Tìm nhiều cách giải cứu cử nhân thất nghiệp

Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm sinh viên tại khuôn viên của trường mình để giúp đỡ sinh viên có cơ hội kiếm việc làm khi mới ra trường...

Ngày hội việc làm trong khuôn viên Trường đại học Văn Lang - Ảnh: Thiên Hà

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, tính tới quý 4/2017 cả nước có 215,3 nghìn người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp. Giảm 21,7 nghìn người so với quý 3/2017, và tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này (tốt nghiệp đại học) là 4,12%.

Nhóm trình độ cao đẳng có 78,8 nghìn người thất nghiệp, giảm 6 nghìn người so với quý 3/2017. Tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm xuống còn 4,32% nhưng vẫn ở mức cao nhất so với các nhóm lao động khác.

Trong khi đó nhóm trình độ “trung cấp có 64,6 nghìn người thất nghiệp, là nhóm chứng kiến sự giảm mạnh nhất với số lượng 30,9 nghìn người và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,49%.

Điều này cho thấy, dù đã có sự báo động của toàn xã hội đối với tình trạng người lao động có trình độ cao, nhưng nhóm này vẫn là nhóm bị thất nghiệp nhiều nhất.

Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây nhiều trường đại học trong cả nước đã thường xuyên tổ chức mở ngày hội việc làm trong khuôn viên của trường họ như là một sự giải cứu, giải tỏa đối với nỗi lo người lao động trình độ cao thì dễ có nguy cơ thất nghiệp.

Mới đây ngày 7.4, Trường ĐH Văn Lang đã tổ chức Ngày hội việc làm lần 3 tại cơ sở 2 (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Tham dự chương trình có 23 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kỹ thuật, tài chính ngân hàng, vận tải, xây dựng - thiết kế… với hơn 1.000 vị trí cần tuyển dụng. Tại ngày hội, sinh viên của trường này có nhiều cơ hội tìm hiểu công việc tương lai và giao lưu với nhà tuyển dụng.

Cùng ngày, Trường ĐH Văn Hiến và các trường thành viên Hệ thống giáo dục Hùng Hậu cũng tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên của trường. Lần tổ chức này có hơn 20 doanh nghiệp với 27 gian hàng cùng hơn 3.000 vị trí việc làm khác nhau, tạo cầu nối cho sinh viên gặp gỡ các nhà tuyển dụng, tìm kiếm những cơ hội việc làm bán thời gian và toàn thời gian khi ra trường. Được biết Trường đại học Văn Hiến mỗi năm mở tới 2 kỳ ngày hội việc làm cho sinh viên của trường.

Không chỉ trường đại học dân lập, nhiều trường đại học công lập như Kiến trúc TP.HCM, Ngoại ngữ Hà Nội, Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội... cũng thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm trong khuôn viên trường.

Doanh nghiệp mở thêm khóa học ngắn dành cho sinh viên

Để giải quyết việc làm cho người lao động, cũng như tìm được nhân lực chất lượng cao, một doanh nghiệp đã bắt đầu chủ động mở những khóa học ngắn dành cho sinh viên.

Ngày 6.4 Công ty cổ phần Sài Gòn Food đã khai mạc "Học kỳ doanh nghiệp" dành cho 30 sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP.HCM. Đây là mô hình học tập mới được các trường và sinh viên tham gia đánh giá cao.

Sinh viên đang theo học các chuyên ngành chế biến thực phẩm - thủy hải sản, quản trị kinh doanh, marketing, cung ứng - xuất nhập khẩu, kho vận, hành chính nhân sự, thống kê… tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đều có thể đăng ký tham gia khóa học.

Thời gian học tập trực tiếp tại công ty kéo dài từ 2-3 tháng tùy theo vị trí mà sinh viên đã chọn. Sau "Học kỳ doanh nghiệp", những sinh viên có nguyện vọng ở lại làm việc tại công ty sẽ được phỏng vấn tuyển dụng, đưa vào chương trình đào tạo đặc biệt từ 1-2 năm ở các vị trí nhân viên, chuyên viên, sau đó thi tuyển tham gia vào chương trình quản trị viên tập sự với các vị trí quản lý…

Thiên Hà

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/tim-nhieu-cach-giai-cuu-cu-nhan-that-nghiep-85644.html