Tìm nhà văn viết lời cho ca khúc

Việc kết hợp nhạc sĩ - nhà văn là rất cần thiết trong việc sáng tạo ca khúc có giá trị cho nhạc Việt, nhất là khi đội ngũ sáng tác nhạc hiện nay có không ít người còn yếu kém và non nớt về mặt ca từ

V-pop vốn chuộng những bản ballad dễ nghe, dễ thấm, thậm chí điều này đã trở thành một "công thức" tạo hit (bài hát ăn khách) của nhiều ca sĩ Việt hiện nay. Trong bề nổi ồn ào của dòng nhạc trendy (theo xu hướng âm nhạc thế giới), V-pop vẫn tràn ngập những bản tình ca chiếm lĩnh vị trí spotlight (tiêu điểm) trên các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước bởi sự ưa thích của khán giả yêu nhạc. Nhưng để có được những bản tình ca tuyệt đẹp không chỉ là giai điệu mà lời bài hát cũng phải khiến trái tim người nghe thổn thức. Lúc đó, âm nhạc cần thêm ngôn từ.

Nhu cầu từ đời sống

"Những yêu thương rồi đến lúc bình tâm như nắng sau một cơn mưa/ Chậm rãi chìa tay ra để nhận về hơi ấm/ Con người vẫn luôn luôn lạ lẫm/ Vui đến tận cùng rồi một ngày òa khóc/ Vì trái tim mình đã sai…/ Mình không thể nào sống lại cuộc đời lần thứ hai/ Nhưng cứ ngoái đầu như một vòng tròn khép kín/ Thứ đẹp nhất là thứ mà mình đã từng nếm/ Nơi bình yên nhất là nơi mình đã đến/ …" (trích đoạn lời bài hát "36" trong album "36" của ca sĩ Đức Tuấn). Đây cũng là bài thơ của nhà thơ Nguyễn Phong Việt viết cho bài hát cùng tên do nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh sáng tác.

Ca khúc này chiếm cảm tình của công chúng yêu nhạc bởi hòa quyện giữa phần nhạc và lời. Lời ca không chỉ là tâm tư của người viết, người hát mà là nỗi lòng của những người nghe đang ở tuổi 36. Có những thứ cứ trôi qua, giản dị nhưng chẳng thể thốt thành lời. Cho đến khi ca từ được cất lên, người nghe như thấy được sự đồng cảm trong đó và nó trở nên ăn khách. Không chỉ có "36", nhà thơ Nguyễn Phong Việt còn viết lời cho hai ca khúc "Sợ" và "Cho một lần nữa". Cả hai ca khúc này cũng để lại ấn tượng với người nghe về mặt ca từ.

Ca sĩ Đức Tuấn trình diễn ca khúc của Trần Lê Quỳnh do nhà thơ Nguyễn Phong Việt hợp tác viết lời

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho hay anh nhận được rất nhiều lời mời viết lời cho ca khúc. Dù không phải là công việc chuyên môn so với làm thơ, viết văn của mình nhưng rõ ràng đây là một công việc thú vị, tạo nhiều cảm hứng. Những cây bút được ưa chuộng hiện nay có thể kể: Nguyễn Phong Việt, Hà Quang Minh, Anh Khang, Mr Siro, Hoàng Huy Long,... bởi những câu chuyện được diễn tả bằng ngôn tình mà họ viết ra không khác một bộ phim ngắn, tóm gọn trong 5 phút với sự dẫn dắt của âm nhạc.

Thật ra, việc nhà văn viết lời cho ca khúc, hay nhạc sĩ phổ thơ vẫn là những công việc xưa nay trong giới sáng tác. Nhiều ca khúc kết hợp này đã trở thành tác phẩm bất hủ. Chỉ có điều là ngày xưa, thi - ca hòa điệu bởi sự đồng cảm giữa các tác giả thông qua bài thơ, đoạn văn dạt dào cảm xúc mà người viết nhạc đọc được. Còn hiện tại, sự kết hợp này là nhu cầu từ phía ca sĩ, nhạc sĩ, họ chủ động tìm các nhà văn, nhà thơ "hay chữ" mời hợp tác viết lời cho ca khúc của họ để có được phần ca từ hay hơn.

Ca khúc "Chạm khẽ tim anh một chút thôi", đứng đầu tốp trending (ca khúc được yêu thích nhất) được hình thành từ công thức nhạc sĩ viết nhạc - nhà văn viết lời. Nhà văn trẻ Anh Khang, biệt danh "nhà văn triệu bản" sau 5 năm viết sách, được "chọn mặt gửi vàng". Ca khúc này nhanh chóng trở thành hit vì nhạc hay, lời ca cũng thú vị đối với khán giả trẻ: "Thời gian xóa đi những ngây thơ những điều vội vàng như trong giấc mơ/ Để lại những cơn đau vu vơ chẳng còn bất ngờ/ Một mai sớm kia em có thấy giữa lồng ngực mình đau khi nhớ anh/ Thì đừng vội khóc hãy siết tay anh nơi em bình yên"...

Sự kết hợp cần thiết

Có nhiều ý kiến trái chiều về những bản tình ca hit hiện nay trên thị trường nhạc Việt: "Sống xa anh chẳng dễ dàng", "Anh muốn em sống sao" của Bảo Anh; "Cho em gần anh thêm chút nữa", "Duyên mình lỡ" của Hương Tràm; "Ánh nắng của anh" của Đức Phúc; "Đây chỉ riêng em", "Người hãy quên em đi", "Muộn màng là từ lúc" của Mỹ Tâm; "Cả một trời thương nhớ" của Hồ Ngọc Hà,... Với nhiều người, đây vẫn là những ca khúc có chút "sến súa", kiểu lời ca ngôn tình hơn là những bản tình ca thi vị của ngày xưa.

Nhưng rõ ràng là những ca khúc trữ tình gần đây cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt về lời ca so với thời điểm khủng hoảng ca từ của ca khúc Việt cách đây chưa lâu. Những ca khúc vô nghĩa, rỗng tuếch về mặt ngôn từ khiến công chúng ngán ngẩm, bị công luận lên tiếng chỉ trích, đã dần được thay thế bằng những ca từ được chăm chút hơn của người sáng tác. Nhiều ca sĩ chấp nhận tăng thêm chi phí cho ca khúc mới của mình bằng việc nhờ một nhà văn hay một nhạc sĩ giỏi về lời ca viết lại lời cho ca khúc độc quyền mà họ vừa mua được. Theo tiết lộ của một nữ ca sĩ, cô đã phải trả thêm hơn 20 triệu đồng cho việc nhờ người đặt lại lời mới cho ca khúc độc quyền mà cô vừa bỏ không ít tiền để mua. Nhưng "đây là điều cần thiết vì như thế sẽ tạo nên sản phẩm âm nhạc hoàn hảo hơn" - cô nói.

Thực tế, việc kết hợp nhạc sĩ - nhà văn là rất cần thiết cho việc sáng tạo ra ca khúc có giá trị cho nhạc Việt, nhất là khi đội ngũ sáng tác nhạc hiện nay có không ít người còn yếu kém và non nớt về mặt ca từ. Sẽ khập khiễng nếu so sánh những bản tình ca hiện tại với những bản tình ca đầy chất thơ của ngày xưa, khi phong thái kể chuyện cùng với góc nhìn về cuộc sống khác nhau. Nhưng điểm chung mà công chúng dễ dàng nhận thấy chính là sự chuẩn mực trong từng lời ca, điệu nhạc. Không có sự lạc quẻ hay tình trạng ráp chữ thô thiển giữa âm nhạc và lời ca. Chỉ điều đó thôi cũng đủ để công chúng và người trong giới lạc quan hơn về tương lai nhạc Việt.

Bài và ảnh: Thùy Trang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tim-nha-van-viet-loi-cho-ca-khuc-20180814211212632.htm