Tìm lại niềm tin

Xnâu-đơn (Edward Snowden) bị chính quyền Mỹ xem là một kẻ phản quốc. Thế nhưng, cũng phải nói rằng, nhờ người cựu nhân viên CIA ấy, Nhà Trắng mới có cơ hội tự nhìn thẳng vào diện mạo của chính mình, để thấy bao nhiêu đường nét bẽ bàng.

Ngày 12-8, một chương trình chính thức, nhằm đánh giá lại khâu thu thập thông tin điện tử tại nước Mỹ, đã được khởi động. Một nhóm công tác gồm 60 chuyên gia ngoài chính phủ đã được thành lập, với nhiệm vụ kiểm định xem liệu việc thu thập dữ liệu hiện tại có thể bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy các chính sách đối ngoại một cách tích cực nhất hay không, đồng thời nhận định về những nguy cơ của việc tiết lộ thông tin trái phép, cũng như sự cần thiết trong việc củng cố niềm tin của người dân. Một bản báo cáo chi tiết về các vấn đề này sẽ được công bố ngày 15-12.

Trước đó, ngày 9-8, trong một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma (Barack Obama) đã cam kết thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm cải thiện việc giám sát chương trình theo dõi bí mật, và vãn hồi niềm tin từ công chúng. Bên cạnh việc thành lập nhóm đánh giá, Nhà trắng đã lên kế hoạch làm việc với Quốc hội để sửa đổi một số điều luật liên quan, đồng thời hứa hẹn sẽ tiếp tục minh bạch hóa hoạt động của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA).

Như chính ông Ô-ba-ma thừa nhận, "chương trình do thám của chính phủ ngày càng làm dấy lên nhiều nỗi lo ngại về đời tư của công dân".

NHỮNG gì được Xnâu-đơn tiết lộ làm bong tróc, long lở những lớp son phấn mỹ miều vẫn thường được tô vẽ cho "thế giới tự do". Hiện tại, rất nhiều thanh niên Mỹ đang xem Xnâu-đơn là một "người hùng", khi đã quá thất vọng với chính phủ - như nhận định của thượng nghị sĩ Mắc Kên (John McCain). Và theo A-san-giơ (Julian Assange) - người sáng lập trang mạng WikiLeaks, những thay đổi đang diễn ra chính là "sự công nhận giá trị cho Xnâu-đơn". "Nước Mỹ nên biết ơn anh ấy!".

Biết ơn hay căm ghét Xnâu-đơn là một chuyện. Làm gì để đưa tất cả trở lại quỹ đạo một cách êm thấm lại là chuyện khác. Người ta có thể cảm nhận rõ nỗi lo lắng trong những lời kêu gọi hùng hồn của ông Ô-ba-ma: "Những biện pháp này nhằm bảo đảm để người dân Mỹ có thể tin tưởng rằng những nỗ lực của chúng tôi phù hợp với lợi ích và giá trị của chúng ta". Rõ ràng, giữa người dân Mỹ và chính phủ đã xuất hiện một cái hố ngăn cách không hề nhỏ.

"Và đối với các quốc gia khác, tôi muốn khẳng định một lần nữa rằng nước Mỹ không quan tâm đến việc do thám dân thường!" - một mệnh đề khác bộc lộ sự bất an của ông chủ Nhà trắng. Đức, Pháp, và mới nhất là Tây Ban Nha đang đòi làm rõ việc họ bị NSA "đưa vào tầm ngắm" trong những hoạt động tình báo trái phép. Một hợp đồng mua bán vũ khí trị giá bốn tỷ USD với Bra-xin (Brazil) cũng đang bị "treo" lại bởi những lý do này.

Chẳng ai thích phòng ngủ của mình bị nhòm ngó bởi người lạ, nhưng nước Mỹ đã liên tục làm như vậy với tất cả: kẻ thù, bạn hữu, và chính công dân của mình. Để bây giờ, họ đang phải cố tìm và vá víu từng mảnh niềm tin - thứ không thể được tìm lại chỉ với những "ve vuốt" chung chung...

VÕ HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/quoc-te/su-kien-va-binh-luan/item/21001302-.html