Tìm lời ca trong hương quế, hương hồi

Tôi sinh ra ở miền Đông của tỉnh, mẹ là người dân tộc Tày. Bởi vậy tuổi thơ tôi may mắn được đắm mình trong những điệu hát then, hát nhà tơ. Giờ không còn được nghe các điệu nhịp mỗi ngày. Tuy nhiên, về quê vào dịp lễ, Tết, được nghe các bác, các bá, các cô... ca lại những giai điệu ấy vẫn thấy da diết không thôi... Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Lễ rước thành hoàng Hoàng Cần quanh đình Lục Nà, huyện Bình Liêu năm 2019. Ảnh: Hùng Sơn

Lễ rước thành hoàng Hoàng Cần quanh đình Lục Nà, huyện Bình Liêu năm 2019. Ảnh: Hùng Sơn

MƯỢT MÀ ĐIỆU HÁT THEN

Tôi đến huyện Bình Liêu vào giữa tháng 4 năm nay, đúng dịp người dân đang thu hoạch quế. Mùi quế thơm lừng trên nương rẫy, len lỏi trong từng nhà. Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú (thôn Chang Nà, thị trấn Bình Liêu) năm nay 82 tuổi, khá nổi tiếng ở huyện bởi là người chuyên sáng tác các bài hát then và làm đàn tính. Theo lời kể của ông Phú, hát then Bình Liêu có từ thuở xa xưa. Hát then không chỉ đơn thuần là hình thức diễn đạt nội dung bằng nhạc điệu, phương thức giao lưu, giao duyên giữa trai, gái với nhau, mà then được người Tày xưa gắn vào các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh.

Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú, thôn Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu hát làn điệu Then do chính ông sáng tác.

Từ xưa, cộng đồng người Tày ở Bình Liêu thường cư trú thành các bản cạnh suối hoặc trong các thung lũng để thuận tiện cho việc canh tác lúa nước. Lúc bấy giờ, cuộc sống khó khăn, then được coi như một biện pháp trị liệu tinh thần của cộng đồng họ. Các gia đình người Tày sắm sửa lễ vật để mời thầy then về nhà làm lễ giải hạn, cầu phúc lộc, cầu sức khỏe để bắt tay vào công việc mới. Theo thời gian, then đã vượt ra khỏi các nghi lễ then do các thầy then tiến hành. Nó nhanh chóng lan tỏa sâu rộng trong quần chúng, đi vào phản ánh những vấn đề thường nhật, sống động của cuộc sống hiện tại, trở thành phương thức giao lưu giữa mọi nhà, giao duyên giữa trai, gái với nhau của người Tày Bình Liêu.

CLB Hát then đàn tính thị trấn Bình Liêu biểu diễn hát then. ảnh Phạm Học

Nghệ nhân Lương Thiêm Phú tâm sự: “Hồi bé, tôi thường xuyên được nghe các cô, các bác, các bá ở làng hát then nên thuộc dần làn điệu; lại được các ông, các bà chỉ bảo thêm cách luyến láy, ngân giọng... nên cũng hát được và thường xuyên tham gia hát then trong các dịp lễ hội ở xã, ở huyện, thậm chí đi giao lưu với các tỉnh, thành khác”. Vốn yêu thích làn điệu truyền thống của dân tộc mình, năm 20 tuổi, ông Phú bắt đầu tập sáng tác các bài hát then.

Vừa trò chuyện về điệu hát tự hào của dân tộc mình, ông Phú vừa với tay lấy chiếc đàn tính, gẩy đàn hát. Điệu hát, điệu nhạc tính tang như vang khắp thôn, đưa tôi trở lại tuổi thơ trong mỗi lần về quê mẹ ở Cao Bằng. Lúc đó, trong những căn nhà mái tranh, vách trát bùn đất, bên bếp lò hồng ánh lửa, tôi thường được các dì, các bá đàn, hát cho nghe làn điệu then.

CLB hát then thị trấn Bình Liêu biểu diễn hát then tại Đình Lục Nà, xã Lục Hồn (Bình Liêu) trong dịp xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: La Lành (TTTT-VH Bình Liêu)

Theo ông Phú, các bài ca cổ về then của dân tộc Tày trước đây thiên nhiều về cúng bái cầu mùa, cầu bình an... Sau được người dân sáng tác, lời hát then chắt lọc chứa đựng nhiều tri thức dân gian về lý lẽ cuộc sống, về cách ứng xử với thiên nhiên, ứng xử với cộng đồng, gắn với thực tiễn đời sống hàng ngày của người dân. Hát then có giai điệu, tiết tấu, nhịp phách rõ ràng. Khi hát bao giờ cũng kèm theo tính tẩu và chùm xóc nhạc. Khác với then ở một số tỉnh khác như Cao Bằng, Lạng Sơn..., lời then của người Tày Bình Liêu có chữ thứ 5 của câu sau vần với chữ thứ 7 của câu trước. Đàn tính của người Tày nơi đây chỉ 2 dây, thay vì 3 dây như nơi khác.

Tiếp nối truyền thống cộng đồng, đến nay vẫn còn nhiều người Tày ở Bình Liêu tâm huyết, tiếp tục sáng tác các bài hát then, ông Lương Thiêm Phú là một tiêu biểu trong số đó. Những bài hát được sáng tác gần đây với chất thơ tươi mới mượt mà, thường phản ánh sinh hoạt, tình cảm, mang hơi thở cuộc sống của đồng bào gắn liền với thiên nhiên miền núi: Bản em có dòng sông xanh mát/ Ruộng bậc thang xanh ngát lúa tươi/ Núi cao thấp cây tươi xanh tốt/ Dồn lại để đẹp nốt Bình Liêu...

Đặc biệt, vào dịp lễ hội, dịp Tết, đám cưới, tổ chức cuộc vui, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng, điệu hát then của người Tày Bình Liêu luôn vang quyến luyến, quyện vào cảnh sắc của núi rừng da diết không thôi.

DẬP DÌU NGHE HÁT SOÓNG CỌ

Cách đây 19 năm, khi mới bước chân vào nghề báo, tôi đã đi cùng nhiều đoàn thanh niên đến xã Húc Động (huyện Bình Liêu) để giao lưu văn nghệ, tuyên truyền chính sách pháp luật, hay các buổi tình nguyện giúp đỡ bà con. Lúc bấy giờ, đường đến Húc Động rất khó đi, chủ yếu đường đất, đá gồ ghề. Trong các buổi văn nghệ ấy, những cô gái, chàng trai Sán Chỉ tươi cười, rạng rỡ cất tiếng hát. Ở Bình Liêu không chỉ có điệu hát then mang bản sắc cho cộng đồng dân tộc Tày ở Quảng Ninh, mà đây còn là mảnh đất nổi tiếng với làn điệu soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ.

Hát soóng cọ tại Lễ Hội Soóng Cọ - Bình Liêu năm 2019. Ảnh: Khắc Đạm (CVT)

Làn điệu soóng cọ bay bổng như níu kéo chân mọi người: Khèn lá rung rinh gọi bạn xa/ Soóng Cọ thấp thoáng bay la đà/ Đi tìm ai trong câu hát đối?/ Lòng bâng khuâng xao động bồi hồi...

Các cụ già ở xã kể lại: Hát soóng cọ xuất phát từ những đối đáp của thanh niên nam, nữ các bản trong các buổi giao lưu, hay trong các buổi lao động hằng ngày. Thường thì một bên nam và một bên nữ đối diện, có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Thông qua những làn điệu ấy, các chàng trai, cô gái người Sán Chỉ có thể kết bạn, tỏ tình với nhau, đã có không ít cặp nên vợ, nên chồng. Người cao tuổi còn dùng những câu hát soóng cọ để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế, truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, cuộc sống…

Các tốp hát đối soóng cọ trên đập Thánh Thìn động tại Hội soóng cọ xã Húc Động, huyện Bình Liêu năm 2019. Ảnh: La lành (CTV)

Để tìm hiểu sâu hơn về làn điệu soóng cọ, chúng tôi tìm đến nhà Trạc A Thìn (bản Lục Ngù, xã Húc Động). Nhà Thìn nằm gần thác Khe Vằn, cách xa hẳn so với nhiều nhà dân ở bản, ngồi trong nhà vẫn nghe tiếng suối chảy róc rách. Người Sán Chỉ thường làm nhà cách xa nhau, nhưng cộng đồng vẫn luôn gắn kết. Năm nay mới 38 tuổi, nhưng vốn say mê với điệu hát truyền thống của dân tộc mình, Thìn bỏ không ít công sức ra tìm hiểu, sưu tầm lời ca.

Theo Thìn, hát soóng cọ được duy trì khá tốt ở Húc Động. Trước mỗi câu hát, người Sán Chỉ thường hò đệm ngân dài, da diết, trầm bổng. Khi cất lên những câu hát đầu tiên, các bên hát bắt buộc phải có những lời hát mời. Sau các hồi hát chung, các cặp hát hợp nhau hoặc có những tình ý riêng có thể tách ra hát riêng. Mặc dù hát soóng cọ không có nhạc đệm như hát then của người Tày, nhưng vẫn có sức hấp dẫn, say đắm lòng người.

Các cô gái Sán Chỉ trẩy hội tháng 3 tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)

Làn điệu ấy có thể cất lên trong dịp chúc Tết; hát mừng đám cưới, mừng nhà mới; hát trao đổi tâm tình, giao duyên. Lời ca soóng cọ thường mộc mạc, giản dị, nhưng lại ẩn chứa nhiều ý tứ. Đặc biệt, ở Húc Động có Hội Soóng cọ được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm. Những câu hát giao duyên trong ngày hội từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng có của người Sán Chỉ ở Bình Liêu, nó giống như sợi dây gắn kết cộng đồng người dân nơi đây. Vào dịp này, những cô gái, chàng trai, người già, trẻ nhỏ đều xúng xính trong trang phục truyền thống ngân nga khúc hát.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Húc Động không tổ chức Hội Soóng cọ, nhưng đến xã dịp này vẫn thấy vang vang trong núi rừng lời hát đối đáp của các bạn trẻ trong buổi lao động bóc quế trên những cánh rừng. Lời bài hát sâu lắng, uyển chuyển, tình cảm: Tiếng em nói chuyện điệu nhẹ nhàng/ Giọng nói nghe như chim yến hót.../ Anh nói yêu em chỉ là nói/ Em nói yêu anh mới thật lòng...

ĐI TÌM CÂU HÁT NHÀ TƠ

Khác với Bình Liêu có những làn điệu đậm bản sắc của người dân tộc thiểu số, ở huyện Đầm Hà lại nổi tiếng với điệu hát nhà tơ (hát cửa đình) của người dân vùng biển. Đây cũng là điệu hát gắn với tuổi thơ tôi. Điệu hát nhà tơ quen thuộc ấy thường được ông, bà nội cất lên trong dịp thu hoạch mùa vụ: Cầu này cầu ả cầu ân/ Một trăm cô gái vẫn đi cầu này/ Cầu này cầu nghĩa cầu tình/ Cầu cho duyên số chúng mình lấy nhau/ Cầu này em chẳng đi đâu/ Anh về xẻ ván bắc cầu em qua...

Nghệ nhân nhân dân Đặng Thị Tự (đầu tiên bên phải ảnh) ở thôn Trại Giữa, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà trò truyện cùng cán bộ văn hóa huyện về điệu hát Nhà Tơ. Ảnh: Thu Nguyệt.

Ông tôi kể, thời ông bà còn trẻ, mỗi dịp lễ, Tết hay đám cưới, nam thanh, nữ tú lại tụ tập ở sân hợp tác xã hay ngoài sân đình hát đối để bày tỏ tình cảm của mình. Ông, bà tôi bén duyên nhau cũng bởi những lần đi hát ấy. Gần nhà ông, bà nội tôi có cái sân phơi hợp tác xã rất rộng. Người dân trong thôn thường mang thóc, lạc, đậu ra phơi khi trời nắng. Tối đến, sân phơi trở thành nơi vui chơi của nam, nữ thanh niên, của đám trẻ trong làng.

Lúc 7-8 tuổi, tôi thường bám theo cô, chú ra sân hợp tác xã chơi. Thời ấy xã chưa có điện, nên những tối sáng trăng, sân phơi luôn tràn ngập trong tiếng cười nói của trẻ con nô đùa, tràn ngập trong tiếng hát nhà tơ của các nam thanh, nữ tú: Ngồi đây đón khách trông trăng/ Ai ngờ khách đã tới trăng ngõ ngoài. Hay: Trai đi thi gái thời thêu dệt/ Lúa một đòng lại nở đôi bông... Hát giao duyên trong hát nhà tơ chỉ có giai điệu giống nhau, còn lời thì do các chàng trai, cô gái tự vận dụng sáng tác để đối đáp.

Cũng phải hơn chục năm từ khi ông, bà tôi mất, tôi mới lại được nghe điệu hát nhà tơ quen thuộc khi tìm gặp Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự (99 tuổi, thôn Trại Giữa, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà). Đây cùng là Nghệ nhân Nhân dân đầu tiên của tỉnh. Kể về hát nhà tơ, cụ Tự cho biết, thời chống Pháp, ở làng có một người học được điệu hát nhà tơ ở Vạn Ninh (Móng Cái), sau đó trở về dạy cho các cháu ở làng, trong đó có mẹ và thím cụ. Rồi cụ được thím dạy lại cho điệu hát này. Hát, múa cửa đình trong hát nhà tơ chỉ thực hiện tại lễ ở đình làng với 9 điệu: Giọng vọng, giọng thét nhạc, giọng thả, giọng huỳnh, giọng giai, giọng phú, giọng xà lam (ca trù), gọng hãm và giọng thập nhị tứ hiếu.

Hát, múa cửa đình tại Đình Đầm Hà, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà. Ảnh: Thanh Nghị (TTTT-VH Đầm Hà).

Để hát được các làn điệu, đào hát phải có giọng, khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ, khi lên bổng, lúc xuống trầm, lúc lại ngân nga dìu dặt... Còn múa thì cũng có các điệu: Múa dâng nhan, múa tế, múa đèn, múa bông. Mà ở Đầm Hà lúc bấy giờ có 7 đình, trong đó có 2 đình nổi tiếng là đình Đầm Hà (xã Đầm Hà) và đình Trà Nghi (xã Đại Bình) với lễ hội xuân thường tổ chức từ ngày rằm tháng Giêng đến hết tháng Giêng.

Lúc trong đình làng làm lễ kèm hát, múa cửa đình thì phía ngoài, nam nữ thanh niên vui hội. Dựa vào làn điệu hát nhà tơ, các nam thanh, nữ tú đã sáng tác những lời ca giao duyên đối đáp nhau. Sau đó, hát giao duyên còn được thực hiện ở các đám cưới trên địa bàn hay những lúc mùa vụ, lúc nông nhàn. Lời trêu đùa qua điệu hát nhà tơ cũng rất hóm hỉnh: Cầm tay em lại làm chi/ Nhắn thì nhắn mãi em đi kịp người/ Cầm tay vặn lại cổ tay/ Khi xưa mình trắng sao giờ mình đen...

Vốn là cán bộ xã, ông tôi có một cuốn sổ dày ghi lại các lời hát trong điệu hát nhà tơ. Ông, bà tôi đã mất hơn chục năm nay, cuốn sổ ấy cũng đã thất lạc, nhưng trong tâm trí tôi, chất giọng dầm dề kéo dài của người Đầm Hà khi thực hiện điệu hát nhà tơ đến nay vẫn còn vang vọng mãi.

GÌN GIỮ NHỮNG LÀN ĐIỆU DÂN CA

Bên cạnh hát then, soóng cọ, nhà tơ, Quảng Ninh còn rất nhiều những làn điệu dân gian, như hát đúm ở TX Quảng Yên, hát giao duyên của người Dao... Mỗi làn điệu dân ca phong phú, đa dạng ấy gắn với quá trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc, là những viên ngọc sáng trong kho tàng văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Hát then của dân tộc Tày ở Bình Liêu tại Hội Hoa Sở Bình Liêu. Ảnh: Hoàng Gái (TTTT-VH Bình Liêu).

Để gìn giữ những điệu hát đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn, tỉnh và các địa phương đã có nhiều dự án nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị của các điệu hát, điệu múa dân ca này. Nhiều địa phương đã thành lập các CLB hát then, hát đúm, hát múa nhà tơ, hát giao duyên..., thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo ra phong trào sâu rộng. Những người cao tuổi thuộc nhạc, thuộc phách, thuộc lời và có năng khiếu hát thì tham gia truyền đạt lại các làn điệu cho thế hệ trẻ; có người tích cực tham gia sáng tác lời hát, làm dụng cụ nhạc để tiếp nối các làn điệu này cho các thế hệ mai sau.

Hát soóng cọ tại Hội soóng cọ xã Húc Động, huyện Bình Liêu năm 2019. Ảnh: La Lành (CTV)

Từ đây, nhiều nghệ nhân đã được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Hát nhà tơ (hát cửa đình) của người dân miền biển ở Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn và hát then của dân tộc Tày ở Bình Liêu đã được Bộ VH,TT&DL ban hành quyết định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo thêm động lực để người dân giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Điều này đã góp phần giúp những làn điệu dân ca tiếp tục ngân vang trên nương, rẫy, thấm vào cuộc sống hằng ngày của bà con. Những lời hát mượt mà, sâu lắng ấy dường như làm hương hồi, hương quế, hương vị mặn mòi của biển càng thêm đượm, thêm sâu.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202005/tim-loi-ca-trong-huong-que-huong-hoi-2481409/