Tìm lời giải cho bài toán bảo tồn di sản

Tại hội thảo 'Không gian di sản tại TP Hồ Chí Minh' do Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Minerva tổ chức mới đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn các di sản và phát triển kinh tế. Một trong số đó là cần huy động sự đóng góp của nhiều chủ thể, nhiều thành phần trong xã hội.

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố đang có một nghịch lý là các biệt thự cổ có giá trị văn hóa cao, thuộc dạng bảo tồn lại thuộc về sở hữu tư nhân, tức là giá trị kinh tế của đất và nhà là của chủ sở hữu, nhưng giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các công trình là di sản đô thị, nếu có giá trị đặc biệt thì còn là của quốc gia. Những công trình này theo quy định cần được nghiên cứu, bảo tồn một cách hợp lý. Thế nhưng thời gian qua, nhiều biệt thự cổ cứ liên tục bị "xóa sổ" mà chưa có giải pháp để gìn giữ. Mới đây nhất là trường hợp biệt thự 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Ðây là ngôi biệt thự cổ 100 tuổi nhưng hiện tại đã bị xóa sạch hoàn toàn. Phía trước, chủ đầu tư dựng hàng rào tôn, quây kín mít. Bên trong, mảnh đất vuông vức rộng hơn 500 m2 được san ủi phẳng. Vài ngày trước, thợ xây dựng đã tháo dỡ xong phần sót lại của biệt thự này sau đợt tháo dỡ lần đầu vào năm 2016. Từng viên gạch thẻ trong ngôi biệt thự được bóc ra và rao bán với giá 5.000 đồng/viên. Ðầu cột được rao bán với giá 1 triệu đồng/cái!

Con số chính thức do Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh) công bố đã khiến nhiều người giật mình. Kết quả khảo sát 1.227 công trình biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975 cho thấy chỉ còn 447 biệt thự vẫn còn giữ được hình thái biệt thự, nghĩa là chưa đến một nửa con số 1.227 như thống kê trước đây. 553 biệt thự đã biến mất. Số còn lại là các công trình công cộng và những biệt thự chưa hoàn thành.

Thống kê này phản ánh rõ một thực trạng đang diễn ra là nhiều người cho rằng bảo tồn di sản văn hóa là rào cản đối với phát triển kinh tế. PGS, TS, kiến trúc sư Trần Văn Khải giải thích sự thay đổi của hình thái đô thị kiểu khu phố thương mại làm giá đất ở trung tâm tăng nhanh. Ðiều này khiến các di sản thấp tầng không còn hợp lý dưới góc nhìn lợi ích của những nhóm người khác nhau cho nên sẽ bị thay thế bằng các cao ốc hiện đại. Có thể nói giá đất quyết định cơ cấu sử dụng đất, từ đó quyết định sự tồn tại của các di sản kiến trúc. Ðiều này dẫn đến việc đấu tranh quyền lợi giữa con người với nhau rất căng thẳng. TS Nguyễn Thị Hậu cũng đánh giá: "Hơn mọi loại hình di sản văn hóa vật thể, nhà cổ và biệt thự thể hiện "mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển" rất khó dung hòa hay thỏa hiệp".

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn các di sản và khuôn viên các di sản dưới góc nhìn giá trị bất động sản thì theo như PGS Trần Văn Khải chia sẻ: "Ðó là sai lầm đáng tiếc". Thực tế, việc đập bỏ di sản để xây nhà mới to hơn, công năng tốt hơn, có hiệu quả hơn là không biết cách đúng để dùng di sản. Ông gọi sự phá hủy các di sản này là "tự vẫn về văn hóa". Nó đưa tới sự thiệt hại cho cơ cấu kinh tế đô thị, đôi khi nguy hiểm đến mức làm lụi tàn đô thị do đánh mất bản sắc riêng của nó.

Thực tiễn đã chứng minh nếu làm đúng cách, di sản không những không phải là rào cản mà còn là động lực phát triển kinh tế. Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Kiên, chuyên gia cao cấp kiêm quản lý dự án tại Tập đoàn tư vấn phát triển hạ tầng Eight-Japan nhìn nhận, nếu gìn giữ tốt các giá trị bản sắc địa phương, trong đó có cả di sản, sẽ tạo thành "nồi cơm Thạch Sanh" mang lại nguồn thu ổn định và lâu dài cho địa phương đó. "Những quốc gia có lịch sử lâu đời và số lượng di sản lớn, phong phú như I-ta-li-a, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản... đều có những "nồi cơm Thạch Sanh" từ du lịch nhờ chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản phù hợp", chuyên gia này cho biết.

TS Nguyễn Thị Hậu đề xuất nên chăng, bán đấu giá những công trình biệt thự có giá trị "di sản đô thị" đang sử dụng làm công sở không phù hợp, lấy tiền cho công quỹ, đưa công trình sang sở hữu tư nhân. Khi đó, khả năng về vốn cho trùng tu bảo tồn có thể đáp ứng, nhưng phải kèm theo điều kiện, giống như nhiều nước đã làm, là người mua công trình chỉ có thể trùng tu, bảo tồn và bảo vệ di sản, không được phá hủy. Trong tình huống này, có thể sử dụng công trình với công năng mới nhưng Nhà nước khuyến khích sử dụng cho mục đích văn hóa, được một số ưu đãi để chủ sở hữu có thể duy trì bảo tồn công trình.

TS Nguyễn Lưu Bảo Ðoan, chuyên gia về kinh tế đô thị đề xuất hai loại phương pháp bảo tồn mà chính quyền áp dụng. Ðó là chính quyền có thể mua lại các biệt thự có giá trị lịch sử cần bảo tồn và sử dụng nó theo công năng hợp lý để vừa bảo tồn vừa không gây lãng phí. Phương pháp thứ hai là duy trì sở hữu tư nhân hoặc chuyển quyền sử dụng cho tư nhân đi kèm chính sách quy hoạch hoặc kinh tế hoặc kết hợp cả hai. Trong đó, chính sách quy hoạch khuyến khích người dân tự bảo tồn thông qua các quy định cho hoặc không cho thực hiện những công việc cụ thể. Chính sách kinh tế khuyến khích người dân và doanh nghiệp bảo tồn hoặc đầu tư vào công trình bảo tồn thông qua biện pháp cắt giảm thuế. Với phương pháp thứ hai, thực tế đã chứng minh việc giao cho tư nhân quản lý biệt thự tại số 110 - 112 Võ Văn Tần là hoàn toàn hợp lý. Nhiều ý kiến đánh giá căn biệt thự này mang các giá trị cả về lịch sử lẫn giá trị văn hóa, về tổ chức không gian trong quy hoạch không gian khu phố cổ, giá trị chứng tích về công nghệ xây dựng vật liệu, cấu tạo và giá trị về phong cách nghệ thuật. Ý định giữ nguyên biệt thự số 110 -
112 Võ Văn Tần, quận 3 là một việc làm sáng suốt, mang lại giá trị to lớn không những cho xã hội mà còn cho chính người chủ di sản.

Các chuyên gia cũng đặt vấn đề Việt Nam đang hiện đại hóa nhanh chóng, và một sự đồng thuận trong chiến lược bảo tồn -
phát triển cần đạt được trước tiên để di sản có thể "sống" được trong bối cảnh mới của phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và đô thị hóa tăng cường. Chính phủ, các bộ, ban, ngành hữu quan, chính quyền địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện cộng đồng cần hiểu thấu giá trị các di sản văn hóa và tái thích ứng chúng vào bối cảnh đô thị hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38457702-tim-loi-giai-cho-bai-toan-bao-ton-di-san.html