Tìm thị trường cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Sở Công Thương TP HCM đang tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), Ban Quản lý các KCX-KCN TP (Hepza) và các đơn vị chuẩn bị tổ chức Hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019.

Kết nối cho 20 doanh nghiệp cung ứng - mua hàng

Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-9 tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đây là sự kiện thường niên nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước để giao lưu, kết nối, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng, mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự kiện này tiếp tục là cầu nối hiệu quả, tạo cơ hội phát triển thị trường cho DN. Từ đó, giúp DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa của Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị, tham gia chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư của TP HCM theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 8-10-2018 của HĐND TP ban hành quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP năm 2018-2020 một cách hiệu quả.

Năm nay, khoảng 20 đơn vị là đại diện các nhà mua hàng của các công ty đầu tư nước ngoài (FDI) và các DN sản xuất công nghiệp đầu cuối cùng 100 công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ có năng lực cung ứng phù hợp của Việt Nam sẽ tham gia hội nghị. Cũng như các năm trước, lĩnh vực công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo ôtô - xe máy - xe tải, cơ khí chế tạo… được các DN ưu tiên tìm kiếm nhà cung cấp.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tiếp xúc với các nhà mua hàng tiềm năng tại một sự kiện kết nối tìm nhà cung cấp tại TP HCM

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tiếp xúc với các nhà mua hàng tiềm năng tại một sự kiện kết nối tìm nhà cung cấp tại TP HCM

Tiềm năng gia nhập chuỗi

Cũng theo ông Đông, rất nhiều DN sản xuất trên thế giới muốn tìm cơ hội mua hàng tại Việt Nam và đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đơn cử, 17 nhà mua hàng quốc tế lẫn trong nước có nhu cầu hơn 250 cụm chi tiết/linh kiện cần tìm nhà cung ứng với khoảng 80 DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với 242 cuộc tiếp xúc tại Ngày hội Tìm kiếm nhà cung cấp năm 2018. Tại sự kiện này, đại diện 17 DN FDI và các DN sản xuất công nghiệp đầu cuối với vai trò là nhà mua hàng (buyer) đã đánh giá các nhà cung cấp tiếp xúc trực tiếp là có tiềm năng và 51% trong đó xác lập cuộc hẹn đi thăm nhà máy của các DN cung ứng.

Qua những ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp, nhiều nhà sản xuất lớn của thế giới như Samsung, Bosch, Misubishi, Schindler… đã tiến tới tìm hiểu sâu, ký kết hợp đồng mua hàng với DN cung ứng. Các DN này cho rằng DN cung ứng nên có chiến lược đầu tư sản xuất dài hạn, chú trọng bảo đảm hệ thống chất lượng toàn diện, tăng năng lực cung ứng từ sản xuất theo đơn hàng sang sản xuất hàng loạt sẽ có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đại diện công ty sản xuất thang máy Schindler, năng lực cung ứng của các DN công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do chỉ sản xuất theo từng đơn hàng nhỏ lẻ, không mang tính hàng loạt. Một số DN chỉ ra rằng giá cả chưa cạnh tranh cũng là 1 điểm trừ làm giảm cơ hội cho DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu nỗ lực khắc phục những hạn chế này, cơ hội sẽ mở rộng cho các DN.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/tim-thi-truong-cho-nganh-cong-nghiep-ho-tro-20190714215912108.htm