Tìm ra nguyên nhân khiến người phụ nữ đau bụng suốt kỳ nghỉ Tết

Bà H. đau bụng âm ỉ từ chiều 30 Tết, mỗi khi vận động càng đau nhiều nhưng trùng dịp nghỉ Tết nên không đi khám mà cố chịu. Mùng 9 Tết, bà đến viện, phát hiện dị vật là chiếc tăm đã xuyên sâu vào niêm mạc ruột.

Bệnh nhân là bà H. (56 tuổi) ở Quảng Ninh. Suốt kỳ nghỉ Tết bà luôn thấy đau bụng, tình trạng đau càng tăng, ăn uống kém, được gia đình đưa đến trung tâm y tế gần nhà, chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh dị vật hình que dài khoảng 3cm nằm ở đoạn D2 tá tràng. Bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày tá tràng gây mê lấy dị vật.

Kíp bác sĩ khoa Thăm dò chức năng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiến hành nội soi kiểm tra, phát hiện dị vật là chiếc tăm tre nhọn, một đầu cắm xuyên niêm mạc ruột, một đầu tự do, xung quanh có dịch mủ chảy. Chiếc tăm dài gây viêm và sắp lọt vào ổ bụng.

BSCKI Lê Bá Sinh, khoa Thăm dò chức năng, ngày 30/1 cho hay quá trình nội soi lấy dị vật gặp khó khăn do nhu động ruột bị kích thích, co thắt liên tục khiến đầu tăm di động và có xu hướng cắm hết qua thành ruột vào ổ bụng.

Kíp can thiệp thực hiện nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân H. Ảnh: BVCC

Kíp can thiệp thực hiện nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân H. Ảnh: BVCC

Sau gần 1 tiếng, tăm nhọn dài hơn 3cm đã được lấy ra. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đỡ đau bụng, tiếp tục theo dõi, điều trị kháng sinh chống viêm.

Trước đó, khoa Thăm dò chức năng của bệnh viện này từng tiếp nhận và nội soi gắp thành công nhiều trường hợp bị hóc dị vật như xương cá, cúc áo, răng giả, đồng xu… trong đường tiêu hóa. Điều nguy hiểm của các tai nạn này, nhất là dị vật sắc nhọn như tăm tre, là dị vật có thể di chuyển xuống ruột gây thủng ruột. Nếu để lâu ngày, dị vật đâm xuyên ra ổ bụng gây nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe ổ bụng, viêm phúc mạc. Khi đó, bệnh nhân sẽ phải trải qua phẫu thuật mới có thể loại bỏ dị vật.

Những thói quen dễ khiến dị vật lọt vào đường tiêu hóa, đường thở khi ăn

Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân H. có thói quen ngậm tăm sau khi ăn. Thói quen này từng khiến nhiều người vào viện. Hầu hết bệnh nhân đều bị đau bụng âm ỉ, mức độ tăng dần, có người đau dữ dội kèm sốt cao.

Để phòng ngừa, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên bỏ thói quen ngậm tăm sau ăn, vì có thể bất cẩn, vô ý nuốt phải.

Ngoài tăm nhọn, nguy cơ dị vật trong quá trình ăn uống, như xương cá, răng giả… rất dễ gặp phải, thường xảy ra ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Vì vậy, bác sĩ khuyên người dân nên tập trung ăn uống, nhai kỹ trước khi nuốt, bỏ các thói quen không tốt để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường tiêu hóa, đường thở, như cười đùa, xem tivi, cầm điện thoại lướt mạng… trong khi ăn.

Thực tế, nhiều cơ sở y tế từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân vì mải nói chuyện trong lúc ăn nên bị hóc thực phẩm. Điển hình ngày 28/1, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam gắp thành công đoạn lòng lợn dài 25cm nằm giữa 2 dây thanh quản người đàn ông 63 tuổi. Người nhà cho biết bệnh nhân vừa ăn lòng luộc vừa nói chuyện nên bị sặc, khó thở, da, môi, đầu chi tím tái, đi cấp cứu ngay.

Khi phát hiện nuốt hoặc hóc dị vật, bác sĩ khuyến cáo cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và xử trí kịp thời. Trong trường hợp đau bụng âm ỉ kéo dài không rõ nguyên nhân, cần đến cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân chính xác, điều trị tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra về sau.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngam-tam-sau-an-khien-nguoi-phu-nu-dau-bung-suot-may-ngay-tet-2105055.html