Tìm nền văn minh quanh sao lùn trắng

Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học quan sát bầu trời và cố gắng tóm bắt các tín hiệu đến từ những nền văn minh ngoài Trái đất.

Các nhà khoa học cố gắng tóm bắt các tín hiệu đến từ những nền văn minh ngoài Trái đất.

Các nhà khoa học cố gắng tóm bắt các tín hiệu đến từ những nền văn minh ngoài Trái đất.

Chúng ta tìm kiếm các tín hiệu điện từ bí ẩn; các mặt cầu Dyson bao quanh những ngôi sao xa vời; các dấu vết sự sống trên sao Hỏa. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có được chứng cứ vững chắc về sự tồn tại của một nền văn minh ngoài vũ trụ nào đó.

Tín hiệu bí ẩn

Các nhà khoa học chuyên săn lùng sự sống ngoài Trái đất đã chú ý nhiều đến tín hiệu bí ẩn, được ghi nhận vào năm 1977. Nhà thiên văn học Jerry Eman (Mỹ) là người đầu tiên phát hiện ra tín hiệu này trong bản ghi dữ liệu của Kính viễn vọng điện từ Big Ear trong khuôn viên ĐH Ohio. Ông đã viết thêm từ “Wow!” lên bản ghi để bày tỏ sự ngạc nhiên.

Từ thời điểm đó, tín hiệu này được biết đến dưới cái tên “tín hiệu Wow!”. Nhiều nhà khoa học thừa nhận rằng, nguồn gốc của “tín hiệu Wow!” là rất bí ẩn.

Tuy nhiên mấy năm trước, các nhà khoa học thấy rằng nguồn phát ra “tín hiệu Wow!” không phải là nền văn minh lạ nào đó trong vũ trụ, mà chỉ là các sao chổi bay ngang qua khu vực bầu trời mà Kính viễn vọng điện từ Big Ear quan sát. Như vậy, lại một lần nữa chúng ta trở nên cô đơn trong vũ trụ và không có bất kỳ dấu vết nào về sự sống ngoài Trái đất.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất. Một trong nhiều vấn đề mà các nhà khoa học thuộc Chương trình SETI (Chương trình tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất) gặp phải là việc đưa ra quyết định về nơi họ cần tìm kiếm các tín hiệu của những nền văn minh lạ.

Trong bài báo khoa học mới nhất, công bố trên cổng dịch vụ arXiv, nhà khoa học John Gertz (Viện SETI) cho rằng, chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến các sao lùn trắng (phần còn lại của các ngôi sao giống như Mặt trời của chúng ta). Mặc dù thoạt nhìn thì đây có vẻ như là ý tưởng khá kỳ lạ, nhưng nó không phải là không có ý nghĩa. Nếu như chúng ta biết được điều gì đó về sự sống trong vũ trụ, thì đây chính là kiến thức liên quan đến Trái đất.

Chẳng hạn, chúng ta biết là sự sống có thể xuất hiện trên các hành tinh quay xung quanh những ngôi sao thuộc lớp G, bởi chính Mặt trời của chúng ta là một trong những ngôi sao đó. Vì vậy, khi tìm kiếm sự sống (ít ra là sự sống tương tự như chúng ta), chúng ta phải bắt đầu từ việc nghiên cứu những ngôi sao như vậy.

Kiến thức hiện tại của chúng ta về các ngôi sao lớp G nói rằng, chúng có tuổi khoảng 8 - 10 tỷ năm. Vào cuối cuộc đời của mình, các ngôi sao lần lượt trải qua giai đoạn “sao gần mức khổng lồ”, “sao khổng lồ đỏ”, “tinh vân hành tinh” và cuối cùng là “sao lùn trắng”.

Mặt trời mới có tuổi là gần 5 tỷ năm; vì vậy, không có sự đe dọa gì lớn đối với sự sống từ phía Mặt trời (Mặt trời còn phải đốt hết hidro bên trong lòng nó trong vài tỷ năm nữa).

Cần quan sát thật kỹ những sao lùn trắng

Tuy nhiên, mỗi nền văn minh trên hành tinh quay xung quanh ngôi sao thuộc nhóm G, dù sớm hay muộn cũng phải bị diệt vong, hoặc phải di chuyển đi nơi khác. Sau vài tỷ năm nữa, khi Mặt trời đi vào giai đoạn “sao đỏ khổng lồ”, kích thước của nó bắt đầu tăng lên. Mặt trời sẽ “nuốt” lần lượt sao Thủy và sao Kim; và bề mặt của nó phát triển đến khu vực quỹ đạo Trái đất hiện nay.

Có một điều chắc chắn là, trong giai đoạn này, trên Trái đất không còn những điều kiện thích hợp cho sự sống tồn tại. Chính vì vậy, đến lúc đó, nền văn minh của chúng ta hoặc phải đi tìm hệ hành tinh khác, hoặc phải tìm cách tồn tại ngay trên Trái đất đầy nguy hiểm.

Vấn đề là ở chỗ, du hành liên sao là thách thức lớn không chỉ đối với chúng ta mà cả đối với những nền văn minh tiên tiến khác (nếu có). Chúng ta hãy giả sử Mặt trời già hơn rất nhiều so với hiện nay và bắt đầu thiêu đốt Trái đất. Chúng ta buộc phải di chuyển đến một thiên cầu khác để có thể tiếp tục tồn tại.

Giả sử rằng chúng ta đưa một nhóm người lên con tàu vũ trụ và cho con tàu bay với vận tốc tương đương vận tốc tàu thăm dò vũ trụ Voyager - một trong những con tàu nhanh nhất hiện nay, thì chúng ta phải bay trong thời gian khoảng 100.000 năm mới tới được hệ thống sao gần nhất - hệ sao Barnard.

Vậy làm thế nào để chế tạo được tàu vũ trụ có khả năng duy trì và nuôi dưỡng 4.000 thế hệ trong khi bay trong không gian vũ trụ?

Giải pháp có vẻ hợp lý hơn và dễ dàng hơn là di chuyển lên sao Hỏa hoặc thậm chí lên các thiên thể lớn thuộc Dải Kuiper và tạo ra các điều kiện thích hợp để tồn tại ở đó. Hơn nữa, cùng với thời gian, khi sao lùn đỏ ném các lớp vỏ ngoài của nó ra ngoài không gian vũ trụ, tại khu vực trung tâm của hệ thống chỉ còn lại sao lùn trắng nóng bỏng.

Rất có thể khi đó việc quay trở lại Trái đất và chuẩn bị những điều kiện mới cho cuộc sống trở nên khả thi. Tất cả những việc đó là thách thức đặc biệt khó khăn, tuy nhiên chúng còn dễ dàng hơn và khả thi hơn so với các chuyến du hành liên sao. Sự tiến hóa các hệ thống hành tinh cho thấy, các hành tinh hình thành khá nhanh từ đĩa vật chất tiền hành tinh sau khi ngôi sao chủ xuất hiện.

Trên Trái đất, chúng ta biết rằng, sự sống có thể xuất hiện khá nhanh chóng sau khi hành tinh hình thành (cũng cần để ý rằng khoảng thời gian từ lúc sự sống xuất hiện cho đến khi hình thành nền văn minh kỹ thuật là hàng tỷ năm).

Nếu như trong các hệ thống liên hành tinh khác, những quá trình đó diễn ra tương tự, thì nhìn về hướng các sao lùn trắng, chúng ta sẽ bắt gặp các hệ hành tinh già hơn Hệ Mặt trời hàng tỷ năm. Điều này có thể chứng tỏ rằng, nếu ở đó có những nền văn minh nào đó, thì “họ” phát triển hơn chúng ta rất nhiều.

Các nhà khoa học khẳng định, khi tìm kiếm dấu hiệu sự sống ngoài Trái đất, chúng ta cần quan sát thật kỹ những sao lùn trắng, bởi chính xung quanh chúng có thể có những nền văn minh vũ trụ tiên tiến. Những nền văn minh này biết rằng du hành liên sao là việc vượt quá khả năng và “họ” ứng xử thích hợp với sự tiến hóa hành tinh của mình, đồng thời bằng lòng với việc du hành bên trong hệ hành tinh.

Theo Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tim-nen-van-minh-quanh-sao-lun-trang-20200330135812953.html