Tìm thấy 'tụ cầu vàng' trong sữa chua khiến 76 học sinh mầm non ngộ độc

Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, trong sữa chua do bếp ăn Trường mầm non Thuận Sơn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) tự làm có vi khuẩn S.aureus (tụ cầu vàng) đã khiến 76 trẻ ngộ độc phải nhập viện.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn thực phẩm Nghệ An, ngày 9/5, tại Trường Mầm non Thuận Sơn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương xảy ra 1 vụ ngộ độc làm 76 người mắc, không có trường hợp tử vong.

Ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc, Chi cục đã thực hiện lấy 10 mẫu thực phẩm gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm xác định nguyên nhân ngộ độc.

10 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm gồm 6 mẫu thực phẩm được nhà trường thực hiện lưu mẫu trong bữa ăn trưa và bữa ăn giữa chiều ngày 9/5 (1 mẫu sữa chua lên men, 1 mẫu dưa lưới, 1 mẫu cơm trắng, 1 mẫu canh bí đỏ nấu lạc, 1 mẫu thịt lợn kho trứng cút và 1 mẫu rau xào) và 4 mẫu bệnh phẩm là chất nôn của các bệnh nhân bị ngộ độc được điều trị tại Trạm Y tế xã Thuận Sơn.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tìm thấy vi khuẩn tụ cầu vàng trong mẫu sữa chua. Từ kết quả trên và quá trình điều tra ngộ độc cũng như triệu chứng lâm sàng của các bệnh nhân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An nhận định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm là do vi khuẩn S.aureus (tụ cầu vàng) có trong sữa chua lên men.

Đây là sữa chua do bếp ăn nhà trường tự làm. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn bán trú.

Tụ cầu vàng nguy hiểm thế nào? Theo bác sĩ của Bệnh viện Medlatec, đây là một loại vi khuẩn tụ cầu có tính độc cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được trị liệu kịp thời.

Nếu ăn phải nguồn thực phẩm có nhiễm tụ cầu rất dễ bị ngộ độc thức ăn. Vi khuẩn này thường xâm nhập vào thực phẩm khi quá trình chế biến và bảo quản không đảm bảo vệ sinh.

Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sống ký sinh trên da và niêm mạc sau đó xâm nhập vào cơ thể thông qua lỗ chân lông, các tuyến dưới da và nang lông. Tiếp sau đó, chúng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn kèm mủ với triệu chứng khởi phát là sự xuất hiện của mụn nhọt, chốc lở và các ổ áp xe trên da.

Bệnh do tụ cầu gây nên ở da thường do môi trường bên ngoài xâm nhập vào. Thường thì chúng ít gây bệnh nếu chỉ cư trú trên da. Tuy nhiên, khi có vết thương hở, mụn kèm theo vệ sinh kém, đề kháng yếu thì chúng sẽ có cơ hội gây nên các bệnh nguy hiểm.

Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn tụ cầu vàng có thể gây nhiễm khuẩn máu - một tình trạng nhiễm trùng nặng. Vi khuẩn này có thể đi tới các cơ quan nội tạng và gây ra các ổ áp xe tại đây đe dọa đến tính mạng con người. Ngoài ra, bệnh còn có nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương,...

Đa phần các trường hợp bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng đều tìm thấy vi khuẩn này trên da. Chúng thường xâm nhập thông qua vết thương hoặc vết cắt. Một số trường hợp đặc biệt, tụ cầu vàng xâm nhập vào bên trong cơ thể gây nhiễm trùng một số cơ quan, gây ra những hệ lụy nguy hiểm. Ngoài ra, vi khuẩn tụ cầu vàng cũng có thể sinh sống trên bề mặt vật dụng cá nhân và lây truyền từ người này qua người khác khi chạm vào các bề mặt này.

Tr.Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/tim-thay-tu-cau-vang-trong-sua-chua-khien-76-hoc-sinh-mam-non-ngo-doc-i694406/