Tìm lối thoát cho khủng hoảng ở Yemen

Nhóm phiến quân Hu-thi ở Y-ê-men nhiều lần bắn tên lửa vào các vùng lãnh thổ của A-rập Xê-út để trả đũa các chiến dịch quân sự do Ri-i-át dẫn đầu nhằm vào lực lượng phiến quân này. Trong bối cảnh xung đột gia tăng ở Y-ê-men, Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm cách nối lại các cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ bế tắc cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập.

Hiện trường một vụ không kích ở Yemen. (Ảnh: YEMEN WATCH)

Phiến quân Hu-thi gần đây đã bắn hai tên lửa đạn đạo vào một cơ sở của Tập đoàn dầu khí nhà nước A-ram-cô tại thành phố miền nam Gia-dan của A-rập Xê-út, song đã bị lực lượng phòng không của "vương quốc dầu mỏ" đánh chặn. Tên lửa này được bắn đi từ Xa-a-đa, thành trì của Hu-thi ở miền bắc Y-ê-men. Các mảnh tên lửa rơi xuống khu vực dân cư và làm cháy một trang trại. Một tên lửa khác cũng rơi xuống sa mạc ở A-rập Xê-út, song không gây thiệt hại. Thành phố miền nam của A-rập Xê-út nằm sát biên giới Y-ê-men đã hứng chịu nhiều cuộc tiến công như vậy kể từ khi Hu-thi chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ Y-ê-men trong cuộc đảo chính năm 2014. Theo giới chức A-rập Xê-út, kể từ khi bùng nổ xung đột tại Y-ê-men, thành phố này đã hứng chịu hơn 10 nghìn vụ tiến công bằng rốc-két.

Những cuộc tiến công tên lửa của Hu-thi nhằm đáp trả việc A-rập Xê-út dẫn đầu liên minh quân sự các nước A-rập hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Ha-đi được quốc tế công nhận ở Y-ê-men từ tháng 3-2015. Liên quân A-rập hiện giữ vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ hầu hết các khu vực ven biển của Y-ê-men, từ tỉnh An Ma-ra tới bờ Biển Ðỏ, như một phần trong các nỗ lực bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế trước các mối đe dọa từ Hu-thi.

Cuộc xung đột giữa Hu-thi và liên minh quân sự A-rập cùng với lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Y-ê-men A.Xa-lê đã đẩy nước này vào thảm kịch nhân đạo tồi tệ. Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn ba năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 10 nghìn người, khiến hàng chục nghìn người bị thương, đẩy hơn hai triệu người vào cảnh tha hương, cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Y-ê-men rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với hơn 22 triệu trong tổng số 25 triệu dân của Y-ê-men, đang cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó có 11,3 triệu người cần cứu trợ khẩn cấp.

Tình hình Y-ê-men gia tăng căng thẳng sau khi Chủ tịch Hội đồng Chính trị tối cao - cơ quan có quyền lực cao nhất của Hu-thi - ông X.Xam-mát chết trong một vụ không kích của liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu tiến hành ở tỉnh duyên hải miền đông Hô-đây-đa. Vụ việc đã khiến lực lượng Hu-thi tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Xam-mát. Lo ngại những động thái "ăn miếng trả miếng" giữa các bên xung đột ở Y-ê-men làm gia tăng bạo lực và khiến tình hình khu vực thêm phức tạp, Mỹ đã hối thúc đồng minh A-rập Xê-út theo đuổi những nỗ lực khẩn cấp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến và đem lại hòa bình cho Y-ê-men. Ðể thể hiện sự ủng hộ với đồng minh A-rập Xê-út, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ một dự thảo nghị quyết được đưa ra tại quốc hội Mỹ đòi chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ đối với chiến dịch quân sự của Ri-i-át ở Y-ê-men, trong bối cảnh không ít nghị sĩ Mỹ cho rằng cuộc xung đột kéo dài ba năm ở Y-ê-men là một "thảm họa nhân đạo". Trong khi đó, Ðặc phái viên về hòa bình của Liên hợp quốc M.Gríp-phít cho biết sẽ trình bày một kế hoạch khởi động lại các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc nội chiến tại Y-ê-men. Ông cũng cảnh báo những cuộc tiến công bằng tên lửa nhằm vào A-rập Xê-út có nguy cơ làm "trật bánh" nỗ lực ngoại giao này.

Liên đoàn A-rập (AL) đã khẳng định ưu tiên tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Y-ê-men. Liên hợp quốc kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và đã có hơn hai tỷ USD được tài trợ, nhằm giúp người dân quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Tuy nhiên, "cánh cửa hòa bình" vẫn chưa hé mở khi khói lửa vẫn bao trùm nhiều vùng lãnh thổ Y-ê-men.

THU LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/36307602-tim-loi-thoat-cho-khung-hoang-o-yemen.html