Tìm lại 'thời vàng son'

Quyền phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Li-bi X.Uy-li-am hoan nghênh những diễn biến tích cực tại Diễn đàn Đối thoại chính trị Li-bi vừa diễn ra ở nước láng giềng Tuy-ni-di, khi các phe phái ở Li-bi đã đạt thỏa thuận về tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng. Đây được coi là 'bước đột phá' quan trọng trong tiến trình xây dựng hòa bình ở Li-bi, là động lực lớn khích lệ những người từng đứng ở hai chiến tuyến ở quốc gia Bắc Phi chấm dứt chia rẽ, tiến tới hòa hợp dân tộc.

Quyền phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Li-bi X.Uy-li-am hoan nghênh những diễn biến tích cực tại Diễn đàn Đối thoại chính trị Li-bi vừa diễn ra ở nước láng giềng Tuy-ni-di, khi các phe phái ở Li-bi đã đạt thỏa thuận về tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng. Đây được coi là “bước đột phá” quan trọng trong tiến trình xây dựng hòa bình ở Li-bi, là động lực lớn khích lệ những người từng đứng ở hai chiến tuyến ở quốc gia Bắc Phi chấm dứt chia rẽ, tiến tới hòa hợp dân tộc.

Sau gần 10 năm rơi vào nội chiến, chiến tranh đã đẩy một đất nước Li-bi trù phú, phát triển bên bờ Ðịa Trung Hải, một cường quốc xuất khẩu dầu mỏ ở Bắc Phi, vào tình trạng cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, nhiều người dân mất nhà ở, sản lượng dầu mỏ sụt giảm nghiêm trọng, từ mức hơn 1,2 triệu thùng/ngày, xuống có thời điểm chỉ còn 100.000 thùng/ngày. Những thiệt hại về vật chất vô cùng nặng nề, song cái mất mát lớn hơn đối với quốc gia này là một đất nước bị chia rẽ, bên bờ vực tan vỡ, rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Nhờ các nỗ lực trung gian của LHQ, các bên tham chiến ở Li-bi đã đạt thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, mở đường cho các cuộc đối thoại dân tộc nhằm "phác thảo" tương lai cho quốc gia Bắc Phi.

Ðược sự bảo trợ của LHQ, Diễn đàn Ðối thoại chính trị Li-bi (LPDF) vừa được tổ chức tại ngoại ô thủ đô Tuy-nít của Tuy-ni-di, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một chính phủ đoàn kết dân tộc mới và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử ở Li-bi. LPDF quy tụ 75 đại biểu Li-bi, do LHQ lựa chọn, đại diện cho các lợi ích vùng miền, quan điểm chính trị và các nhóm xã hội ở quốc gia Bắc Phi. Trong thông điệp gửi tới diễn đàn, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét đã khẳng định, đây là thời điểm để các đại biểu tham dự diễn đàn định hình tương lai cho Li-bi. Ông kêu gọi các bên đối địch tại Li-bi cùng phối hợp xây dựng hòa bình với mục tiêu hoạch định lộ trình hướng tới cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Bên cạnh đó, người đứng đầu tổ chức đa phương cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ đối thoại Li-bi, bảo đảm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với quốc gia này được tuân thủ triệt để.

Tổng thống nước chủ nhà Tuy-ni-di K.Xa-ít nhấn mạnh, diễn đàn này là "khoảnh khắc lịch sử", đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của LHQ nhằm đặt ra những kế hoạch và thời gian cụ thể để tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Li-bi. Là quốc gia láng giềng của Li-bi, Tuy-ni-di cũng như các nước khác trong khu vực hết sức lo ngại về nguy cơ "cháy thành vạ lây", khi Li-bi từng bị biến thành "lò đào tạo" các tay súng thánh chiến rồi sau đó "xuất khẩu" sang các nước trong khu vực. Cuộc xung đột ở Li-bi đã gây ra mối đe dọa an ninh lớn cho các nước Bắc Phi. Nhiều quan chức châu Âu cũng bày tỏ hy vọng LPDF mang lại những kết quả tích cực. Người đứng đầu phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Li-bi G.Xa-ba-đen lên tiếng ủng hộ các cuộc đối thoại nhằm hoạch định lộ trình bầu cử cho Li-bi sớm nhất có thể, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu mong chờ những bước tiến tích cực trong đàm phán sẽ giúp chấm dứt xung đột ở Li-bi. Sự ổn định của Li-bi giúp ngăn chặn các mối đe dọa về làn sóng di cư bất hợp pháp và các phần tử khủng bố xâm nhập các nước châu Âu ở bên kia bờ Ðịa Trung Hải.

Tại cuộc họp mới đây của Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ về Li-bi, các nước thành viên HÐBA đã hoan nghênh những tiến triển tích cực về chính trị và an ninh tại quốc gia này. Các nước kêu gọi các bên liên quan ở Li-bi thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Li-bi, cũng như tiếp tục nỗ lực đạt các kết quả thực chất tại các kênh đối thoại chính trị, kinh tế và quân sự theo Nghị quyết 2510 của HÐBA. Ðể có được hòa bình lâu dài ở Li-bi, không chỉ phụ thuộc vào người dân quốc gia này mà còn cần sự ủng hộ, hỗ trợ của các nước. HÐBA nhấn mạnh, tương lai của Li-bi phải do chính người dân quyết định, đồng thời kêu gọi tránh mọi sự can thiệp của bên ngoài vào tình hình nước này. Cộng đồng quốc tế ủng hộ người dân Li-bi là một khối thống nhất và đất nước Li-bi toàn vẹn lãnh thổ, không bị chia cắt. Vì vậy, giải pháp cho cuộc khủng hoảng Li-bi cũng là khôi phục chủ quyền đầy đủ của người dân nước này.

Trong bối cảnh Li-bi đã trải qua thời gian dài bị rơi vào chia rẽ chính trị, bị bên ngoài can thiệp thông qua sự hậu thuẫn và chống lưng của các nước khác dành cho các phe phái đối địch ở Li-bi, nhiều người dân Li-bi vẫn hoài nghi về những nỗ lực xây dựng hòa bình. Bởi thế, những bước tiến tại cuộc đối thoại chính trị giữa các tầng lớp nhân dân Li-bi mới đây là động lực để tiếp tục các nỗ lực xây dựng lòng tin. Người dân Li-bi đứng trước bộn bề công việc trước mắt, đó là thúc đẩy tiến tới cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống tự do, công bằng, toàn diện và đáng tin cậy, thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất mới để giám sát quá trình chuẩn bị bầu cử, cũng như nhanh chóng giải quyết các dịch vụ công đang xuống cấp, phục hồi ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, tìm lại ánh sáng của "thời vàng son" đã qua ở quốc gia Bắc Phi này.

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/tim-lai-thoi-vang-son-624315/