Tìm lại không gian cho âm nhạc dân tộc

Nhiều lần trên sóng truyền hình, Giáo sư lừng danh về âm nhạc dân tộc (ANDT) Trần Văn Khê đã nói rằng, ANDT Việt Nam (VN) ta chẳng kém cạnh gì ANDT thế giới. Thế giới mà ông đưa ra để làm một cực so sánh là các nước có nền ANDT phát triển rực rỡ như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Còn nước ta, những Xẩm, Chầu văn, Quan họ, Ca trù, Xoan, Ví dặm… với hàng trăm làn điệu tồn tại trong dân gian không đáng tự hào sao?

Thế nhưng gần đây, những người yêu mến nghệ thuật dân tộc (NTDT) đều lên tiếng về tình trạng NTDT nói chung, ANDT nói riêng trong xu hướng hội nhập hôm nay đã bị tác động rất lớn. ANDT ngày càng thưa vắng người xem, người nghe, đặc biệt là giới trẻ. Cũng có người cho rằng, khuynh hướng âm nhạc thương mại phát triển thiếu một sự định hướng đúng đắn, làm vẩn đục bầu không khí âm nhạc, tác động mạnh vào thị hiếu lớp trẻ và cũng là một trong những nguyên nhân làm họ sao nhãng ANDT.

Theo thống kê dân số của một tổ chức thế giới, VN được xếp là một trong những dân tộc đang trẻ hóa. Khái niệm trẻ thường đi liền với đổi mới, năng động, sôi nổi, nhanh nhạy. Cũng dễ hiểu vì sao trào lưu âm nhạc thế giới với nhịp điệu sôi động, bạo liệt cả giai điệu và vũ đạo lại tác động nhanh, mạnh tới giới trẻ.

Bản chất thị hiếu của thanh niên là nghe và nhìn, chưa kể một phần rất đáng kể trong số họ là du học sinh hay những người có ảnh hưởng trong môi trường gia đình có người sinh sống ở nước ngoài. Thế nên chẳng lạ gì khi nhạc hip hop, gần đây là trào lưu nhạc trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc với những ban nhạc trẻ như Super Juniors, Girl Generation (Hàn Quốc) với những ca khúc sôi động, cuồng nhiệt đã khiến giới trẻ VN mê dại.

Buồn thay, âm nhạc cổ điển, ANDT quí giá, đào tạo bao lâu mới thành nghề và đã có những tài năng lẫy lừng thế giới, nhưng chắc cũng chỉ có 5% được sống trong tầng lớp thanh niên. Thực trạng này cùng chung số phận với văn hóa đọc, khi mà công nghệ thông tin phát triển thì việc đọc sách trở thành chuyện xa xỉ đối với lớp trẻ. Cũng dễ hiểu khi mà bản chất của âm nhạc là gắn với thời trang, tầng lớp thanh niên thường không mấy quan tâm đến thực trạng đời sống chính trị, đến những khó khăn trong đời sống mà đặt mục đích hưởng thụ lên trên, hướng đến những cái mang tính thời trang.

Thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã từng có phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", những Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, Đoàn tuồng Liên khu 5, Đoàn Ca kịch Bình Trị Thiên... rất có sức sống, tác động mạnh trong đời sống xã hội. Rất tiếc điều này đã không nối dài được ra thời bình. Phải chăng lỗi đó là do vai trò của các nhà quản lý?

Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông, người ta cũng nói nhiều về ANDT với mong muốn khơi dậy lòng đam mê, yêu mến trong cộng đồng và tìm mọi cách để nuôi dưỡng, phát triển NTDT. Đã rất nhiều người tâm huyết, bỏ công sức, tiền của để vực dậy vốn ANDT đang trong thực trạng mất dần bản sắc. Những Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn nghệ thuật hát Chầu văn thuộc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng VN; chiếu hát Xẩm Hà Nội 36 phố phường, CLB Âm nhạc Sắc Việt với Ca trù, Chèo, Chầu văn trong khu phố cổ Hà Nội; Dự án khôi phục và quảng bá nghệ thuật hát Xẩm Hà Nội của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ANDT... là những hoạt động rất đáng kể của những người có tình yêu, lòng đam mê và trách nhiệm với NTDT nói chung và ANDT nói riêng như GS Hoàng Chương, GS.TS Ngô Đức Thịnh, nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa...

Nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình là mong muốn của nhiều nghệ nhân tính tẩu. Ảnh: Tuệ Lâm

Có điều là, công việc của họ đang gặp muôn vàn khó khăn bởi thực chất, các loại hình ANDT thường chỉ hợp với cuộc sống nông nhàn của người nông dân. Thế nhưng ngày nay, làng đã biến đổi, đã bê tông hóa đến tận từng ngõ ngách, vô hình trung đã tước đi không gian thanh bình và đồng nghĩa với việc không còn môi trường cho ANDT tồn tại khỏe mạnh. Đó phải chăng chính là điều kiện để cho nhạc trẻ, nhạc hip hop thế giới lấn sân?

Một lần tình cờ đi hát karaoke cùng đám bạn trẻ du học sinh, thật ngạc nhiên khi có bạn cầm micro hát ngọt ngào mấy bài dân ca của Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng khi bảo hát một bài dân ca của VN thì chịu vì không thuộc bài nào. Chắc chắn rằng, nhiều ông bố bà mẹ trẻ thế hệ 7X, 8X không mấy ai có thể ru con bằng những bài hát ru.

Đem câu chuyện buồn này trò chuyện với một vài người Việt từng sống ở nước ngoài, được biết, để bảo tồn và phát huy ANDT, ngoài tài năng mang dấu ấn cá nhân, mọi việc đều được Chính phủ nước sở tại nâng đỡ về tài chính. Chẳng hạn ở Trung Quốc, ANDT được đưa vào du lịch để làm nó sống động và địa phương đó thay mặt Nhà nước Trung Quốc nâng đỡ, tạo điều kiện cho nó hoạt động và phát triển.

Còn ở Ô-xtrây-li-a, âm nhạc thổ dân chẳng hạn, được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn, rồi Chính phủ còn tổ chức những ngày văn hóa thổ dân, loại trừ những yếu tố mê tín, còn lại là những điệu múa nguyên thủy, đậm đà bản sắc dân tộc. Thái Lan thì quá giỏi trong việc đưa ANDT vào du lịch. Ngoài việc tổ chức thành những đội múa cung đình thì họ có những đội múa dân gian chuyên phục vụ du lịch. Muốn nói gì thì nói, Nhà nước phải tạo điều kiện cho nghệ sĩ, nghệ nhân có đất biểu diễn và sống được thì lúc đó mới nói đến chuyện đưa âm nhạc đi vào đời sống.

NTDT nói chung và ANDT nói riêng của ta vốn có truyền thống như thế, đã từng dùng tiếng hát át tiếng bom mà sao hôm nay lại không đi được vào đời sống? Phải chăng là chúng ta làm chưa hấp dẫn? Có cách gì để trên cơ sở bảo tồn, trên cơ sở 7 thang âm ấy sáng tạo thêm để ANDT đến được với người nghe hôm nay? Có một kiến trúc sư người Pháp đã nói rằng: Hãy quên đi truyền thống, đập nát nó ra, biến thành máu thịt của mình để sáng tác. Sáng tạo nghệ thuật là thế, là phải nhập vào di sản dân tộc, tiêu hóa nó để sản sinh ra những tác phẩm cho ngày hôm nay.

Chợt nhớ gần đây, trong Chương trình Giọng hát Việt, một giám khảo cao hứng thả lời khen: "Hôm nay, chúng ta đã phát hiện được hai ông Tây". Trời ạ, tức là vị này khen hai thí sinh nam hát tiếng Anh hay trong chương trình thi giọng hát Việt! Cổ súy như vậy thì ANDT rồi sẽ đi đến đâu?

Gần đây showbiz toàn cầu đang sôi lên vì điệu nhảy của Gangnam (Hàn Quốc). Trai gái Việt cũng phát cuồng với điệu nhảy ngựa của Gangnam. Tôi tin rằng Gangnam Style cũng bắt đầu từ những điệu múa võ cổ của Hàn Quốc, lược bớt đi và tiếp thu âm nhạc thế giới. Nếu anh có tài thì sẽ biến các điệu thức dân tộc và tiếp thu trào lưu âm nhạc hiện đại, tạo ra được tác phẩm hay và được cộng đồng đương đại đón nhận.

Mới trung tuần tháng 10-2012, ngay tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức Đêm nhạc điện tử hòa âm cùng kèn môi và đàn tranh, phải chăng cũng là cách gắn âm nhạc truyền thống với hiện đại để chúng cùng cộng hưởng trong đời sống hôm nay?

"Bao giờ ANDT mới đi vào đời sống?" sẽ còn là nỗi trăn trở của nhiều người lâu nay tận tâm tận lực với nó.

Lan Hương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tim-lai-khong-gian-cho-am-nhac-dan-toc/