thung lũng Marange là một ví dụ.

Thung lũng Marange là nơi có mỏ kim cương trị giá hơn 800 tỷ USD. Những mỏ này được một công ty thăm dò kim cương phát hiện vào năm 2006. Tuy nhiên, vào năm 2008, chính quyền của Tổng thống Zimbabwe Robert nắm quyền kiểm soát các khu mỏ và tiến hành các cuộc trấn áp khiến hơn 200 người thiệt mạng. Tuy nhiên, những viên kim cương khai thác ở Thung lũng Marange sau đó vẫn có được chứng nhận Quy trình Kimberley.

Thứ ba, phớt lờ vấn đề về lao động trẻ em và môi trường. Thực tế KPCS được định nghĩa là quy trình "ngăn chặn việc phân phối kim cương xung đột" và không tính đến các vấn đề về lao động trẻ em hoặc môi trường. Lao động trẻ em là một trong những lực lượng quan trọng trong hoạt động khai thác kim cương trên thế giới. Nhiều trẻ em không thể đến trường và phải lao động nặng nhọc với mức lương thấp để nuôi sống gia đình. Điều này gây ra một lỗ hổng lớn trong Quy trình Kimberley và kích động nhiều chỉ trích về tính thiếu minh bạch. Các điều khoản của Quy trình Kimberley bị cho là chỉ tập trung vào việc ngăn chặn khai thác và phân phối kim cương xung đột, trong khi không tính đến việc giải quyết các vấn đề rộng hơn như điều kiện làm việc tồi tệ, bóc lột lao động trẻ em và các chính sách lao động cưỡng ép. Nói cách khác, người ta cho rằng Quy trình Kimberley tập trung vào việc phân phối khai thác kim cương trong khi có xu hướng phớt lờ vấn đề nhân quyền và bóc lột người lao động.

Ở khía cạnh môi trường, đất đá bị đào lên khi đào kim cương góp phần tạo ra carbon dioxide, càng làm trầm trọng hơn sự nóng lên toàn cầu.

Thứ tư, quy trình chỉ là quy trình, không có chế tài xử phạt. Đây thực tế là một chương trình tự nguyện do các quốc gia thành viên thực hiện, vì vậy ngay cả khi vi phạm, các thành viên cũng không chịu bất kỳ hình phạt nào.

Quy trình Kimberley là một chương trình, một nỗ lực nhằm "chứng minh" rằng một viên kim cương không phải là một viên kim cương xung đột. Tuy nhiên, do một số vấn đề liên quan đến hệ thống, thể chế và nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, rất khó để xác định kim cương sạch có liên quan đến các vấn đề về môi trường và nhân quyền hay không. Kim cương máu, những viên kim cương chưa qua kiểm định, thường được giao dịch qua buôn lậu nên giá thành rất rẻ. Điều này gây nguy cơ khiến thị trường kim cương toàn cầu bị lũng đoạn, gặp nhiều bất ổn khi dòng chảy tài chính không chảy vào các quốc gia, mà vào túi của những kẻ buôn lậu.

Có thể nói, Quy trình Kimberley ra đời nhằm giải quyết vấn đề minh bạch hóa dòng dịch chuyển kim cương giữa các quốc gia. Những viên kim cương không rõ nguồn gốc, được khai thác bất hợp pháp sẽ không có hiệu lực. Biện pháp này đã làm giảm đi cơ hội tiêu thụ của những lô kim cương máu, qua đó kìm hãm nhu cầu khai thác, đồng thời, ngăn ngừa, hạn chế những rủi ro xung đột giữa trong việc tìm kiếm, khai thác và tiêu thụ kim cương máu ở các khu vực nhạy cảm.

Quy trình Kimberley tạo nên một ràng buộc nhất định với các doanh nghiệp khai thác, lẫn các quốc gia khai thác, làm tiền đề cho những thỏa thuận, hợp tác giữa các quốc gia, khu vực để ngăn chặn, hạn chế những rủi ro khai thác, bóc lột trái phép. Về mặt luật pháp, các quốc gia cần xây dựng bộ luật, chính sách để tạo khung hành lang pháp lý, để đảm bảo giao thương kim cương không đạt chuẩn Quy trình Kimberley là trái pháp luật. Việc khai thác trái phép, bóc lột sức lao động, đặc biệt là của trẻ em cũng được ngăn ngừa. Những hướng dẫn này được thực thi nghiêm ngặt để đảm bảo rằng Quy trình Kimberley và các thành viên liên kết đang làm tất cả những gì có thể để loại bỏ những viên kim cương xung đột khỏi thị trường.

Vào những năm 1990, kim cương xung đột chiếm 4-15% tổng số kim cương lưu hành, nhưng ngày nay con số này, theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, chỉ chiếm chưa đến 1%. Đây dù sao cũng là một thành tựu rất đáng hoan nghênh sau 20 năm Quy trình Kimberley được ban hành.

Thái Hân (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/tim-kiem-su-thuan-khiet-cua-nhung-vien-kim-cuong-i714366/