Tìm ra hoạt chất diệt tế bào ung thư từ cây đỉnh tùng

Quá trình nghiên cứu 15 loài cây lá kim ở Tây Nguyên, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát hiện hoạt chất mới là Norisoharringtonine từ vỏ cây đỉnh tùng. Hoạt chất này có khả năng ức chế mạnh lên các dòng tế bào ung thư biểu mô, ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Sau kết quả ở phòng thí nghiệm, hoạt chất mới cần qua các bước thử nghiệm theo quy định. Hiện nay, viện nghiên cứu đang gặp khó khăn do nguyên liệu khan hiếm bởi vì hoạt chất chỉ có hoạt tính mạnh khi tách chiết từ cây trưởng thành (5 đến 10 tuổi), trong khi cây đỉnh tùng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ca-mê-ra trí tuệ nhân tạo “nhìn” xuyên tường

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Ma-xa-chu-xét (Mỹ) và Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo đã phát triển một công nghệ mới tên là “RF-Pose”, giúp nhìn xuyên qua tường. Công nghệ này sử dụng các máy phát sóng vô tuyến chiếu vào cơ thể người và trí tuệ nhân tạo sẽ chuyển thành các hình người que trên màn hình. Công nghệ này có thể cung cấp thông tin chính xác đến 83% trong việc nhận dạng một người dù bị tường che chắn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ứng dụng này sẽ có ích trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, người thân có thể theo dõi người lớn tuổi, phản ứng ngay nếu họ bị ngã, hoặc phát hiện các dấu hiệu bệnh pa-kin-xơn qua dáng đi. Hoặc có ích đối với nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn của ngành an ninh và quân sự. Hiện nay, rào cản lớn nhất là công nghệ không thể hoạt động xuyên qua các bức tường dày; đồng thời, việc bảo vệ sự riêng tư của người dân cũng là vấn đề đang được cân nhắc.

Rô-bốt thay kỹ sư sửa chữa máy bay

Nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia về rô-bốt từ Đại học Ha-vớt và Nốt-ting-ham, Tập đoàn Kỹ thuật hàng không Rolls-Royce (Anh) đã chế tạo thành công rô-bốt kích thước nhỏ, thay các Kỹ sư làm việc trong điều kiện không gian giới hạn của động cơ máy bay. Hãng còn có kế hoạch lắp đặt ca-mê-ra lên trên mỗi rô-bốt, cho phép các kỹ sư nhìn thấy những gì đang diễn ra bên trong động cơ mà không cần phải tháo rời nó. Tập đoàn kỹ thuật hàng không Rolls-Royce còn nghiên cứu tới khả năng “đào tạo” rô-bốt thực hiện các công việc sửa chữa phức tạp. Theo các kỹ sư, nếu thực hiện nhiệm vụ bằng cách thông thường có thể sẽ mất 5 tiếng, trong khi rô-bốt nhỏ này chỉ mất khoảng 5 phút. Tuy vậy, kích thước của rô-bốt vẫn còn quá lớn so với mục đích sử dụng của hãng. Các kỹ sư mong muốn thu nhỏ kích thước rô-bốt nhưng thời gian có thể mất vài năm.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/37213902-tim-ra-hoat-chat-diet-te-bao-ung-thu-tu-cay-dinh-tung.html