Tìm lại hương vị xưa trong bánh trung thu truyền thống Hải Phòng

Nếu triết lý 'trời tròn, đất vuông' được thể hiện trọn vẹn trong bánh chưng, bánh dày ngày Tết thì bánh nướng, bánh dẻo truyền thống lại là thức quà không thể thiếu vào mùa trăng.

Nhắc đến Trung thu, ta không thể không kể đến thức quà đặc trưng như bánh nướng, bánh dẻo. Mâm cỗ rằm thiếu đi loại bánh ấy dường như chẳng còn vẹn tròn. Từ xưa đến nay, những chiếc bánh trung thu truyền thống chứa đựng cả tinh hoa đất trời và tấm lòng người chế biến luôn là món quà cao quý để gửi trao vào mỗi mùa trăng.

Vào đêm rằm tháng tám, khi tiết trời dịu mát, trăng sáng trong, những người nông dân sẽ soạn mâm cỗ tạ ơn rồng mang mưa tới cho mùa màng bội thu. Mâm cỗ dâng lên thường có bánh nướng, bánh dẻo, xung quanh bày thêm hoa quả và một số sản vật địa phương.

Bánh trung thu truyền thống hội đủ sắc - hương - vị.

Hai thức bánh nhìn thì mộc mạc nhưng bên trong lại là kết tinh của những sản vật đất trời. Bánh dẻo làm từ bột nếp trắng nhồi với đường và nước hoa bưởi, nhân làm bằng hạt sen hay đậu xanh tán nhuyễn, mềm mịn trắng trong. Còn bánh nướng lại khoác lên mình lớp áo vàng ruộm, phảng phất vị quất non đầu mùa, mùi lá chanh dịu nhẹ và phần nhân là sự quyện hòa tinh tế của trứng muối, lạp xưởng, mứt bí, hạt sen... Thứ nhân thập cẩm với đủ vị - hương - sắc lạ thay chẳng hề rối rắm mà lại quyến rũ khó tả: vừa ngậy béo, thơm bùi, vừa ngọt mát, thanh tao…

Khi cuộc sống ngày càng đủ đầy, những chiếc bánh trung thu được bổ sung vô vàn loại nhân mỹ vị, lạ miệng, đẹp mắt. Để kịp tiến độ, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh trong thời vụ, các bước làm bánh cũng rút ngắn hơn xưa: công nghiệp hóa và sản xuất trên dây chuyền máy móc hiện đại, thậm chí sử dụng thêm hóa chất tạo mùi. Cũng bởi vậy, bánh trung thu dần xa rời hương vị truyền thống.

Nhưng những thực khách sành ăn hiểu rằng chỉ bánh trung thu truyền thống mới giữ được phong vị đích thực của mùa trăng. Cũng chỉ hương vị ấy mới đủ sức khơi gợi miền ký ức xa xăm. Hương vị truyền thống khiến người già rưng rưng nhớ, người trẻ nâng niu và trân trọng.

Bánh trung thu là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ trông trăng.

Hơn thế, bánh trung thu truyền thống còn là đặc sản và linh hồn của nhiều làng nghề. Không chỉ có Thụy Khuê, Hà Nội, đi dọc đất nước, bạn sẽ bắt gặp những con phố đã hàng chục năm sản xuất loại bánh này, trong đó có Cầu Đất, Hải Phòng.

Con phố dài chưa đầy 1 km nhưng có đến hàng chục hiệu bánh lớn nhỏ. Tìm đến Thanh Lịch - một trong những cơ sở làm bánh trung thu lâu năm nhất tại đây - mới thấy hết cái dụng công, dụng tâm của người nghệ nhân cả đời đi tìm và khôi phục hương vị gốc của bánh trung thu.

Cửa hàng bánh Thanh Lịch tấp nập người mua mỗi mùa trung thu.

Nghệ nhân Lê Bình Nhuận, chủ thương hiệu bánh trung thu Thanh Lịch, chia sẻ: “Bánh trung thu Thanh Lịch tồn tại được bởi chúng tôi luôn cố gắng giữ nét tinh túy của chiếc bánh truyền thống. Bánh trung thu cổ truyền muốn thơm ngon, tròn vị thì nguyên liệu phải tự nhiên, không thêm hương liệu hay chất bảo quản”. Theo ông, mỗi mẻ bánh của Thanh Lịch chỉ có hạn sử dụng ngắn, 10 ngày với bánh dẻo và 15 ngày với bánh nướng.

“Tôi muốn khách hàng thật yên tâm khi sử dụng sản phẩm. Đã yêu nghề, người làm bánh nhất định phải giữ lấy cái tâm trong sáng, có vậy mới sống lâu, sống khỏe được với nghề”, nghệ nhân 62 tuổi nói thêm.

Ông Lê Bình Nhuận, chủ thương hiệu bánh mứt Thanh Lịch, Hải Phòng.

Có lẽ chính nhờ cái tâm của những người nghệ nhân như ông Lê Bình Nhuận nên những chiếc bánh nướng, bánh dẻo mới có sức sống lâu bền. Cũng bởi tôn trọng truyền thống nên các sản phẩm bánh trung thu Thanh Lịch qua 30 năm vẫn giữ được vị trí nhất định trên thị trường. Không chỉ nức tiếng đất cảng, nhiều thực khách sành ăn ở thủ đô cũng tìm về phố Cầu Đất, đến hiệu bánh 7 tầng nằm nổi bật giữa phố để tìm lại vị quê hương.

Sơn Trà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tim-lai-huong-vi-xua-trong-banh-trung-thu-truyen-thong-hai-phong-post877905.html