Tìm tiếng nói chung

Đưa ra bàn bạc công khai các vấn đề liên quan đến đời sống người lao động để phát huy dân chủ cơ sở và hạn chế tranh chấp về lợi ích

Lao động nữ nghỉ thai sản được trợ cấp thêm 2 tháng lương; tiền mừng cưới tăng từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng... Những tin vui từ bản thỏa ước lao động tập thể vừa được ký kết tại hội nghị người lao động (NLĐ) khiến hơn 800 lao động ở Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (quận 10-TPHCM) hết sức phấn chấn. Xem việc của doanh nghiệp là của mình Ông Nguyễn Địch Huy, Chủ tịch CĐ Công ty Hùng Vương, cho biết: “Trước khi đưa ra thương thảo, CĐ cơ sở đã hoàn chỉnh dự thảo thỏa ước, đưa ra lấy ý kiến của tập thể công nhân. Sự chuẩn bị chu đáo này đã giúp hội nghị NLĐ tổ chức có chất lượng và nâng phúc lợi cho CN”. Một tháng là khoảng thời gian CĐ cơ sở dành cho NLĐ ở các tổ CĐ tìm hiểu cặn kẽ tình hình phát triển của doanh nghiệp (DN) và dự thảo nội dung thỏa ước để góp ý. Sau đó, toàn bộ ý kiến đóng góp được tập hợp để CĐ cơ sở thương thảo với ban giám đốc công ty. So với thỏa ước cũ, nhiều phúc lợi cho NLĐ đã được nâng lên. Bà Võ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thắng (quận Thủ Đức - TPHCM), trao học bổng cho con công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: V.TÙNG Tại Công ty TNHH Phúc Thắng (100% vốn Anh Quốc; quận Thủ Đức-TPHCM), việc tập hợp ý kiến đóng góp của NLĐ đối với nội dung dự thảo thỏa ước được tổ chức khá bài bản. Nhờ vậy, CĐ cơ sở đã thành công khi thương lượng, ký kết thỏa ước mới với ban giám đốc. Trong đó, một số chế độ phúc lợi cho công nhân được nâng lên, như phụ cấp nhà trọ tăng từ 70.000 đồng lên 120.000 đồng; mức tăng lương từ 10% lên 15%/năm... Đối thoại cởi mở “Để NLĐ có cơ hội bàn bạc công khai, có chất lượng các vấn đề liên quan đến sự phát triển của DN, đặc biệt là đời sống, việc làm của NLĐ, CĐ cơ sở phải thuyết phục ban giám đốc thông tin cặn kẽ tình hình sản xuất – kinh doanh. Bởi, có hiểu được DN cần gì thì NLĐ mới xác định động cơ phấn đấu, dám hy sinh vì lợi ích chung. Thực tế, DN có phát triển ổn định thì đời sống NLĐ cũng được bảo đảm” - ông Huỳnh Nguyên Triệu, Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu Comeco, bộc bạch. Thực tế, 100 lượt ý kiến đóng góp của CB-CNV tại hội nghị chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất – kinh doanh; chất lượng công tác điều hành, quản lý; quy chế khen thưởng, phúc lợi. Cách làm này của CĐ cơ sở được ban giám đốc đánh giá cao, bởi qua hội nghị NLĐ, DN thấy được ý thức trách nhiệm của NLĐ đối với đơn vị, từ đó bàn bạc với CĐ để bổ sung vào thỏa ước các chế độ phúc lợi nhằm động viên NLĐ. Ông Trần Văn Lang, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO), cho biết: “Tại 10/20 đơn vị đã tổ chức xong hội nghị NLĐ, việc CĐ cơ sở tranh thủ thuyết phục, vận động DN đem các vấn đề tồn tại trong hoạt động sản xuất – kinh doanh ra “mổ xẻ” công khai đã tạo không khí dân chủ thực sự. Tại các hội nghị, khi được lãnh đạo giải đáp cặn kẽ, bức xúc của NLĐ, nhất là các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm và thu nhập, cũng kịp thời được giải tỏa. Một khi NLĐ đã thông hiểu, CĐ cơ sở dễ dàng vận động NLĐ tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến...”. Ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: Phải hiểu DN và NLĐ Với sự chỉ đạo sát sao của CĐ cấp trên, nhiều đơn vị tổ chức hội nghị NLĐ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của DN và tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Việc công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất – kinh doanh sẽ tạo cơ chế đối thoại cởi mở tại hội nghị NLĐ. Thực tế, quyền và các chế độ phúc lợi của NLĐ luôn gắn liền với sự thành bại của DN. Do vậy, trước khi thương thảo, ký kết thỏa ước, CĐ cơ sở phải bám sát đặc thù của DN, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để bàn bạc, thảo luận. Một khi các vấn đề liên quan đến DN, đến NLĐ được giải quyết triệt để thì hội nghị NLĐ mới thành công.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100325105626134p0c1010/tim-tieng-noi-chung.htm